Ảnh minh hoạ
Đơn cử, tại dự án KCN Sông Lô I có tổng diện hơn 177ha, thuộc các xã Tứ Yên, Đức Bác, Đồng Thịnh (huyện Sông Lô), do Công ty TNHH Đầu tư phát triển hạ tầng Sông Lô làm chủ đầu tư.
Đến nay, huyện Sông Lô đã kiểm đếm, kê khai quy chủ được 145,6ha; lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng công khai 85,6ha; phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng 41,2ha; hỗ trợ di chuyển 459/499 ngôi mộ ra khỏi ranh giới dự án; tạm ứng trên 11,4 tỷ cho bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đối với khu tái định cư dự án, huyện đã kiểm kê giải phóng mặt bằng, phê duyệt giới thiệu địa điểm, vốn đầu tư, quy hoạch chi tiết 1/500; phê duyệt đánh giá tác động môi trường… Tuy nhiên, khó khăn trong công tác triển khai là các dự án Nghĩa trang Phù Trưng và Nhà máy nước Phúc Bình nằm trong ranh giới khu công nghiệp, nhiều hộ dân không đồng tình và chưa ký biên bản kiểm đếm, ảnh hưởng đến việc trình phương án để thẩm định.
Trước vướng mắc trên, huyện Sông Lô và chủ đầu tư đã đề nghị tỉnh bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2024 cho Khu công nghiệp Sông Lô I và tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện thủ tục trồng rừng thay thế để dự án được khởi công đúng kế hoạch.
Tiếp đó, tại KCN Nam Bình Xuyên. Dự án có tổng diện tích trên 295ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp cho thuê hơn 200ha thuộc địa phận thị trấn Hương Canh, Đạo Đức và các xã Phú Xuân, Tân Phong (huyện Bình Xuyên).
Dự án được chia làm 2 giai đoạn, tổng vốn đầu tư trên 2.200 tỷ, do Công ty TNHH Phát triển Nam Bình Xuyên Green Park làm chủ đầu tư.
Theo đó, tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm; việc giải quyết phần diện tích đất nông nghiệp khó canh tác, xen kẹp giữa khu công nghiệp với các dự án khác gặp khó khăn. Đến hết tháng 4.2024, đã kiểm đếm, kê khai, quy chủ được 95ha; có quyết định phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng 33,7ha.
Tại Nhà máy xử lý rác thải huyện Lập Thạch, xã Xuân Hòa, dự án có diện tích 6ha, tổng vốn trên 263 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là CTCP ITC Hà Nội.
Hiện, dự án đã được UBND tỉnh giao đất, phê duyệt quy hoạch chi tiết và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, lãnh đạo Ban quản lý Dự án đầu tư và Xây dựng huyện Lập Thạch xác định bồi thường, giải phóng mặt bằng nhà máy gặp nhiều khó khăn. Mặc dù huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp, buổi đối thoại với nhân dân các thôn Thành Công, Đồng Chủ, xã Xuân Hòa; thôn Ngọc Sơn, xã Ngọc Mỹ nhưng kết quả đối thoại không thành do người dân không tham gia nhằm phản đối việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải.
Còn tại KCN Tam Dương I ở huyện Tam Dương có diện tích hơn 162ha, tổng vốn đầu tư gần 1.600 tỷ đồng, thuộc địa bàn thị trấn Hợp Hòa và các xã Hướng Đạo, Đạo Tú. Đến nay, huyện đã thực hiện quy chủ được hơn 76ha; kiểm điếm 65,2 ha; phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ di chuyển 550 ngôi mộ ra khỏi ranh giới dự án.
Việc giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại rất khó khăn do hồ sơ địa chính nhiều thửa đất chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp lần đầu chưa đúng nhưng đã được mua, bán, chuyển nhượng nhiều lần.
Phần đất ở cần bồi thường, giải phóng mặt bằng của 200 hộ dân phụ thuộc vào dự án tái định cư nhưng tiến độ thực hiện khu tái định cư chậm và kinh phí để xây dựng lớn.
Được biết, năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc dành trên 1.400 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công cho các dự án trọng điểm. Trong đó, địa phương này đang thực hiện 10 dự án lớn, trọng điểm theo hình thức đầu tư trực tiếp; 8 dự án đầu tư công và chuẩn bị đầu tư 18 dự án lớn, như: Khu liên hợp thể thao tỉnh Vĩnh Phúc; Xây dựng nút giao khác mức giữa đường Kim Ngọc và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, TP Vĩnh Yên; Nút giao IC2 và nút giao IC5; Mở rộng, nâng cấp QL2B; Nâng cấp, mở rộng đường trục Bắc Nam đô thị Vĩnh Phúc, đoạn từ đường Vành đai 2 TP Vĩnh Yên đến thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo;...
Khiêm Phạm