Góp phần nâng tầm hạt gạo Việt Nam

Thứ năm, 26/12/2019 - 15:09

TNV - Tôi rất vinh dự một lần đi chung chuyến hành trình 10 ngày tại một số nước ở châu Âu với PGS-TS Nguyễn Thị Trâm là một trong những nhà khoa học nữ thành công nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, sau hơn 50 năm làm nghiên cứu về cây lúa, cô đã nghiên cứu thành công hàng chục giống lúa lai có giá trị hàng tỷ đồng như NN8-388, NN23, NN9, NN10, NN75-6, cùng các đồng nghiệp, cô đã nghiên cứu chọn tạo thành công các giống lúa thuần như nếp thơm 44, tẻ 256, ĐH 104 và được đưa ra sản xuất đại trà, trong đó giống lúa NN75-6 đã đem lại cho cô bằng tác giả sáng chế năm 1984.

Sau chuyến đi ấy, mỗi khi nhìn thấy cây lúa, hạt gạo tôi luôn nhớ đến cô, một nhà khoa học thuần nông, chịu khó, đôn hậu gắn cả đời mình với cây lúa, hạt gạo Việt Nam.

Cách đây không lâu, một thông tin làm nức lòng người Việt Nam, lần đầu tiên, gạo Việt Nam được vinh danh là gạo ngon nhất thế giới với giống lúa ST25. Người góp công lớn vào thành quả này, nâng tầm giá trị gạo thơm Việt Nam là Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua, Trưởng nhóm nghiên cứu chọn tạo lúa ST. Ông sinh ra và lớn lên ở xã Hòa Đông, TX Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Để tạo ra hạt gạo thơm Sóc Trăng như: ST3, ST5... ST24, ST25 có đặc điểm chung là hạt thon dài, trắng trong, không bạc bụng, dẻo, có vị ngọt và mùi thơm lâu, cách đây hơn 20 năm, ông và các cộng sự (TS. Trần Tấn Phương, Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng và Ths. Nguyễn Thị Thu Hương) tham gia nhóm nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL và trường Đại học Cần Thơ sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam, Đài Loan và Thái Lan. Sau khoảng 25 năm miệt mài nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của kỹ sư Hồ Quang Cua đã nghiên cứu và lai tạo ra được 25 loại giống lúa thơm và được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng thống nhất đặt tên là Giống lúa thơm Sóc Trăng (gọi tắt là ST).

Sau thông tin về gạo ST25, tôi tìm mua cho được loại gạo này để ăn, để một lần được cảm nhận hương vị từ hạt gạo ngon nhất thế giới, bởi trước giờ gia đình tôi, những người sống xung quanh chủ yếu dùng gạo Thái Lan, gạo Nhật Bản… thi thoảng mới dùng đến gạo Việt Nam. Và đúng như truyền thông đưa tin, ngay sau khi biết tin gạo ST 25 đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, sản phẩm không đủ để bán, cho đến giờ tôi vẫn chưa mua được loại gạo này. Một người bán hàng nói với tôi rằng: “anh hãy dùng thử gạo ST24, gạo ST24 từng đạt giải 2 gạo ngon trên thế giới, chất lượng, hương thơm không khác mấy so với gạo ST25 (một túi 5kg giá tầm 150.000đ). Thậm chí gạo hữu cơ ST24 giá hiện tại trên 80.000đ/01kg, vào thời điểm gạo ST24 đạt giải mạng xã hội chưa phát triển như hiện nay nên vẫn còn nhiều người chưa biết đến”. Lần đầu tiên gia đình tôi được ăn gạo ST24 mới thấm được vị ngon nức tiếng, điều đó có nghĩa gạo ST25 cháy hàng trên thị trường không phải chuyện hiếm.

Thật là thiếu sót để nhận thấy rằng, nhiều người Việt Nam vẫn ưa chuộng những loại gạo ngoại, một phần bởi thói quen, một phần do việc tiếp cận thông tin, sản phẩm gạo Việt Nam còn ít. Với hơn 64 triệu người dùng mạng xã hội, các kênh truyền thông báo chí phát triển rất mạnh, nhân sự kiện gạo ST25 được công nhận là gạo ngon nhất thế giới chúng ta cùng nhau góp phần quảng cáo gạo Việt Nam để người người, nhà nhà tự hào, biết và tin dùng gạo Việt Nam; qua đó góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam, khuyến khích những con người tâm huyết đã, đang và tiếp tục gắn với việc nghiên cứu, tìm ra những giống lúa, hạo gạo tốt nhất, ngon nhất cụ thể là những nhà khoa học như PGS-TS Nguyễn Thị Trâm; Anh hùng Anh hùng Lao động, kỹ sư Hồ Quang Cua; Anh hùng Lao động, NGND, GS-TS Võ Tòng Xuân...,đã góp phần giúp cho nền nông nghiệp lúa nước Việt Nam hiện đại, phát triển, nâng tầm hạt gạo Việt uy tín trên thế giới .

Ngày đầu năm mới, nâng bát cơm lên với hương vị gạo Việt Nam trắng, dẻo, thơm ngon, đó là niềm hạnh phúc cho mỗi người, mỗi nhà, cho mỗi chúng ta; tự hào về đất nước, con người Việt Nam luôn cố gắng vượt qua khó khăn để nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, cống hiến và phát triển những giá trị tốt nhất cho cuộc sống của chính mình, cho Tổ quốc và nhân loại.

Nguyễn Ngọc