Hà Nội vận hành chính quyền hai cấp: Kỳ vọng mới từ cải cách thủ tục đất đai

Thứ năm, 03/07/2025 - 08:05

Mô hình chính quyền hai cấp tại Hà Nội không chỉ thay đổi về tổ chức, mà còn là động lực cải cách thủ tục đất đai từ cơ sở. Những ngày đầu triển khai tại các phường mới cho thấy sự chủ động của người dân và quyết tâm từ bộ máy chính quyền.

Vì mục tiêu "gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân"

Từ ngày 1/7/2025, Hà Nội chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp – chỉ còn cấp thành phố và cấp xã, phường, thị trấn. Đây không chỉ là sự kiện có tính chất hành chính tổ chức, mà còn là một cột mốc đặc biệt đối với người dân Thủ đô, khi hàng loạt thủ tục công, đặc biệt là lĩnh vực đất đai được giải quyết trực tiếp tại cấp phường.

Hà Nội vận hành chính quyền hai cấp: Kỳ vọng mới từ cải cách thủ tục đất đai- Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục tại Điểm phục vụ hành chính công phường Ba Đình. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Thủ tục hành chính đất đai vốn là một trong những lĩnh vực phức tạp, dễ phát sinh khiếu kiện, tiêu cực và gây mất lòng tin của người dân vào chính quyền. Vì vậy, việc đưa thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu về cấp xã/phường được coi là bước cải cách mạnh mẽ, thể hiện rõ nỗ lực của thành phố Hà Nội trong mục tiêu "gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân".

Ghi nhận tại nhiều địa phương trong những ngày đầu triển khai mô hình mới, từ Tây Mỗ, Hoàng Liệt, Hồng Hà, Ba Đình đến Hoàng Mai, Cầu Giấy… cho thấy không chỉ bộ máy chính quyền vận hành trơn tru, mà niềm tin của người dân đang được củng cố từng ngày.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Ba Đình Nguyễn Thị Minh Hồng cho biết, công tác chuẩn bị cho ngày vận hành chính quyền hoạt động theo mô hình mới được bảo đảm kĩ lưỡng từ sớm, không để thời gian trống, với phương châm phục vụ người dân tốt nhất. Đội ngũ cán bộ phường khi vào thực hiện mô hình mới đều thể hiện sự quyết tâm, đoàn kết, vững mạnh. Từ đó xây dựng an ninh trật tự trên địa bàn quận và xây dựng theo phương châm 4 an: "An toàn - an ninh - an toàn giao thông - an sinh xã hội", để người dân thấy việc thực hiện chính quyền 2 cấp bảo đảm tính ổn định, thông suốt, không làm gián đoạn.

Ghi nhận không khí làm việc trong 2 ngày đầu vận hành chính quyền hai cấp cho thấy tâm thế của các cán bộ, công chức đều phấn khởi, sẵn sàng bước vào một hành trình mới. "Phường Ba Đình bố trí 3 điểm tiếp dân, tạo điều kiện không để người dân phải đi xa. Với khí thế, sự tận tâm và trách nhiệm, chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhất trách nhiệm phục vụ nhân dân", bà Nguyễn Thị Minh Hồng nhấn mạnh.

Trước đây, việc thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai từng là nỗi ám ảnh của nhiều người dân thì nay đã trở nên dễ tiếp cận hơn khi được thực hiện ngay tại nơi cư trú. Với việc rút ngắn quy trình, minh bạch về thời hạn và tăng cường lực lượng hỗ trợ, nhiều người dân đã chọn đúng ngày đầu để đến làm thủ tục.

Tại phường Tây Mỗ (Nam Từ Liêm), trong ngày 1/7, Bộ phận Một cửa đã tiếp nhận hơn 80 hồ sơ cấp Giấy chứng nhận. Cán bộ hành chính bố trí làm việc từ trước giờ hành chính, phát số thứ tự, tổ chức tư vấn trực tiếp, phân loại hồ sơ theo nhóm.

Tại phường Hoàng Liệt – một trong những phường có dân số lớn nhất Hà Nội, địa bàn mới được sắp xếp lại – cán bộ phải xử lý liên tục hàng trăm hồ sơ. Dù vậy, không khí vẫn trật tự, người dân không bức xúc, không phàn nàn. Nhiều người lớn tuổi được hướng dẫn kê khai tại chỗ, nộp hồ sơ chỉ trong vòng 20–30 phút.

Bà Phạm Thanh Huyền, 65 tuổi (phường Hoàng Liệt) chia sẻ, mắt kém bà, đi lại khó khăn. Nhưng nay đến làm sổ đỏ được cán bộ hướng dẫn tận tình, còn có bạn tình nguyện viên kê khai hộ. Bà Huyền thấy phường thay đổi nhiều, quan tâm dân thật sự.

Còn theo chia sẻ của anh Phạm Ngọc Hòa, cán bộ công tác tại Điểm phục vụ hành chính công phường Hoàng Liệt, chỉ trong giờ đầu tiên của ngày đầu tiên vận hình mô hình chính quyền mới, phường đã đón tiếp hơn 50 lượt công dân đến làm thủ tục hành chính, tăng hơn nhiều so với trước. Dù có nhiều bỡ ngỡ và khó khăn khi thực hiện quy trình công việc mới, nhưng các cán bộ luôn cố gắng tăng tốc độ xử lý công việc, hỗ trợ người dân tối đa, để tất cả công dân đến đây đều hài lòng.

Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất của phường Hoàng Liệt vẫn còn nhiều khó khăn, tuy nhiên lãnh đạo phường đã ưu tiên bố trí cơ sở vật chất cho những khu vực, bộ phận trực tiếp phục vụ người dân. Trong đó, bộ phận "Một cửa" được bố trí tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Hoàng Mai (cũ), được trang bị biển tên, nội quy, quy định, thiết bị khá đầy đủ để phục vụ tốt nhất hoạt động hành chính công.

Bà Bùi Thị Ngọc Thủy, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho biết, công tác chuẩn bị cho ngày vận hành chính quyền hoạt động theo mô hình mới được bảo đảm kĩ lưỡng từ sớm, không để thời gian trống, với phương châm phục vụ người dân tốt nhất. "Chúng tôi luôn ý thức trách nhiệm bản thân mình là công chức mẫn cán, tận tụy phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn, vì nền hành chính văn minh", bà Thủy bày tỏ.

Quy trình cấp sổ đỏ: Tinh gọn, minh bạch, có thời hạn cụ thể

Theo quy định mới, từ ngày 1/7/2025, cấp xã/phường được phân quyền thực hiện thủ tục đăng ký đất đai và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Thời gian xử lý hồ sơ đã được quy định rõ ràng: Đăng ký đất đai lần đầu: không quá 17 ngày làm việc; Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Không quá 3 ngày làm việc từ khi có kết quả thẩm định đủ điều kiện.

Điều quan trọng là thời hạn xử lý này được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường, đồng thời cập nhật trên Cổng Dịch vụ công thành phố Hà Nội và ứng dụng Hành chính công Hà Nội. Khi nộp hồ sơ, người dân được cấp mã tra cứu, có thể kiểm tra tiến độ xử lý online hoặc nhận thông báo qua tin nhắn điện thoại.

Anh Vũ Quang Hòa (phường Cầu Giấy) cho biết, anh làm hồ sơ đất cho cha mẹ từ năm 2021 mà chưa xong. Giờ phường xử lý luôn, không phải qua quận, có mã tra cứu kết quả. Anh Hòa cho biết, nếu duy trì thế này thì dân không còn sợ thủ tục nữa.

Trong khi đó, một số phường như Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Cầu Giấy còn triển khai "bản đồ hành chính số" – tích hợp dữ liệu đất đai, quy hoạch, tình trạng sử dụng… giúp cán bộ kiểm tra thông tin nhanh chóng, người dân cũng dễ tiếp cận và nắm rõ thông tin khu đất của mình.

Tại nhiều phường, ngoài đội ngũ cán bộ chính thức, còn có tình nguyện viên và luật sư hỗ trợ người dân kê khai hồ sơ, hướng dẫn chuẩn bị giấy tờ cần thiết, đặc biệt với những trường hợp có nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, chưa được cấp sổ trước đây.

Điển hình, tại phường Hồng Hà, phường Cầu Giấy đã phối hợp với các tổ chức hành nghề luật sư tổ chức các buổi tư vấn miễn phí ngay tại điểm tiếp nhận hồ sơ. Những hỗ trợ này đặc biệt hữu ích với người dân chưa quen làm thủ tục, giúp hồ sơ đầy đủ ngay từ đầu, giảm thiểu thời gian sửa đổi, bổ sung.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Công ty Luật TNHH Trần Anh, tư vấn viên tại Chi nhánh số 2 (Cầu Giấy), cho biết, thủ tục về đất đai, đơn vị đã hỗ trợ online cho nhiều người dân, trong đó có nhiều thủ tục liên quan đến thế chấp, giải chấp... Hiện các thủ tục thực hiện online khá nhanh gọn, chỉ mất khoảng 5-10 phút. Tuy nhiên, một số người chưa biết đến các thủ tục này và chưa thành thạo về công nghệ. "Sau khi được cán bộ và đơn vị hướng dẫn, người dân đều đánh giá rất tích cực vì không phải chờ đợi lâu.

Một trong những điều kiện then chốt giúp thủ tục cấp sổ đỏ tại cấp phường được thực hiện trơn tru nữa chính là hạ tầng số hóa và cơ sở dữ liệu địa chính liên thông. Thành phố Hà Nội đã hoàn tất việc cập nhật ranh giới hành chính mới, tích hợp vào cơ sở dữ liệu dùng chung, đồng thời đẩy mạnh liên thông giữa dữ liệu đất đai, quy hoạch, giao thông, thủy lợi…

Đại diện Sở Nông thôn và Môi trường Hà Nội cho biết, Sở đang xây dựng một hệ sinh thái dữ liệu mở, phục vụ từ quy hoạch, sử dụng đất, cấp sổ đến giám sát thực hiện. Cấp xã/phường giờ có thể tra cứu nhanh tình trạng pháp lý, quy hoạch của từng thửa đất, thay vì gửi văn bản lên trên chờ xác minh như trước.

Nhiều cán bộ địa chính cũng cho biết, hệ thống dữ liệu bản đồ số cho phép họ tiếp cận ngay thông tin ranh giới, trạng thái sử dụng đất, thông tin chủ sử dụng trước đây… giúp rút ngắn thời gian xác minh, giảm thiểu nhầm lẫn.

Đặc biệt, hệ thống còn hỗ trợ tích hợp hồ sơ lưu trữ cũ của các địa phương đã sáp nhập – điều này cực kỳ quan trọng khi xử lý hồ sơ của người dân tại các phường mới như Hồng Hà, Hoàng Mai, Tây Mỗ – nơi có nhiều trường hợp hồ sơ gốc nằm phân tán trước đây.

Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), cho biết: Ngay sau khi được phân cấp, phường đã tiếp nhận toàn bộ hồ sơ thủ tục hành chính – đặc biệt là hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu – từ cấp quận bàn giao xuống. Các phòng, ban chuyên môn của phường tiến hành rà soát kỹ lưỡng: hồ sơ đủ điều kiện sẽ được xử lý ngay theo quy trình, những trường hợp thiếu sót sẽ được hướng dẫn cụ thể để người dân bổ sung kịp thời, đảm bảo tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật.

"Cấp sổ đỏ lần đầu là một trong những thủ tục phức tạp, đòi hỏi thẩm định chặt chẽ. Tuy nhiên, với cơ chế phân cấp, ủy quyền rõ ràng theo Luật Đất đai năm 2024, chúng tôi có đủ căn cứ để tổ chức kiểm tra, xử lý minh bạch, hiệu quả. Tập thể cán bộ, công chức phường đã bắt tay vào công việc với tinh thần trách nhiệm cao, nhằm bảo đảm hoạt động hành chính thông suốt, không gây phiền hà cho người dân", ông Hùng cho hay.

Sau gần một tuần vận hành mô hình chính quyền hai cấp tại Hà Nội, những tín hiệu tích cực đang dần hình thành: bộ máy cơ sở vận hành trơn tru, người dân chủ động hơn trong thực hiện thủ tục, cán bộ tiếp nhận tận tình, chuyên nghiệp, nền tảng số hỗ trợ rõ rệt. Thủ tục cấp sổ đỏ – từng là nỗi lo – nay đang trở thành điểm sáng trong cải cách hành chính ở Thủ đô.

Tất nhiên, phía trước còn nhiều việc phải làm: hoàn thiện dữ liệu, tăng cường nhân lực, xây dựng bộ tiêu chuẩn dịch vụ hành chính công… Nhưng với quyết tâm từ thành phố, cùng sự đồng hành từ chính người dân, mô hình chính quyền hai cấp tại Hà Nội đang mở ra một chương mới – nơi công quyền thật sự trở thành "công bộc" đúng nghĩa và cải cách không chỉ là khẩu hiệu, mà là hành động cụ thể, hiệu quả, từng ngày.

Việc Hà Nội chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp không chỉ là sự kiện mang tính tổ chức hành chính, mà đã và đang tạo ra chuyển biến thực chất trong đời sống người dân, đặc biệt trong lĩnh vực vốn từng được xem là phức tạp, nhiêu khê như thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thực tế ghi nhận tại một số phường trong 2 ngày đầu triển khai cho thấy, khi thẩm quyền được phân cấp, hệ thống dữ liệu được số hóa, quy trình được đơn giản hóa và đội ngũ cán bộ được nâng cao nhận thức "phục vụ", thì người dân thực sự là người hưởng lợi. Không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, người dân còn được tiếp cận dịch vụ hành chính công minh bạch, rõ ràng và nhân văn hơn.

Dù vẫn còn một số khó khăn như thiếu nhân lực chuyên sâu, cần hoàn thiện thêm hạ tầng dữ liệu hoặc một số hồ sơ cũ chưa đồng bộ… nhưng tinh thần trách nhiệm của cán bộ cơ sở, sự chủ động từ phía người dân, cùng sự đồng hành của các cơ quan chuyên môn thành phố đang mở ra một hướng đi tích cực.

Hà Nội đang dần khẳng định quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiện đại, gần dân và lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Việc thực hiện thủ tục đất đai tại cấp phường không còn là nỗi lo, mà đã trở thành một biểu hiện rõ nét của quá trình đổi mới tư duy quản lý, từ "hành chính xin, cho" sang "chính quyền phục vụ".