Hành trình đưa điện lưới ra đảo tiền tiêu của Tổ quốc

Thứ hai, 06/07/2015 - 15:02

TNV - Ngày 15/10/2013 (sau 11 tháng 11 ngày), dự án đã hoàn thành, ánh sáng điện lưới quốc gia đã chan hòa trên đảo Cô Tô – hòn đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Đối chọi với địa hình phức tạp và 05 cơn bão trên biển

Điện lưới ra đảo là mơ ước bao đời nay của bà con và ngư dân làm ăn sinh sống trên các xã đảo Bản Sen, Minh Châu, Quan Lạn, Thắng Lợi, Ngọc Vừng huyện Vân Đồn và xã Đồng Tiến, Thanh Lân, Thị trấn Cô Tô huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

Khát khao ấy cũng là nỗi niềm trăn trở luôn canh cánh trong lòng của những người thợ điện lực Quảng Ninh. Và thời cơ ấy đã đến khi Đảng, Chính phủ chủ trương ưu tiên đầu tư phát triển cho những vùng biên giới hải đảo, góp phần bảo vệ vững chắc quốc phòng - an ninh khu vực Đông Bắc của Tổ quốc. Đảng bộ, chính quyền tỉnh Quảng Ninh và Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã bày tỏ quyết tâm cao độ, giao cho những người thợ điện lực Quảng Ninh làm chủ đầu tư nhanh chóng triển khai thực hiện dự án, với trách nhiệm rất nặng nề nhưng cũng rất đỗi tự hào, vinh dự.

Hành trình đưa điện lưới từ đất liền (Vân Đồn) ra đảo Cô Tô, gồm xây dựng mới hạ tầng kỹ thuật lưới điện cao áp 110kV trên không có chiều dài 11,852 km, từ vị trí cột 33 (đảo Trà Ngọ, xã Vạn Yên) đến vị trí cột số 67 (hòn Ghềnh Cống Thần, xã Bản Sen, bao gồm có 31 vị trí) và thi công đường dây 22kV. Đường dây 22kV bao gồm 02 phần: Phần cáp ngầm xuyên biển có chiều dài 22,666 km gồm 04 đoạn tuyến (Cái Đà- Trà Ngọ: 2,768 km; Bản Sen- Ba Mùn: 2,359 km; Ba Mùn - Cô Tô: 15,368 km; Cô Tô - Thanh Lân: 2,171 km) và phần trên không có tổng chiều dài 22,074 km. Ngoài ra phải  xây dựng mới 08 vị trí trạm cắt 24kV tại các đầu lên xuống của cáp ngầm để bảo vệ tuyến cáp ngầm xuyên biển. Trạm được đóng cắt bảo vệ bằng hệ thống thiết bị tự động đóng lại (Recloser 24kV), cầu dao phụ tải, cầu dao cách ly 24kV; Hạ áp 0,4kV từ trạm biến áp 110kV Vân Đồn 1 (xã Hạ Long) đến thị trấn Cô Tô, xã Đồng Tiến và xã Thanh Lân huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh.

Do tuyến cáp ngầm đi qua nhiều đoạn tuyến với địa hình, địa chất phức tạp khác nhau và lần đầu tiên được triển khai ở nước ta, nên đòi hỏi nhà thầu tham gia dự án phải có năng lực kỹ thuật, biện pháp thi công hiện đại. Quá trình thiết kế, sản xuất phần lõi cáp, bọc lõi cáp cách điện, thử nghiệm hoàn tất cáp đều được giám sát chặt chẽ và thực hiện ở các quốc gia có công nghệ tiên tiến: Ý, Tây Ban Nha, Na Uy. Việc vận chuyển cáp cũng được chuyên chở bằng tàu hàng chuyên dụng.

Quá trình rải cáp ngầm gặp rất nhiều khó khăn do phải thi công trong điều kiện thời tiết bất lợi với 5 cơn bão đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ. Địa chất, địa hình qua các đoạn tuyến rất phức tạp và khác nhau: Đoạn Thanh Lân - Cô Tô tuy chỉ có chiều dài 2,171km nhưng đáy biển 100% là đá, làm chậm tiến độ thi công của nhà thầu.

Hơn nữa hướng tuyến đi qua nhiều địa hình đồi núi hiểm trở, cheo leo, cách xa đất liền cho nên công tác vận chuyển vật tư, nguyên vật liệu, thi công kéo rải dây dẫn điện và bố trí  thi công gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tuyến đường dây 110kV từ trạm 110kV Vân Đồn 1 đến vị trí VT67. Đặc biệt hướng tuyến đi qua nhiều địa danh khác nhau, trong đó có Vườn Quốc Gia Bái Tử Long, Khu du lịch sinh thái Yến Long đã được UBND tỉnh phê duyệt làm khu du lịch sinh thái cho nên chủ đầu tư và các nhà thầu cũng gặp rất nhiều khó khăn về giải phóng mặt bằng, nhưng vẫn phải nhanh chóng thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng lại phải có biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái.

Gần 20 ngày tình nguyện trên đảo Ba Mùn

Anh Nguyễn Đăng Đức (Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty Điện lực Quảng Ninh) cho biết, với hàng núi công việc, thời gian thực hiện ngắn, trong khi quy mô dự án lớn, cường độ, tiến độ cao. Hầu hết các vị trí thi công trồng cột xây lắp đường dây trên toàn tuyến đều xa khu dân cư, nhiều nơi nằm treo veo trên đảo nhỏ không người, mọi việc di chuyển của con người cũng như vận chuyển vật tư, thiết bị phục vụ thi công đều phụ thuộc vào thủy triều con nước, và sức lực của người thợ. Do vậy, tất cả các khâu khảo sát, giám sát, giao tuyến…cho 07 gói thầu xây lắp đều có sự tham gia tích cực của những người thợ trẻ điện lực Quảng Ninh.

Còn khoảng hơn một tháng nữa là đến thời hạn hoàn tất công việc, nhưng trời thì mưa bão liên miên, tiến độ thi công ở trạm cắt C05 và cột 09 vẫn chưa khởi động được đáng là bao. Bởi trạm cắt C05 và cột 09 nằm ở mặt Đông của đảo Ba Mùn - nơi hướng ra đảo Cô Tô, sóng to gió lớn nên tàu chở thiết bị vật tư không thể tiếp cận được. Trước khó khăn ấy, 14 bạn trẻ điện lực Quảng Ninh đã tình nguyện ra thi công giúp nhà thầu. Ròng rã trong suốt gần 20 ngày trời liên tục, cứ 6h sáng đôi chân của họ đã quen dần với việc băng rừng đồi dốc, trơn trượt trên vai vác theo sắt thép, xi măng, cát, sỏi…vượt 2 km từ lán ở phía Tây đến nơi thi công ở phía Đông. Gần 20 ngày trên đảo là gần 20 ngày ăn thịt ướp đá, thiếu rau xanh, nên nhiều người bị đau bụng tiêu chảy, là gần 20 ngày ở lán chòi tạm bợ thường xuyên chịu cảnh trời mưa lán dột, nước từ đồi cao tràn vào ngập lán, nhưng khó chịu nhất vẫn là dĩn - loại côn trùng nhỏ xíu biết bay đã đốt sưng chân tay mình mẩy…Thấy anh em trẻ vất vả, lãnh đạo có ý muốn đưa anh em về sớm, nhưng tất cả đều quyết tâm ở lại, khắc phục khó khăn hoàn thành việc trên đảo mới trở về, trong đó có câu chuyện thú vị về bạn trẻ Bùi Quang Minh chỉ chịu rời xa đồng đội trở về trước ngày cưới của mình 03 ngày!.. Lê Trung Thành (kỹ sư điện hệ thống thuộc Phòng Quản lý xây dựng) – một bạn trẻ bám trụ kiên cường trong đoàn tình nguyện trên đảo Ba Mùn kể lại.

Ánh điện tỏa sáng đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc

Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh được khởi công xây dựng vào ngày 04/11/2012. Với khối lượng công việc khổng lồ, thi công trong thời gian ngắn, điều kiện thời tiết địa hình phức tạp và không thuận lợi, song mọi hạng mục của dự án đều được điện lực Quảng Ninh phân công cán bộ thường xuyên bám sát, đôn đốc,  khắc phục khó khăn, đảm bảo chất lượng và tiến độ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện tham gia trong quá trình thực hiện của dự án. Và ngày 15/10/2013 (sau 11 tháng 11 ngày), dự án đã hoàn thành, ánh sáng điện lưới quốc gia đã về chan hòa trên đảo Cô Tô – hòn đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Cùng với những hồ nước ngọt Trường Xuân (170.000 m3), Chiến Thắng (35.000 m3)…mới được xây dựng, điện lưới ra huyện đảo Cô Tô được xem là yếu tố nền tảng mang tính đột phá để đưa Cô Tô thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá lớn trên Vịnh Bắc bộ, một vùng đảo có kinh tế năng động, khu du lịch biển đảo chất lượng cao, đồng thời là căn cứ vững chắc để bảo vệ quốc phòng an ninh và chủ quyền quốc gia vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.

Tiếp nối thành công đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô, chỉ trong 08 tháng trời những người thợ điện lực Quảng Ninh lại kiên cường, nỗ lực khắc phục khó khăn đưa điện lưới ra 05 xã đảo là Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng, Bản Sen, và Thắng Lợi của huyện Vân Đồn cùng hòa chung niềm vui đón dòng điện lưới quốc gia ra đảo. Và thời gian sắp tới, những người thợ điện lực Quảng Ninh sẽ lại nỗ lực, quyết tâm đem dòng điện lưới ra với đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), đảo Trần (huyện Cô Tô) - nơi mà hiện tại điều kiện sinh sống của của cán bộ, chiến sĩ và một số hộ gia đình thanh niên tình nguyện ra xây dựng đảo còn hết sức khó khăn, thiếu thốn. Để ánh điện sẽ luôn bừng sáng cùng quân và dân khẳng định chủ quyền trên những hòn đảo, vùng biển tiền tiêu có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh quốc phòng vùng Đông Bắc của Tổ quốc./.

Một số hình ảnh tình nguyện trên đảo Ba Mùn:

Vác sắt trồng cột điện. Vác sắt trồng cột điện.

Những gương mặt của đoàn tình nguyện. Những gương mặt của đoàn tình nguyện.

Phút nghỉ ngơi tại lán trại. Phút nghỉ ngơi tại lán trại.

Quây quần bên nhau trong bữa cơm trên đảo. Quây quần bên nhau trong bữa cơm trên đảo.

A5

Bài:Phạm Quỳnh, ảnh: Lê Trung Thành