Giúp gia đình trẻ vượt qua đại dịch Covid – 19

Thứ sáu, 12/11/2021 - 16:21

TNV - Mất việc làm, thu nhập giảm sút, bạo lực gia đình gia tăng, vấn đề học hành của con cái… là những thách thức các gia đình trẻ phải đối mặt do đại dịch Covid-19. Vậy làm thế nào để vượt qua những thách thức đó, để xây dựng gia đình hạnh phúc?

Các chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn

Gia tăng bạo lực gia đình

Tại Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” do Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức mới đây, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cũng cho rằng, vợ chồng đối mặt với nhau 24/24 giờ suốt thời gian giãn cách không thể tránh được va đập. Bên cạnh đó, câu hỏi làm thế nào duy trì cuộc sống khi mất việc làm, thu nhập giảm sút khiến các gia đình trẻ luôn lo lắng, bất an. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của các bạn trẻ, nhất là khi họ chưa có nhiều trải nghiệm.

Để vượt qua khó khăn, giữ lửa hạnh phúc gia đình, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng, vợ chồng trẻ phải bình tĩnh, cùng nhau chia sẻ vượt qua khó khăn. “Chúng ta phải chấp nhận Covid-19 trở thành căn bệnh đặc hữu. Thay vì mở cửa hàng ở chợ, trên phố các bạn trẻ hãy chuyển sang hình thức online. Những bạn chọn về quê cũng đừng chờ đợi quay lại công việc cũ. Các bạn hãy làm bất cứ việc gì có thể tạo ra thu nhập. Nếu chúng ta luôn vận động sẽ không bị trì trệ, đồng thời có sáng kiến và động lực vượt qua khó khăn", Tiến sĩ Khuất Thu Hồng chia sẻ.

Bình tĩnh, lạc quan cũng là lời khuyên của chuyên gia tư vấn tâm lý Đinh Đoàn dành cho các gia đình trẻ.Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, dịch bệnh Covid-19 mang đi rất nhiều thứ, mất mát cả con người và vật chất. Tuy nhiên, giống như cơn lũ kéo đến, cuốn đi nhà cửa, hoa màu nhưng cũng để lại lớp phù sa màu mỡ. Đại dịch Covid-19 cũng vậy, nó khiến chúng ta sống chậm hơn, biết quan tâm, trân trọng gia đình nhiều hơn.

Vì vậy, để vượt qua khó khăn, điều đầu tiên mỗi người, mỗi gia đình cần làm là phải thay đổi tư duy, cách nhìn. Trước khi có sự hỗ trợ từ các tổ chức, đoàn thể, mỗi tự gia đình hãy tự cứu lấy mình bằng cách điều chỉnh thói quen sinh hoạt, thay đổi cách chi tiêu. Nếu có khó khăn thì hãy chấp nhận, kiên trì vượt qua bởi đây là thời gian được ví như thời chiến “chống dịch như chống giặc”.

“Nếu con cái nghịch ngợm, nô đùa các bạn đừng thấy bực mình bởi khi chúng nô đùa là đang khỏe mạnh. Hãy đảo góc nhìn đi, lạc quan hơn chúng ta sẽ thấy mọi thứ rất nhẹ nhàng”, chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nhấn mạnh.

Ông Khuất Văn Quý, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL), cho biết giãn cách xã hội gây tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng, trong đó có phụ nữ, trẻ em. “Ở nước ta, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, một số nghiên cứu về tác động của Covid-19 đến bạo lực gia đình đã được thực hiện. Báo cáo “Tác động xã hội của đại dịch Covid-19 đối với Việt Nam và các khuyến nghị chính sách chiến lược” của Liên Hiệp Quốc công bố tháng 8.2020, cho thấy dịch bệnh Covid-19 tác động toàn diện đến các khía cạnh của đời sống gia đình, từ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc đời sống tinh thần, đến lao động, việc làm, thu nhập, đặc biệt là tình trạng trẻ em, trẻ vị thành niên và phụ nữ có nguy cơ bị bóc lột và bạo hành cao hơn”, ông Quý chia sẻ.

Theo đó, phụ nữ và trẻ em được xác định là nạn nhân chính của bạo lực hoặc xâm hại trong gia đình. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Ngôi nhà Bình yên (của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) đã tiếp nhận gấp đôi số lượng cuộc gọi đến đường dây nóng về bạo lực mỗi tháng.

“Không chỉ vậy, có khả năng vẫn còn nhiều phụ nữ không có cơ hội tiếp cận hỗ trợ do đang sống cùng người gây bạo lực và không thể gọi điện. Cũng theo báo cáo này, số lượng trường hợp người bị xâm hại và bạo lực gia đình mà Ngôi nhà Bình yên mới tiếp nhận đã tăng gấp đôi kể từ khi dịch bệnh Covid -19 bùng phát”, ông Quý chia sẻ.

Theo ông Quý, Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam nhận định những áp lực về bệnh tật, kinh tế và cuộc sống do ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến các vụ bạo lực trên cơ sở giới với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng gia tăng. Để khắc phục, mỗi quốc gia có những giải pháp ứng phó riêng nhằm hạn chế tác động tiêu cực của Covid-19 trong đó có bạo lực gia đình.

Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã nỗ lực đảm bảo cuộc sống người dân nhưng hiện nay vẫn còn nhiều gia đình khó khăn. Vì vậy ông Quý cho rằng các chính sách cũng cần phải có những giải pháp chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng nhằm đảm bảo ổn định xã hội.

Theo đó, ông Quý cho biết, Bộ VH-TT-DL sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045.

Giáo dục đoàn viên, thanh niên về hôn nhân, gia đình

Dự thảo chiến lược đã đặt ra các chỉ tiêu: đến năm 2030 đạt 90% trở lên hộ gia đình được cung cấp kiến thức, kỹ năng về giáo dục đời sống gia đình; đạt 90% trở lên nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được cung cấp kiến thức, kỹ năng về hôn nhân, giáo dục đời sống gia đình, bình đẳng giới trong gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình…

Đồng thời, cơ quan này cũng tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng ứng xử trong gia đình, nhằm hạn chế các mâu thuẫn, tranh chấp và kiểm soát tốt nhất hành vi dẫn đến bạo lực gia đình; tăng cường các chương trình văn hóa, nghệ thuật phong phú, đa dạng về hình thức, nhằm cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần, giảm áp lực, căng thẳng trong đời sống gia đình…

Bên cạnh đó, ông Quý cũng đề xuất, đối với Trung ương Đoàn, Trung ương Hội LHTN Việt Nam cần xây dựng “Đề án giáo dục, tư vấn trước khi kết hôn cho đoàn viên thanh niên trước khi kết hôn”; đầu tư cho giáo dục, trong đó có giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ.“Đây là nhiệm vụ của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội, trong đó Đoàn Thanh niên có vai trò đặc biệt quan trọng để phát huy tốt vai trò của tổ chức Đoàn trong việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho đoàn viên, thanh niên”, ông Quý nói.

Ngày 7.11, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã tổ chức Diễn đàn “Gia đình trẻ - Thách thức với cuộc sống bình thường mới” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Diễn đàn được tổ chức để chia sẻ những vấn đề mà các gia đình trẻ gặp phải trong thời gian giãn cách xã hội; cung cấp cho các gia đình trẻ thêm những thông tin về tình hình liên quan đến gia đình, việc làm; kiến thức, kỹ năng xử lý các vấn đề trong gia đình trong trạng thái bình thường mới. Nhiều ý kiến hay tại diễn đàn sẽ được Ban tổ chức tiếp thu để triển khai chương trình “Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc”, giai đoạn 2021 - 2025 của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Hải Đăng