TNV - 12 bảo vật quốc gia vừa được thành phố Hải Phòng tổ chức công bố sẽ được trưng bày trong thời gian 01 tháng để Nhân dân và du khách thập phương tham quan, thưởng lãm.
Thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ công bố và Trưng bày bảo vật.
Theo đó, ngày 08/5/2022 vừa qua, thành phố Hải Phòng đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 12 bảo vật quốc gia tại Nhà hát thành phố và các bảo vật quốc gia này được Trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng kể từ ngày 08/5/2022 đến ngày 08/6/2022 để giới yêu cổ vật, các nhà khoa học chuyên ngành, Nhân dân địa phương cùng đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm về tham quan, nghiên cứu.
Trong số các bảo vật quốc gia được công bố, đặc biệt phải kể đến có:
Bảo vật quốc gia Long đao (Niên đại: Thế kỷ XVII-XVIII)
+ Bảo vật quốc gia Long đao (Niên đại: Thế kỷ XVII-XVIII) trưng bày tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng được công nhận tại Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 15/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung (Niên đại: Thế kỷ XVI)
+ Bảo vật quốc gia : Tượng Thái tổ Mạc Đăng Dung; Phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (Niên đại: Thế kỷ XVI) trưng bày tại chùa Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, được công nhận tại Quyết định số 2283/QĐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn (Niên đại: Thế kỷ XVI)
+ Sưu tập gốm men trắng An Biên (Niên đại: Thế kỷ XI-XII) trưng bày tại Bảo tàng Hải Phòng, số 66 Điện Biên Phủ, phường Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng, được công nhận tại Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 25/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Gốm men trắng An Biên (Niên đại: Thế kỷ XI-XII).
Được biết, đây là những bảo vật đã trải qua hàng trăm, hàng ngàn năm biến thiên lịch sử, do các bậc tiền nhân đã để lại cho hậu thế. Tất cả đều là những hiện vật độc bản, hội tụ những giá trị lịch sử, thẩm mĩ, chứa đựng dấu ấn văn hóa tiêu biểu của từng thời kỳ lịch sử của dân tộc.
Thành phố Hải Phòng - nơi chứng kiến quá trình hình thành và phát triển xã hội loài người với những chứng tích của người tiền sử tại di chỉ khảo cổ học Cái Bèo, di chỉ khảo cổ học Tràng Kênh, Núi Voi.
Hải Phòng còn gắn liền với tên tuổi Nữ tướng Lê Chân - người lập lên Trang An Biên xưa - Hải Phòng nay, là nơi ghi dấu 3 lần chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng; là nơi phát tích của Vương triều Mạc trong lịch sử, nơi tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Việt Nam.
Do vậy, sự kiện thành phố Hải Phòng công bố và trưng bày các bảo vật quốc gia không những khẳng định giá trị tinh hoa văn hóa của dân tộc, phát huy và quảng bá giá trị di sản văn hóa, lịch sử của các bảo vật trên địa bàn thành phố Hải Phòng, mà còn góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, huy động sự vào cuộc, tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của toàn xã hội./.
Phạm Quỳnh