Hành trình đi tìm hương vị trong phố

Thứ hai, 24/03/2025 - 14:45

Hà Nội - nơi mỗi món ăn là một mảnh ghép ký ức. Dự án sách "Ký hoạ hương vị phố Cổ Hà Nội" ra đời từ cái duyên gặp gỡ của nhóm thi họa và những người trót yêu Hà Nội cùng chung một khát vọng: lưu giữ và lan tỏa những giá trị ẩm thực truyền thống, những "hương" đã làm nên hồn cốt của phố cổ.

Hành trình đi tìm hương vị trong phố

- Ảnh 1.

Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với những món ăn mang đậm hương vị truyền thống, đặc biệt là ẩm thực phố cổ; nó như một thức quà để nhâm nhi, thưởng thức, rồi trở thành một phần ký ức, một phần hồn cốt của người Hà Nội.

Hành trình đi tìm hương vị trong phố

- Ảnh 2.

Kiến trúc sư Phạm Vũ Thương Nhung, thành viên Ban Biên tập cuốn sách chia sẻ nhân duyên với Dự án "Ký họa hương vị phố cổ": "Duyên lành đưa tôi gặp chị Thủy cùng những người con nặng lòng với Hà Nội. Chúng tôi đã cùng nhau dấn bước vào một cuộc "đi tìm", cùng lưu giữ những "hương vị", những câu chuyện thấm đượm hồn phố cổ. Đây là hành trình đầy ắp tình yêu và hoài niệm.

Hành trình đi tìm hương vị trong phố

- Ảnh 3.

Ý tưởng về cuốn sách này bắt nguồn từ những buổi lang thang trên những con phố nhỏ, những lần dừng chân bên gánh hàng rong quen thuộc… chúng tôi nhận ra rằng, Hà Nội không chỉ đẹp bởi những mái nhà rêu phong, những con ngõ quanh co, mà còn sống động và giàu bản sắc qua từng món quà vặt, từng tiếng rao, từng gánh hàng rong len lỏi khắp phố phường.


Hành trình đi tìm hương vị trong phố

- Ảnh 4.

Mỗi bài viết, mỗi bức sketch trong sách giống như từng mảnh nhỏ rời rạc, nhưng khi xếp lại, chúng tôi mong tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh về Hà Nội – không chỉ là hình dáng phố phường mà còn là hương vị, hơi thở, tâm tình của người Hà Nội xưa và nay". Chị Nhung cho biết.

Hành trình đi tìm hương vị trong phố

- Ảnh 5.

Trong quá trình thực hiện, nhóm đã gặp gỡ những nghệ nhân, những người bán hàng rong, những chuyên gia ẩm thực để lắng nghe những câu chuyện, những ký ức gắn liền với từng món ăn.

Câu chuyện về gánh bánh giò của bà Trần Thị Phương sinh ra và lớn lên ở phố Cổ đã có ngót nghét 38 năm gói và bán bánh giò sẽ được khắc hoạ chân thực trong "Ký hoạ hương vị phố Cổ Hà Nội". Điều đặc biệt là mỗi ngày, bà phương chỉ gói và bán 25 chiếc với quan niệm, làm như vậy để đảm bảo chất lượng. Hiện bà Phương đang sống một mình cùng mẹ già 88 tuổi ở phố Hàng Vải.

Tại chương trình công bố dự án sách "Ký hoạ hương vị phố Cổ Hà Nội" diễn ra vào chiều 23/3, hình ảnh gánh tào phớ của chú Lâm được tái hiện sinh động. Với tiếng rao quen thuộc "Ai tào phớ nào", chú Lâm đã khiến cả khán phòng thích thú bởi tiếng rao trong trẻo nghe rất êm tai. Hay hình ảnh gánh hàng rong đủ các thức quà, thức bánh của chị Hạnh, đã quá quen thuộc với nhiều người dân ở khu phố Cổ suốt gần 30 năm qua.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đánh giá, Dự án sách "Ký hoạ hương vị phố Cổ Hà Nội" có một góc tiếp cận rất mới, đó là tiếp cận ẩm thực bằng hình ảnh, bằng các tác phẩm được viết, được hoạ từ những họa sĩ, nghệ sĩ không chuyên. Theo tôi, phải thực sự có tình cảm đặc biệt mới có thể làm được như vậy. Bởi trong đó còn có những bạn tuổi đời còn rất trẻ. Họ đã mất rất nhiều thời gian đi từng góc phố, từng ngõ nhỏ của Hoàn Kiếm của phố cổ để ghi lại. Tôi tin rằng với sự đầu tư và tâm huyết như vậy, đây sẽ là một dự án thành công.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan, người dành trọn tâm huyết nghiên cứu về Hà Nội, đã bày tỏ sự trân trọng đối với Dự án sách "Ký hoạ hương vị phố Cổ Hà Nội". Ông nhấn mạnh ba từ khóa cốt lõi: ký họa, hương vị và phố cổ. Ông ngược dòng lịch sử, từ thuở Thăng Long mới lập kinh đô, để khẳng định "hương vị" không đơn thuần là ẩm thực, mà còn là kết tinh của sự sáng tạo, là văn hóa bác học cung đình hòa quyện cùng văn hóa dân dã của đô thị, là tinh hoa của cả đất nước.


"Ký họa hương vị phố cổ Hà Nội" hứa hẹn là một ấn phẩm ẩm thực đặc sắc về phố Cổ; là một hành trình đi tìm ký ức, một nỗ lực lưu giữ hồn phố - những nét đẹp văn hóa đang dần phai mờ. Cuốn sách sẽ tái hiện chân thực những câu chuyện dung dị về con người, những món ăn dân dã, những gánh hàng rong đã trở thành biểu tượng thân thương, không thể tách rời của Hà Nội của phố Cổ.

Dự kiến, cuốn sách "Ký họa hương vị phố cổ Hà Nội" sẽ hoàn thành và ra mắt vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10). Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự tham gia và chia sẻ của cộng đồng, để mỗi trang sách, mỗi ký họa sẽ trở thành ký ức, góc nhìn của tất cả những người yêu Hà Nội, yêu hương vị độc đáo của phố cổ" - là chia sẻ tâm huyết của Kiến Trúc sư Phạm Vũ Thương Nhung - một trong những thành viên của dự án.

Nguyên Khánh thực hiện