Cách đây 30 năm (ngày 22/12/1992), Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức ký tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác cùng phát triển giữa hai quốc gia, hai dân tộc. Trải qua 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc không ngừng phát triển. Từ đặt quan hệ ngoại giao, đến nay hai nước đã nâng cấp lên “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược”. Đó là thành quả của quá trình thúc đẩy hợp tác bình đẳng, tôn trọng vì lợi ích của hai quốc gia và Nhân dân hai nước. Và trong thành quả ấy có những đóng góp quan trọng của tỉnh Thái Nguyên, góp phần nâng tầm quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc.
UBND tỉnh Thái Nguyên làm việc với Hiệp hội Kinh tế, Văn hoá Hàn Quốc - Việt Nam (KOVECA)
Kết quả nổi bật hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc
Việt Nam và Hàn Quốc là hai quốc gia thuộc Châu Á có những nét tương đồng, nhưng cũng có những nét khác biệt. Xuất phát từ lợi ích của hai quốc gia và Nhân dân hai nước, Việt Nam - Hàn Quốc đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Mục đích của sự hợp tác là nhằm tương trợ, hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau vì lợi ích chung của hai quốc gia và Nhân dân hai nước, góp phần gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển của khu vực và thế giới. Xuất phát từ mục tiêu trong sáng ấy, Việt Nam - Hàn Quốc đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Hai bên cùng nỗ lực vun đắp cho mối quan hệ hợp tác ngày càng thiết thực, đi vào chiều sâu và hiệu quả với mong muốn sớm nâng tầm hợp tác với những vị thế pháp lý cao hơn trong quan hệ quốc tế để cùng phát triển. Theo đó, năm 2001 hai nước đã thống nhất ra tuyên bố chung về “Quan hệ đối tác toàn diện thế kỷ 21 Việt Nam - Hàn Quốc” và đến 2009 hai nước đã nâng cấp lên “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược”. Tiếp đó vào năm 2015, Việt Nam - Hàn Quốc đã chính thức kết thúc đàm phán và thực hiện ký kết Hiệp định Thương mại tự do và hai quốc gia đã thường xuyên trao đổi các đoàn lãnh đạo cấp cao, vì lợi ích chung của Nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới. Niềm tin và hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia không ngừng được củng cố; hợp tác về kinh tế luôn là trụ cột quan trọng và là điểm sáng trong bức tranh tổng thể quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước.
Theo con số thống kê đến năm 2022, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ). Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 78 tỷ USD (gấp hơn 150 lần năm 1992), chiếm 11,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, hiện đang đầu tư tại 59/63 tỉnh, thành phố với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 80 tỷ USD. Tại khu vực ASEAN, Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc và 30% đầu tư Hàn Quốc vào ASEAN là hướng vào Việt Nam; kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc tương đương 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN. Trong quá trình hợp tác, hai nền kinh tế đã bổ trợ nhau, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. Kết quả đó đã mang lại những lợi ích thiết thực cho hai quốc gia và nhân dân hai nước.
Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và đại diện Hiệp Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên. (Ảnh chụp ngày 8/12/2020)
Thái Nguyên góp phần nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc
Có được những kết quả nổi bật trong hợp tác song phương giữa hai quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc đã có sự đóng góp quan trọng của nhiều tỉnh, thành phố. Trong đó, nổi bật là sự hợp tác giữa tỉnh Thái Nguyên (Việt Nam) với tỉnh Gyeongsanguk-do (Hàn Quốc), hiệu quả hợp tác giữa tỉnh Thái Nguyên với các doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế đến từ Hàn Quốc.
Năm 2005, tỉnh Thái Nguyên và tỉnh Gyeongsanguk-do đã ký thỏa thuận hợp tác hữu nghị lần đầu tiên. Đến năm 2019, hai bên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác mở rộng theo nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, đôi bên cùng có lợi. Mối quan hệ hợp tác sâu rộng này đã được đánh dấu bằng những bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác hữu nghị. Với sự chỉ đạo thống nhất và hiệu quả của cả 2 địa phương, các chương trình, nội dung hợp tác đã được triển khai đồng bộ và đạt được kết quả tích cực trên các lĩnh vực: Văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo và đặc biệt là thúc đẩy hợp tác về đầu tư, thương mại. Hai địa phương đã đặt nền móng và trở thành cầu nối cho quá trình hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp hai nước. Trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế và phát huy mối quan hệ song phương hai nước và địa phương tỉnh Thái Nguyên đã trở thành một trong những điểm sáng hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Đặc biệt từ năm 2013 đến nay, Thái Nguyên đã nhanh chóng trở thành một trong những “cứ điểm sản xuất” của các nhà đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc với với sự có mặt của Tập đoàn Samsung, Tập đoàn Dongwha, Công ty Hansol Electronics,… Chỉ tính riêng Tập đoàn Samsung, đến nay đã nâng tổng vốn đầu tư đăng ký vào tỉnh Thái Nguyên là 7,53 tỷ USD, đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng và chụp ảnh lưu niệm cùng ông Lee Byeong Kuk, Tổng giám đốc Samsung điện tử Việt Nam nhân kỷ niệm 9 năm thành lập SEVT
Cũng kể từ khi có các nhà đầu tư, Tập đoàn kinh tế đến từ Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế Thái Nguyên có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh Thái Nguyên luôn cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung cả nước và thuộc Top các tỉnh dẫn đầu cả nước, đơn cử như: Năm 2014 đạt 29,65%; năm 2015 đạt 33,21%; năm 2016 đạt 16,35%; năm 2017 đạt 12,75%; năm 2018 đạt 10,44%; năm 2019 đạt 9%; năm 2020 đạt 4,24%; năm 2021 đạt 6,51%; năm 2022 ước đạt 8,59%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh năm 2022 ước đạt 18.540 tỷ đồng, vượt 3.986,5 tỷ đồng so với kế hoạch Chính phủ giao, vượt 540 tỷ đồng so với kế hoạch HĐND tỉnh giao. Trong số đó, đóng góp của các doanh nghiệp Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh đạt gần 5.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 36% tổng số thu nội địa trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Một trong các hoạt động hợp tác khác cũng phải kể đến đó là Chương trình xây dựng Làng mới theo phong trào Saemaul Undong Hàn Quốc tại xóm Rừng Vần, xã La Bằng (Đại Từ); xóm Tổ, xã Phượng Tiến và xóm Phú Ninh, xã Phú Đình (Định Hóa); xóm Phú Nam 1, xã Phú Đô (Phú Lương); xóm Tiền Tiến, xã Bình Sơn (TP. Sông Công). Qua đó đã góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của người dân. Bà con đã chủ động, tích cực trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế...
Ngoài ra, hằng năm, hai tỉnh còn phối hợp tổ chức hoạt động như trao đổi đoàn lãnh đạo cấp cao của hai địa phương; tổ chức các đoàn biểu diễn nghệ thuật, lễ kỷ niệm, đoàn khám chữa bệnh, lớp tập huấn để nhân dân hai địa phương thêm hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán nhau… Qua đó góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và phát triển tình hữu nghị giữa hai bên.
Mở ra cơ hội nâng tầm hợp tác toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Yeol
Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc, ngày 5/12/2022, tại Seoul, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok Yeol. Trong không khí tin cậy, chân thành và cởi mở, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng và hài lòng trước sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trong những năm qua, nhất là từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên "Đối tác hợp tác chiến lược" vào năm 2009. Trên cơ sở những thành tựu quan trọng đã đạt được, với niềm tin mạnh mẽ vào tương lai hợp tác tươi sáng giữa hai nước, hai nhà lãnh đạo đã cùng tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc lên "Đối tác chiến lược toàn diện", mở ra một giai đoạn phát triển mới cho quan hệ hai nước. Hai bên nhất trí tăng cường giao lưu, tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp với các hình thức đa dạng, linh hoạt; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về ngoại giao, quốc phòng và an ninh, triển khai tốt các cơ chế hợp tác và đối thoại hiện có, thúc đẩy đạt kết quả cụ thể trong hợp tác về công nghiệp quốc phòng, đẩy mạnh phối hợp phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tổ chức khủng bố, hợp tác chặt chẽ xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống. Hai bên nhất trí đẩy mạnh toàn diện hợp tác về thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển và chuyển giao công nghệ, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội thích ứng với tình hình mới; nhất trí phối hợp sớm đạt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023, hướng tới 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng. Theo đó Hàn Quốc sẽ tích cực xem xét tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc, Việt Nam tạo điều kiện để các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư vào các lĩnh vực như điện tử, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các Khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu, khu công nghiệp xanh, đô thị thông minh, chú trọng chuyển giao công nghệ...
Như vậy chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ nước Nguyễn Xuân Phúc đến Hàn Quốc đã mở ra cơ hội hợp tác đầu tư mới, toàn diện hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc nói chung và tỉnh Thái Nguyên với các địa phương của Hàn Quốc, các doanh nghiệp, Tập đoàn kinh tế của Hàn Quốc nói riêng.
Tân Xuânthainguyen.gov.vn