Ảnh minh hoạ
Theo Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội Hải Phòng được giao hoàn thành 33.500 căn từ nay đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thành 15.400 căn; giai đoạn 2026 - 2030, hoàn thành 18.100 căn.
Bằng việc chủ động triển khai các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố, từ năm 2022 đến nay, Hải Phòng đã khởi công và đang xây dựng 09 dự án nhà ở xã hội với tổng số trên 15.000 căn. Dự kiến trong năm 2025 sẽ hoàn thành xong phần thô, hướng đến hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 2021 - 2025 là 15.400 căn.
Trên địa bàn thành phố hiện có 21 dự án đã có chủ trương đầu tư hoặc nhà đầu tư đang chuẩn bị khởi công xây dựng với quy mô 20.400 căn, dự kiến hoàn thành hoặc có sản phẩm đưa ra thị trường từ nay đến năm 2030; hướng đến mục tiêu hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 2026 - 2030 là 18.100 căn.
Ngoài ra, Hải Phòng đã định hướng, quy hoạch, bố trí quỹ đất khoảng 42 địa điểm với diện tích gần 500ha để thực hiện các dự án nhà ở xã hội.
Như vậy, trên nền tảng chính sách nhà ở xã hội được sửa đổi, bổ sung theo hướng ưu đãi hơn cho chủ đầu tư và người mua nhà, cùng với quyết tâm của Đảng bộ và Chính quyền thành phố, Hải Phòng sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, sớm vượt chỉ tiêu phát triển 33.500 căn nhà ở xã hội trước năm 2030.
Không chỉ đáp ứng về thời gian và số lượng, sự khác biệt, giúp Hải Phòng được đánh giá là điểm sáng trong việc phát triển nhà ở xã hội, các dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng đã xóa bỏ “định kiến” nhà ở xã hội là ở giá rẻ, chất lượng thấp.
Theo đó, bên cạnh việc áp ứng các quy định tiêu chuẩn về chất lượng xây dựng, thiết kế, các dự án nhà ở xã hội tại Hải Phòng còn sở hữu vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố, hay giữa khu công nghiệp, cung cấp không gian ở mới đồng bộ, tiện nghi, có đầy đủ hệ thống hạ tầng xã hội với chất lượng tiệm cận, thậm chí hơn nhà ở thương mại, mà vẫn đảm bảo vừa túi tiền, phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân.
Tuy nhiên, theo ông Tô Hùng, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Hải Phòng, Thành viên Tổ công tác Nghiên cứu thị trường VARS, Tổng giám đốc Recbook, vẫn còn những khó khăn xung quanh câu chuyện phát triển nhà ở xã hội, trong đó có vấn đề thủ tục.
Theo quy định hiện hành, ngân hàng chính sách Nhà nước sẽ tiếp nhận hồ sơ vay mua, thuê mua nhà ở xã hội khi có hợp đồng mua bán, dẫn đến tình trạng xong hợp đồng mua bán, tới ngân hàng chính sách vay thì nhận được câu trả lời là “chưa có vốn, do chưa được cấp từ nguồn”. Khi nào ngân hàng nhận được nguồn vốn cấp xong sẽ giải quyết cho các hồ sơ Ngân hàng Chính sách xã hội đang thụ lý.
Những khó khăn này cũng là tình trạng chung, đang xảy ra tại nhiều địa phương có dự án nhà ở xã hội đang mở bán.
Khiêm Phạm