Mẹ chồng cô Nguyễn Thị Ngọc Hoa cùng các cháu
Giá trị của sự nền nếp trong gia đình
Sau khi kết hôn, vợ chồng tôi sống cùng gia đình chồng có 14 thành viên với ba thế hệ gồm cả dâu và rể, mọi người sống chung mái nhà hoà thuận, yêu thương, chăm sóc nhau từng li từng tí.
Cuộc sống của một tiểu cộng đồng gồm ba thế hệ mà được êm ấm như vậy, trong thực tế là điều không hề đơn giản, vì mỗi thế hệ đều có quan điểm, phong cách sống, lời ăn, tiếng nói, cách nghĩ, trình độ, hành vi... hoàn toàn khác biệt nhau.
Trước khi lấy chồng, tôi thường nghe người ta ví “Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng” để nói tới sự phức tạp, xét nét từ các chị hoặc em gái của người chồng đối với vợ mình.
Vậy nên, khi về làm dâu trong một gia đình không những có mẹ chồng mà còn có đến ba người chị chồng, khiến tâm trạng tôi lúc nào cũng nơm nớp lo âu.
Tuy nhiên, đã hơn hai mươi năm sống trong gia đình ấy, tôi là một đứa con dâu được gia đình chồng hết mực yêu thương. Đó là sự yêu thương hoàn toàn không có điều kiện mà chính là đến từ nền nếp trong gia đình chồng tôi.
Ba chồng tôi mất năm 1990, một mình mẹ chồng tôi phải bươn chải nuôi 5 người con ăn học, chị lớn nhất mới 17 tuổi, em nhỏ nhất 10 tuổi. Chị lớn phải nghỉ học, đi làm để phụ mẹ lo cho các em. Người lớn hơn tự thấy mình phải có trách nhiệm lo cho em. Các em cũng tự thấy sự vất vả của mẹ và anh chị mình, mà luôn cố gắng học hành, hết mực yêu thương, nhường nhịn nhau, sống tốt, không để mẹ và các anh chị phải lo lắng, muộn phiền.
Cứ thế, theo dòng chảy thời gian, dần hình thành nền nếp gia đình với sự yêu thương, hy sinh thầm lặng, chính bằng tấm gương của những người lớn trong gia đình mà không ai có một lời nặng nhẹ, hờn trách nhau, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.
Các anh, chị và các cháu trong gia đình cô Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Giá trị của sự quan tâm
Khi về nhà ấy làm dâu, các chị chồng tôi đều đã lập gia đình. Nhận thức rõ vai trò của mình vừa là con dâu, đứa em, người chị, người vợ và người mẹ, tôi luôn trăn trở tìm cách góp sức trong việc gìn giữ nền nếp, nuôi dưỡng ngọn lửa ấm áp của gia đình và cân bằng hài hòa các mối quan hệ cùng các thành viên trong gia đình luôn được vui vẻ, yêu thương nhau.
Để làm được điều đó, trước hết, tôi luôn hòa nhã, yêu kính, lễ phép với người lớn; yêu thương những thành viên nhỏ, thường xuyên chăm sóc gia đình, quan tâm, yêu thương chồng con; bên cạnh đó, tôi luôn sát cánh cùng chồng nuôi dạy các con luôn chăm ngoan, lễ phép, cố gắng học tốt, biết kỹ năng giải quyết vấn đề trong cuộc sống theo từng giai đoạn trưởng thành và dạy các con biết gương mẫu chấp hành các quy định của nhà trường đang theo học và của tổ dân phố nơi cư trú.
Đặc biệt, trước thời đại công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão hiện nay, hầu như mỗi thành viên trong gia đình nào cũng đều được trang bị một điện thoại thông minh để tiện cho công việc, học hành và giao tiếp, kết nối với thầy cô, bạn bè từ xa. Các con cháu trong gia đình tôi cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, để cân bằng nếp sống gia đình và không lệ thuộc hay bị chi phối bởi các thiết bị hiện đại ấy, gia đình tôi lập ra quy tắc “15 phút gia đình”. Tức là, sau giờ làm việc và học hành, các thành viên trở về nhà tắm rửa sạch sẽ, ăn uống xong thì tập trung chia sẻ những buồn vui gặp phải trong ngày, dĩ nhiên, trong khoảng thời gian ấy, tuyệt nhiên không ai được sử dụng điện thoại.
Bên cạnh đó, đối với đại gia đình, các anh chị em luôn nhớ những ngày sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới để chúc mừng cho nhau và vào mỗi dịp lễ, tết đều quây quần bên nhau để cùng chia sẻ, chuyện trò.
Cô Nguyễn Thị Ngọc Hoa sống hạnh phúc cùng chồng (thầy Lương Thế Phúc) và 2 con
Đúng vai, thuộc bài
Cứ từng ngày trôi qua, như một quy luật bất thành văn, các thành viên trong gia đình tôi luôn sống hòa thuận, hạnh phúc và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; người lớn quan tâm giáo dục con cháu chăm ngoan, lễ phép; gia đình giữ gìn lối sống giản dị, chan hòa với hàng xóm, bạn bè; các con cháu đều nỗ lực học tập, hoàn thành tốt mọi công việc được giao, cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế gia đình và giúp ích cho cộng đồng, xã hội theo quan điểm “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Đối với công việc, là một giáo viên, tôi luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy chế của ngành; giữ gìn đạo đức, nhân cách và có lối sống lành mạnh, trong sáng; thường xuyên trau dồi, bồi dưỡng kiến thức; yêu nghề và hết lòng vì sự nghiệp giáo dục, phát triển thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, các anh rể của chồng tôi cũng vậy, luôn hết mực yêu thương mẹ và các em; cùng nuôi dạy các con để cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc. Đặc biệt, các anh luôn tiên phong gánh vác những chuyện lớn lao trong gia đình và luôn là nguồn động viên có ý nghĩa để mẹ, các em, các con, các cháu cùng nhau tiến bộ.
Đặc biệt, mẹ chồng tôi là người luôn quan tâm lắng nghe con cháu kể về những thành công hay thất bại trong công việc, học hành và đưa ra những lời khuyên nhẹ nhàng, kịp lúc để các con cháu cảm thấy yên tâm, vững chãi hơn từ nguồn động lực to lớn từ mẹ.
Do vậy, từ thực tiễn cuộc sống gia đình, bản thân tôi thấy rằng, trong gia đình, muốn con cháu luôn thảo hiền, lễ phép thì ông bà, cha mẹ phải là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày, thái độ, hành vi, cách cư xử của các thành viên trong gia đình phải đảm bảo đúng tôn chỉ là con, cháu kính trọng, lễ độ, quan tâm, chăm sóc ông bà, bố mẹ; ông bà, bố mẹ có thái độ thông cảm, giúp đỡ, vị tha con cháu; các thành viên trong gia đình biết tôn trọng nhau; vợ chồng sống vui vẻ, hòa thuận, yêu thương, chung thủy và thấu hiểu lẫn nhau... Một gia đình “đúng vai, thuộc bài” như vậy thì bạo lực gia đình không thể xảy ra.
Hiện nay, đất nước ta đang thực hiện tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, đã gây tác động không nhỏ đến việc gìn giữ hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình và xây dựng gia đình văn hóa, đòi hỏi mỗi gia đình và từng cá nhân phải có những nỗ lực tự thân cao, bên cạnh những giải pháp đến từ các yếu tố bên ngoài. Bởi lẽ, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định, xây dựng văn hoá gia đình là một trong những mục tiêu quan trọng của Việt Nam thời kỳ hội nhập, góp phần xây dựng, hoàn thiện nhân cách con người để ổn định xã hội và phát triển đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Giáo viên Trường Tiểu học Chương Dương, Quận 1, TP Hồ Chí Minh