
Chi nhanh Trung tâm phục vụ hành chính công TP. Hà Nội tại quận Tây Hồ - Ảnh: VGP/GH
Để cụ thể hóa các mục tiêu chiến lược của Nghị quyết số 57-NQ/TW, đặt nền móng vững chắc để Thành phố Hà Nội đạt các chỉ tiêu đến năm 2030 đạt các tiêu chí: Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt 100%; giao dịch không dùng tiền mặt trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến đạt 100%.
Bên cạnh đó, mục tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được xử lý trên nền tảng số; 100% Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính trị Thành phố xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc. Góp phần tăng quy mô kinh tế số chiếm tối thiểu 35% GRDP, vượt mức trung bình quốc gia.
Những mục tiêu này nhằm phát huy tiềm năng, trí tuệ và bản sắc Thủ đô, đồng thời tạo động lực mạnh mẽ để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu khu vực và thế giới.
Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, 4 cơ quan của Thành phố vừa ký cam kết để phát huy vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, bao gồm: Văn phòng Thành ủy; Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND Thành phố; Văn phòng UBND Thành phố; Trung tâm Phục vụ hành chính công Thành phố.
Việc ký cam kết nhằm tăng cường sự phối hợp liên thông, đồng bộ giữa các cơ quan, tạo bước đột phá trong quản trị số, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp, khẳng định vai trò đầu tàu của Thủ đô trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, cụ thể hóa những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bằng những việc làm và hành động cụ thể, 04 cơ quan thống nhất việc phát động phong trào thi đua sâu rộng trong các cơ quan, phấn đấu triển khai có hiệu quả công cuộc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Thành phố.
Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của các cơ quan trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần xây dựng Hà Nội thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, văn minh, xứng đáng với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước.
Văn phòng Thành ủy sẽ tiên phong đi đầu trong việc tiếp nhận, triển khai các ứng dụng chuyển đổi số dùng chung của Văn phòng Trung ương Đảng chuyển giao; ứng dụng nền tảng số trong quản lý, điều hành, đạt 100% văn bản, hồ sơ công việc xử lý trên môi trường số, trở thành điểm sáng cho các cơ quan Đảng toàn quốc.
Phát động phong trào "Cán bộ, đảng viên Thủ đô sáng tạo vì người dân", khơi dậy tinh thần tự chủ, tự cường, góp phần nâng cao năng lực số trong toàn hệ thống.
Nghiên cứu, tham mưu tích hợp kiến trúc chuyển đổi số của các cơ quan Đảng, chính quyền thành kiến trúc chuyển đổi số thành phố Hà Nội; xây dựng và triển khai các ứng dụng chuyển đổi số dùng chung 3 cấp và hệ thống dữ liệu dùng chung từng bước tiến tới kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của Đảng và của quốc gia.
Phấn đấu 100% hồ sơ xử lý trên môi trường số
Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND Thành phố đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong công tác quản lý, điều hành; phấn đấu 100% văn bản, hồ sơ công việc thông thường được xử lý trên môi trường số.
Xây dựng toàn bộ cơ sở dữ liệu về kiến nghị của cử tri gửi đến Hội đồng nhân dân Thành phố từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026; Sử dụng hiệu quả phần mềm "Hệ thống tiếp nhận kiến nghị cử tri cấp Thành phố".
Phát triển, mở rộng Trang Thông tin điện tử của Đoàn ĐBQH và HĐND Thành phố bảo đảm truyền tải kịp thời, đầy đủ các thông tin, kết nối chia sẻ dữ liệu với các phần mềm dùng chung của Thành phố.
Phối hợp với Văn phòng UBND Thành phố xây dựng phần mềm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, kết luận sau chất vấn, giám sát của HĐND Thành phố.
Xây dựng mô hình văn phòng số kiểu mẫu
Văn phòng UBND Thành phố sẽ phối hợp, tham mưu xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách đột phá về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trình UBND Thành phố phê duyệt trong năm 2025 làm động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Xây dựng mô hình "Văn phòng số kiểu mẫu", ứng dụng công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, blockchain, thực tế ảo, …) trong quản lý hồ sơ, điều hành, trở thành hình mẫu cho các đơn vị, địa phương khác học tập.
Chủ trì nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan để tham mưu, đề xuất triển khai các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung, đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất trong việc áp dụng chung trong toàn hệ thống chính trị Thành phố.
Hà Nội đã xung phong triển khai nhiều nhiệm vụ mới, khó
Cùng với quá trình chuyển đổi số của cả nước, thời gian qua, TP. Hà Nội luôn nỗ lực để tiên phong, triển khai nhiều nhiệm vụ mới, khó như: Triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử, Cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNEID, ra mắt ứng dụng công dân thủ đô số iHanoi với hơn nửa triệu người cài đặt…
Về chính quyền số, xây dựng Thành phố thông minh, hạ tầng số, hạ tầng nền tảng, có rất nhiều nội dung lớn đã hoàn thành. Hà Nội đang trong nhóm dẫn đầu về chữ ký số, thương mại điện tử, sổ sức khỏe điện tử…
Đến nay 8/15 mục tiêu tại Nghị quyết 18-NQ/TU đã hoàn thành trong đó 07 mục tiêu hoàn thành vượt mức đặt ra. Việc kê khai thuế điện tử chiếm khoảng 99,9%. Hà Nội cũng là đơn vị dẫn đầu trong hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế số. Năm 2024, thu từ hoạt động thương mại điện tử đạt trên 38.000 tỷ đồng và chiếm 22% trong tổng thu từ sản xuất, kinh doanh...
Hà Nội cũng đang triển khai 5 sẵn sàng, gồm: Sẵn sàng về hạ tầng (điện, sóng, 5G, dây điện kết nối); giao thông tốc độ cao, hệ thống logistic thuận tiện, chi phí thấp - tập trung đẩy mạnh trong năm 2025; ngân hàng số và thanh toán cho vay online; chính quyền số; tiếp tục bám sát chiến lược tại Nghị quyết 18 về kinh tế số với tầm nhìn mới, tư duy toàn cầu.
Về hạ tầng kỹ thuật, những năm qua, hạ tầng số của Hà Nội được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đạt được nhiều kết quả quan trọng: Khu công nghệ cao Hòa Lạc thu hút trên 94 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 89,3 tỷ đồng, trong đó có 52 dự án đang hoạt động.
Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội được khai trương năm 2024 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của Thành phố. Đây sẽ là một trong những công cụ chiến lược quan trọng để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong mọi mặt đời sống xã hội.
Về doanh nghiệp công nghệ số, trên địa bàn Thủ đô có gần 10.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử với tổng doanh thu khoảng 12,8 tỷ USD, thu hút hơn 207.000 lao động.
Hà Nội được kỳ vọng sẽ là đơn vị tiên phong, là niềm cảm hứng mạnh mẽ để lan tỏa và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên cả nước, tiến tới làm chủ công nghệ, để từ đó góp phần xây dựng phát triển kinh tế ổn định, bền vững.
theo Chinhphu