Đất vướng tranh chấp với hàng xóm sẽ gặp khó khăn khi làm sổ đỏ. Tuy nhiên việc hàng xóm không chịu ký giáp ranh dù không có tranh chấp thì vẫn có hướng xử lý để xin cấp sổ đỏ. Cụ thể bạn cần làm gì? Xem ngay tư vấn dưới đây của Luật sư.
Hỏi:
Do mâu thuẫn cá nhân, hàng xóm không chịu ký giáp ranh, đất không có tranh chấp, liệu tôi có làm được sổ đỏ đất ở nông thôn hay không? Hướng xử lý như thế nào?
H.T.Y (Hà Tĩnh)
Trả lời:
Để trả lời cho câu hỏi khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận nhưSổ đỏ hay Sổ hồng có phải ký giáp ranh hay không thì cần phải tìm hiểu thủ tục đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định pháp luật.
1. Thủ Tục Đăng Ký Đất Đai, Tài Sản Gắn Liền Với Đất, Cấp Giấy Chứng Nhận QSHĐ, QSH Nhà Ở Và Tài Sản Khác Gắn Liền Với Đất
Căn cứ Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân gồm các bước như sau:
- Bước 1: Nộp hồ sơ
- Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
- Bước 3: Giải quyết yêu cầu
- Bước 4: Trả kết quả.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thực hiện các công việc như sau:
– Xác nhận hiện trạng sử dụng đất so với nội dung kê khai đăng ký; trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP thì xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp, sự phù hợp với quy hoạch;
– Trường hợp chưa có bản đồ địa chính thì trước khi thực hiện công việc tại mục (1), Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn phải thông báo cho Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trích đo địa chính hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính do người sử dụng đất nộp (nếu có);
– Niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, tình trạng tranh chấp, xác nhận hiện trạng, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và khu dân cư nơi có đất trong thời hạn 15 ngày.
– Xem xét giải quyết ý kiến phản ánh về nội dung công khai và gửi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
Dựa trên quy trình xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã nêu trên đây thì có thể kết luận ký giáp ranh đất không phải là thủ tục hành chính riêng biệt. Tuy nhiên, việc xác minh tình trạng đất có tranh chấp hay không là công việc cần thiết trong quá trình xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Có Bắt Buộc Phải Ký Giáp Ranh Khi Xin Cấp Sổ Đỏ Không?
Căn cứ những quy định pháp luật hiện hành về hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu, việc ký giáp ranh của hộ gia đình, cá nhân giáp ranh không phải là yêu cầu bắt buộc.
3. Hàng Xóm Không Ký Giáp Ranh, Nộp Hồ Sơ Xin Cấp Sổ Đỏ Ra Sao?
Thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà hàng xóm không chịu ký giáp ranh vẫn được nộp hồ sơ để được giải quyết.
Trường hợp người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt thời gian đo đạc thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã được các bên liên quan còn lại và người dẫn đo đạc xác nhận (theo quy định tại Điểm 2.4 khoản 2 Điều 11 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 8 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT).
Trường hợp người sử dụng đất, người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt thời gian đo đạc thì việc lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được cán bộ đo đạc, các bên liên quan còn lại và người dẫn đo đạc xác định theo thực địa và theo hồ sơ thửa đất liên quan (nếu có). Đơn vị đo đạc chuyển Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho Ủy ban nhân dân cấp xã để xác nhận vắng mặt và thông báo trên loa truyền thanh của cấp xã, niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã để người sử dụng đất đến ký xác nhận. Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo mà người sử dụng đất không có mặt và không có khiếu nại, tranh chấp liên quan đến ranh giới, mốc giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã lập.
Trường hợp sau 10 ngày kể từ ngày nhận được Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất mà người sử dụng đất liền kề không ký xác nhận, đồng thời không có văn bản thể hiện việc có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến ranh giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã được các bên liên quan còn lại, người dẫn đạc ký xác nhận và ghi rõ lý do người sử dụng đất liền kề đó không ký xác nhận vào phần “lý do không đồng ý” trong Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất.
Đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập danh sách các trường hợp nêu trên để gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã biết và lưu hồ sơ đo đạc.
4. Cách Xử Lý Trong Trường Hợp Hàng Xóm Không Chịu Ký Giáp Ranh
Nếu đất không có tranh chấp mà hàng xóm không chịu ký giáp ranh, bạn có thể thực hiện các bước như sau để xử lý:
– Vẫn nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận theo quy định: Như đã viện dẫn căn cứ pháp lý và phân tích ở trên thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được từ chối hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận của người đang sử dụng đất nếu không thuộc một trong những trường hợp quy định tại khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT .
– Đề nghị cơ quan cấp Giấy chứng nhận trả lời bằng văn bản về việc từ chối thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận vì lý do hàng xóm không chịu ký giáp ranh
Theo thủ tục cấp Giấy chứng nhận thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn sẽ niêm yết công khai hiện trạng thửa đất, tình trạng tranh chấp,… tại trụ sở Ủy ban và khu dân cư nơi có đất trong thời hạn 15 ngày và xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh (nếu có).
Theo quy định trên thì có thể thấy điều kiện được cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hợp pháp không hoàn toàn phụ thuộc vào ý kiến của người sử dụng đất liền kề.
– Tiến hành giải quyết tranh chấp đất đai nếu hàng xóm không chịu ký giáp ranh và có đơn tranh chấp
Khi giải quyết hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận nếu có đơn tranh chấp thì sẽ tạm dừng thực hiện thủ tục và cơ quan nhà nước sẽ hướng dẫn các bên thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định. Ngoài ra, nếu hàng xóm không chịu ký giáp ranh và có hành vi cố ý ngăn cản việc cấp Giấy chứng nhận của người sử dụng đất hợp pháp thì có thể khởi kiện đối với hành vi cản trở đó.
LS. Vũ Thị Thu Hà
Giám đốc Công ty Luật TNHH ATS
Hotline: +8424 3751 1888
Email:
[email protected]