Góc nhìn từ tái bùng phát covid-19 Bắc Kinh

Thứ hai, 15/06/2020 - 20:39

TNV - Hàng triệu người dân Bắc Kinh (Trung Quốc) thời gian qua nghĩ rằng họ cuối cùng cũng có thể yên tâm trở lại cuộc sống bình thường, song một đợt bùng phát Covid-19 mới lại xuất hiện từ chợ đầu mối Xinfadi (Tân Phát Địa) ở quận Haidian (Phong Đài) phía tây bắc thủ đô Bắc Kinh nơi cung cấp tới 80% hàng hóa thực phẩm nông sản được sản xuất cả ở trong và ngoài Trung Quốc.

Hôm nay 15/6, giới chức Bắc Kinh xác nhận tính hết ngày 14/6 thành phố thủ đô Trung Quốc có 36 ca bệnh COVID-19 mới, bằng số ca nhiễm mới của một ngày trước đó 13/6. Đáng nói chỉ trong vòng 4 ngày qua, Bắc Kinh đã ghi nhận thêm 79 ca bệnh, cũng là mức độ lây nhiễm lớn nhất kể từ tháng 2/2020.

Việt Nam đã bước qua ngày thứ 60 không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng, người dân Việt Nam rất vui vì đã hơn 1 tháng được trở lại với cuộc sống bình thường nhưng điều đó không có nghĩa Việt Nam được phép chủ quan, bởi dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc khá giống với Việt Nam khi Bắc Kinh sau 56 ngày không lây nhiễm cộng đồng thì nay tình hình đã khác khi mà khu chợ đầu mối Xinfadi và các trường học xung quanh sẽ phải đóng cửa. Những người sống tại 11 khu vực xung quanh những điểm này bị phong tỏa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nỗi thất vọng, lo sợ bắt đầu xuất hiện ở hầu hết người dân tại quận Haidian phía tây bắc thủ đô Bắc Kinh.

Nhiều người Việt Nam hai tháng qua cũng trong tâm trạng buông lỏng phòng dịch, các hoạt động kinh doanh, giải trí, dịch vụ, đi lại... trong nước đã trở lại bình thường dù rằng Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn giảm sát, phòng bệnh trong tình hình mới. Tuy nhiên, nhiều địa phương thực hiện không nghiêm ngặt, người dân thì chủ quan không còn đeo khẩu trang nơi có nguy cơ, không thực hiện rửa tay sát khuẩn. Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên 'công bố hết dịch trong nước' và cân nhắc mở cửa quan hệ thương mại với 17 nền kinh tế, trong 56 ngày qua chính quyền và người dân Bắc Kinh cũng có tư tưởng chủ quan, buông lơi.

Có thể khẳng định, dịch bệnh ở Bắc Kinh gần giống với Việt Nam trong thời gian qua, tức là không bùng phát mạnh như Vũ Hán, mà xuất hiện các ca nhiễm, ổ dịch nhỏ và dập được ngay. Tuy nhiên, Bắc Kinh, Trung Quốc, ở sát Việt Nam nên nguy cơ xâm nhập dịch là rất cao, cụ thể là ngày 13/6, Việt Nam ghi nhận thêm một ca nhiễm COVID-19, là thanh niên đi du lịch Trung Quốc về, điều này cho thấy tình hình dịch bệnh tại đất nước đông dân nhất thế giới chưa thật sự ổn định, cho thấy Việt Nam cần cảnh giác hơn nữa với các nguồn lây nhiễm từ ngoài vào.

Việc các ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh trở lại ở nhiều quốc gia trên thế giới như Indonesia, Hàn Quốc, Mỹ… làm dấy lên lo ngại làn sóng dịch bệnh thứ hai bùng phát. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhiều lần cảnh báo, các nước không nên vội vã nới lỏng các lệnh hạn chế bởi nó có thể khiến dịch bùng phát mạnh trở lại. Trong tình hình mới, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn giám sát và phòng dịch, để Việt Nam không tái bùng dịch như Bắc Kinh (Trung Quốc).

Việt Nam cần duy trì, làm tốt việc ngăn dịch từ bên ngoài, tức kiểm soát người nhập cảnh, cách ly tập trung ngay, xét nghiệm sàng lọc kịp thời. Ở trong nước tiếp tục phát hiện sớm ca nhiễm trong cộng đồng nếu có bằng cách tăng cường giám sát, đặc biệt là những ca có triệu chứng như sốt, ho, khó thở... Khi phát hiện ca nhiễm, cần  khoanh vùng ngay, dập dịch kịp thời, tránh lây lan. Đồng thời, Việt Nam không lơi lỏng cảnh giác, trong đó cần duy trì các biện pháp kiểm soát và hạn chế người đi qua biên giới, đường hàng không, đường biển. Đối với đường bộ, nguồn lây có thể đến từ người dân di chuyển trên phương tiện công cộng, xe khách đường dài. Người dân nên tiếp tục duy trì các biện pháp đeo khẩu trang, vệ sinh tay, tuy không còn giãn cách xã hội.

Có ý kiến đề xuất: “Việt Nam nên 'công bố hết dịch trong nước và cân nhắc mở cửa quan hệ thương mại với 17 nền kinh tế”, thiết nghĩ khi mở lại hàng không quốc tế, người nhập cảnh cần tuân thủ cách ly 14 ngày. Đối với các chuyên gia đến Việt Nam làm việc, hội họp, phải có quy định riêng như ở riêng một khu, xét nghiệm hai ngày một lần, khi họp đeo khẩu trang, ngồi cách nhau 2 mét. Phải xem xét thấu đáo Việt Nam đủ năng lực đáp ứng một lượng lớn du khách, chuyên gia khi vào Việt Nam phải cách ly ngay nếu như mở cửa đường bay quốc tế trở lại?

Việc tái bùng phát dịch ở Bắc Kinh đang là bài học cho chúng ta.

Nguyễn Ngọc