Hệ thống eCDT sẽ liên thông đồng bộ dữ liệu hoạt động của tàu cá, kiểm soát sản lượng thủy sản khai thác, công tác chứng nhận nguồn gốc tại cảng cá - Ảnh minh họa
Theo Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, sau đợt thanh tra lần thứ 4, Ủy ban châu Âu (EC) ghi nhận Việt Nam đạt tỷ lệ gần 100% tàu cá trên 15m đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Mặc dù vậy, nghề cá Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, tình trạng vi phạm mất kết nối hành trình tàu cá; truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Mặt khác, tình trạng mất kết nối theo quy định với số lượng lớn diễn ra thường xuyên nhưng kết quả xác minh, xử phạt còn rất hạn chế. Nhiều trường hợp không xử phạt với lý do không đủ cơ sở là thiếu thuyết phục, dẫn đến không mang lại hiệu quả trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật.
Cục Thủy sản đã xây dựng và triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT). Hệ thống này sẽ liên thông đồng bộ dữ liệu hoạt động của tàu cá, kiểm soát sản lượng thủy sản từ khai thác, công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc tại cảng cá, chi cục thủy sản và cơ sở, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản… đảm bảo kiểm soát được tính minh bạch, hợp pháp đối với các sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu.
Bên cạnh đó, đối với hành vi vi phạm trong xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác sẽ điều tra, truy vết, xử lý triệt để đủ sức răn đe từ các cấp có liên quan. Đặc biệt là vụ việc "rửa cá" được phát hiện tại đợt thanh tra lần thứ 4 đối với các lô hàng vi phạm IUU xuất khẩu sang thị trường châu Âu (tại các Công ty TNHH T&H, Công ty TNHH Thịnh Hưng, Công ty TNHH Cát Tiên và các cảng cá, tổ chức, cá nhân có liên quan).
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, hiện nay, hệ thống eCDT đã được triển khai hướng dẫn ở nhiều cảng cá và sẽ tiếp tục hoàn thiện và tiến tới triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước. Trong thời gian tới, sẽ vận động các chủ tàu sử dụng phần mềm truy xuất trên các máy tính bảng. Đồng thời, các cảng cá, Chi cục Thủy sản các tỉnh có hướng dẫn, đồng hành với doanh nghiệp để doanh nghiệp vào sử dụng phần mềm này nhằm liên thông các số liệu với nhau nhằm đảm bảo tính minh bạch.
Đối với vấn đề tàu cá mất kết nối, ông Luân mong muốn các địa phương ven biển chia sẻ kinh nghiệm cho nhau trong việc xử phạt, phân loại rõ ràng, có con số cụ thể các tàu cá không hoạt động, nằm bờ để có các phương án xử lý. Những tàu tham gia hoạt động trên biển phải đảm bảo chuẩn chỉ theo quy định.
Ông Trần Đình Luân đề nghị các tổ IUU của các cảng cá khi có các tàu cá vi phạm mà cập cảng ở các địa phương khác thì thông báo cho địa phương đó ra kiểm tra, phối hợp xử lý, đảm bảo tất cả các cảng phải làm đều nhau.
"Những tàu nào nằm trong danh sách rủi ro, tàu được địa phương thông báo vi phạm thì kiên quyết thanh tra kiểm tra và phối hợp với lực lượng chấp pháp trên biển như Biên Phòng, Cảnh sát biển, Kiểm ngư để cùng nhau truy lùng, làm mạnh tay cho người dân tuân thủ, chấp hành nghiêm", ông Luân nhấn mạnh.
Bộ NN&PTNT cho biết triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC, Bộ NN&PTNT (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU) đã tổ chức đoàn công tác làm việc với Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC (DG-Mare) tại Bỉ từ ngày 22 - 26/4/2024 về kết quả thực hiện các khuyến nghị của EC từ sau đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023.
Trên cơ sở thực tiễn và kết quả làm việc với EC, EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ 4 vào tháng 10/2023; nhất là việc hoàn thiện khung pháp lý và một số cải thiện trong quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và xử phạt các hành vi vi phạm IUU.
Tuy nhiên, cần phải ngăn chặn, xử lý tình trạng tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và quyết liệt hơn nữa trong công tác xử phạt vi phạm các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là vi phạm ngắt kết nối giám sát hành trình tàu cá (VMS), vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Đồng thời khẩn trương đưa vào triển khai đồng bộ, thống nhất hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (eCDT).
EC rất thiện chí, ủng hộ gỡ cảnh báo "thẻ vàng" cho Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thuyết phục, lâu dài đề nghị cần phải khẩn trương giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trên tại địa phương; đạt được những chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện Nghị định số 37/2024/NĐ-CP và Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ khi có hiệu lực từ ngày 19/5.
EC đề nghị cập nhật, báo cáo tiến độ kết quả chống khai thác IUU, thực hiện các khuyến nghị của EC trước ngày 15/9 để xem xét, đánh giá tình hình thực hiện và sẽ quyết định thời gian sang thanh tra lần thứ 5 tại Việt Nam để đưa ra quyết định có thể gỡ cảnh báo "thẻ vàng" trên cơ sở kết quả thực tế.
Đỗ Hương/Chinhphu