TNV - Đúng vào ngày đầu tiên của tháng Tám (lịch âm), qua sự kết nối của ThanhnienViet, đoàn thiện nguyện của Công ty CPTM Thép Việt Hà (Chương Mỹ, Hà Nội) đã về với Trường PTDTBT TH&THCS Làng Nhì và Trường PTDTBT TH&THCS Phình Hồ của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) trao tặng quà Trung thu và các món quà thiết yếu khác cho gần 1.000 học sinh nhân dịp năm học mới, với tổng giá trị hơn 140 triệu đồng.
Tại xã Phình Hồ, bà Trương Thị Hạnh (Giám đốc Công ty) trao quà Trung thu và nhiều món quà khác với tổng giá trị 40 triệu đồng cho thầy hiệu trưởng cùng 1 số học sinh tiêu biểu.
Ngoài quà Trung thu còn có nhiều món quà khác đáp ứng trúng thiếu thốn nhất của học sinh nghèo vùng cao
Biết tôi là người gắn bó với Tây Bắc, bạn tôi – Phạm Văn Tuấn (Phó Giám đốc Công ty Thép Việt Hà) – gọi điện bày tỏ ý định Công ty muốn đi tặng quà Trung thu và năm học mới cho học sinh nghèo vùng cao phía Bắc, nhưng ngặt nỗi chưa ai một lần đặt chân lên bản vùng cao nên phân vân chưa biết chọn địa điểm nào? Và tặng quà gì cho phù hợp nhất với học sinh nghèo vùng cao?
Là phóng viên phụ trách địa bàn Yên Bái, hơn nữa tôi vừa tổ chức chuyến thiện nguyện tặng quà học sinh Trường PTDTBT TH Xéo Dì Hồ (Mù Cang Chải) thành công trở về, sau một hồi khái quát tình hình chung các tỉnh Tây Bắc, tôi dần hướng bạn Tuấn nên ưu tiên chọn về xã Làng Nhì và Phình Hồ thuộc huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái để trao quà thiện nguyện.
Hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Làng Nhì thay mặt học sinh toàn trường nhận các món quà với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng
Còn về quà tặng, thì bên cạnh bánh kẹo… để các cháu vui đón Trung thu, đoàn nên tặng những món quà thật thiết yếu phục vụ cho việc học, ăn ở, sinh hoạt cho học sinh – tôi nói. Nhận được sự đồng ý của Tuấn, sau khi khảo sát nhu cầu thực tế tại cơ sở, tôi đã lên danh sách các món quà cho Tuấn triển khai mua, đóng gói, chuẩn bị gấp để lên đường trao quà vào ngày 15/9. Do vậy, một số quà dự kiến ban đầu (mì tôm, gạo) được kịp thời thay bằng chăn ấm, quần áo, vở viết, đáp ứng trúng thiếu thốn nhất của học sinh.
Mặc dù hôm đó trời mưa tầm tã, nhưng 11h cả đoàn đã có mặt ở Phình Hồ. Đích thân thầy giáo hiệu trưởng và bí thư đảng ủy xã đã cầm ô sẵn ở cổng trường cùng nhiều học sinh mừng rỡ ra đón đoàn.
Chặng đường nguy hiểm: sụt lún, đứt gãy, lở sâu, hở hàm ếch
Do trưa mưa và hơn thế trường đang trong quá trình xây dựng, còn ngổn ngang bề bộn, nên đoàn trao nhanh quà cho đại diện nhà trường và một số học sinh rồi vội lên đường đến Làng Nhì theo kế hoạch. Thêm một lần nữa cả hiệu trưởng và bí thư đảng ủy xã lại cầm ô tiễn chúng tôi ra xe với lời cảm ơn chân thành và mong muốn năm học sau sẽ được đón đoàn ở ngôi trường mới khang trang.
Đất đá từ vách núi rơi xuống luôn rình rập nguy hiểm cho người và phương tiên qua lại
Mấy năm trước, khi đoạn đường 10km từ Phình Hồ vào Làng Nhì chưa được đầu tư nên vô cùng nguy hiểm do đường hẹp, độ dốc lớn, lại thường xuyên bị sạt lở cả ta luy dương và ta luy âm. Nay được tỉnh quan tâm đầu tư, nên từ mấy tháng nay quãng đường vào Làng Nhì đã trở nên rộng rãi, bon bon đi lại dễ dàng.
Nhưng khi chỉ còn khoảng 2km nữa là tới trường thì cả đoàn không thể đi xe tiếp được nữa. Bởi do mưa lớn làm cho khe nước nhỏ chảy từ núi cao xuống cuốn theo đất đá tràn ra đường làm sạt khoảnh lớn chân đường ta luy âm mà ngay phía dưới là vực sâu thẳm. Lúc này chỉ duy nhất xe bán tải đi đầu của Phạm Xuân Cường - tay lái đã quen thuộc với các cung đường Tây Bắc là qua được, do vậy được điều quay lại để chuyển hàng đến ngã 3 – nơi trường đã bố trí khoảng chục giáo viên đang dầm mưa đợi để tăng bo bằng xe máy lên trường.
Cả đoàn phải dừng xe khi cách trường Làng Nhì 2km
Đến đây thì tay lái cừ khôi Cường cũng đành chịu phải dừng xe để lại, bởi chỉ cách đó chừng 200m một khe nước từ núi đổ xuống đã làm mất hẳn già nửa một bên đường rơi xuống vực đá sâu hoắm nằm ngay sát chân đường, nhiều đoạn bị sụt lún làm đứt gãy mặt đường bê tông thành những khẽ hở lớn trồi sụt như ruộng bậc thang. Đặc biệt có chỗ chân đường bị lở sâu, hở hàm ếch, gây nguy hiểm cho nhất là khi có vật di chuyển nặng qua đó.
Thật may là đến gần 1h chiều thì hàng chục thùng quà to công kềnh và hơn chục người của đoàn cũng đến trường an toàn. Ai cũng ướt và lạnh. Lạnh vì xã Làng Nhì nằm ở độ cao khoảng 1.300m so với mực nước biển nên nhiệt độ ở đây thường thấp hơn thị xã Nghĩa Lộ 5 - 6 độ, làm nhiều người bị lạnh đột ngột phải mượn áo ấm để mặc.
Hình ảnh các thầy cô giáo vất vả tăng bo hàng bằng xe máy
Thầy Quảng (Hiệu trưởng nhà trường) rót tách trà Shan tuyết nóng ra mời mọi người uống cho đỡ lạnh, và bày tỏ ái ngại cho đoàn về đoạn đường gian nan vào trường. Trưởng đoàn Tuấn nhanh nhẩu đáp lời: Nhưng mà cả đoàn đều thấy vui và ấn tượng. Thế mới thấy hết được nỗi gian khó của thầy trò chứ! Quay qua bên tôi, Tuấn nói: nãy giờ mọi người đều bảo anh tư vấn chọn địa điểm này là rất chuẩn đấy, đúng tiêu chí nơi đặc biệt khó khăn!
Đoạn đường nguy hiểm nhất: mặt đường sụt lún, đứt gãy; chân đường tụt sâu xuống vực, hở hàm ếch, đường bị mất già nửa
Cho dù tôi và Tuấn là bạn thân đã hơn 20 năm, nhưng nghe Tuấn nói tôi càng thêm vui, bởi không chỉ đã bắc nhịp cầu để hàng trăm học sinh nghèo Trạm Tấu có được niềm vui như hôm nay, mà còn mang lại niềm vui cho cả đoàn thiện nguyện.
Tận mắt thấy hoàn cảnh các em, mọi người đều xuýt xoa xúc động
Lúc này ở ngoài sân trường có mái che, hơn 400 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 toàn trường (ngoại trừ 76 em ở điểm trường lẻ thuộc bản Trống Tàu cách đó 50km) đều có mặt đông đủ với gương mặt háo hức, tò mò đón đoàn thiện nguyện. Tận mắt thấy dáng vẻ nhem nhuốc, nhỏ bé của các em so với độ tuổi cùng lứa ở thành phố, mọi người trong đoàn đều xuýt xoa xúc động.
Sau một số tiết mục văn nghệ của học sinh nhà trường, đoàn triển khai ngay việc tặng quà. Ngoài 200 hộp bánh, 200 hộp xúc xích, 600 gói bim bim để các cháu phá cỗ đêm rằm Trung thu, đoàn còn tặng nhiều phần quà có ý nghĩa thiết thực nhất nhằm động viên, tiếp sức các em đến trường, như: 1.000 vở viết, 100 chăn ấm Hàn Quốc, 150 áo khoác đông, 100 áo phông, 60 quần nỷ, 300 váy và 20 suất học bổng (trị giá 10 triệu đồng).
Các thành viên trong đoàn ân cần trao tận tay các em những phần quà
Cảm động trước màn múa hát mang đậm sắc màu vùng cao truyền thống, bạn Tuấn đã quyết định tặng riêng tốp văn nghệ 01 triệu đồng. Phần quà tuy không nhiều nhưng thể hiện tình cảm bộc phát dạt dào của đoàn dành cho các cháu cũng như nói nên thông điệp rằng, chính các cháu đã mang lại những cung bậc cảm xúc, hình ảnh đẹp cho cả đoàn về một tinh thần vượt khó vươn lên như chính sức sống mãnh liệt vươn lên của người Mông từ bao đời nay ở chốn đại ngàn non cao hiểm trở.
20 học sinh nghèo có thành tích tốt được nhận học bổng trị giá 10 triệu đồng
Gần 3h chiều chương trình mới kết thúc, cả đoàn được các thầy cô giáo nhà trường mời bữa cơm trưa thân mật tại trường. Tuy quá bữa đã lâu, nhưng ai cũng thấy ngon miệng. Chủ và khách cùng chuyện trò rôm rả như đã quen thân nhau từ lâu vậy. Không khí thân tình, bịn rịn làm cho cuộc chia tay cứ lấn ná kéo dài như chưa muốn dứt. Và sau đó các thầy cô lại chuẩn bị xe máy đưa cả đoàn vượt qua quãng đường trơn trượt, sạt lở nguy hiểm nhất, về xe an toàn để xuống phố. Khi này đã 4h chiều, cả đoàn mới thực sự yên tâm vì đã hoàn thành chương trình và trở về an toàn.
Một phần quà Trung thu được trao, còn phần nhiều để lại đợi đêm rằm phá cỗ
Chia tay thầy trò Làng Nhì mới hơn 10 cây số nhiều anh em trong đoàn đã gọi zalo chia sẻ cảm xúc lưu luyến của mình dành cho các thầy cô giáo và học sinh nhà trường. Trong suốt quãng đường trở về, tất cả mội người đều rộn ràng niềm vui bởi đã đem Tết Trung thu đến sớm cùng những món quà thiết yếu tiếp sức cho gần 933 học sinh của 2 xã nghèo Làng Nhì và Phình Hồ có một mùa Trung thu thật thật dạt dào tình yêu thương và ý nghĩa.
Hình ảnh kỷ niệm phút lưu luyến giữa chủ và khách lúc chia tay
Theo trưởng đoàn Phạm Văn Tuấn, bên cạnh số quà đã trao cho học sinh Trường PTDTBT TH7THCS Làng Nhì (như đã nói trong bài), thì số quà trao cho học sinh Trường PTDTBT TH&THCS Phình Hồ gồm: 40 chăn ấm Hàn Quốc, 50 áo len, 50 quần bò, 40 quần nỷ, 200 váy, 100 hộp bánh, 300 gói bim bim và 5 suất học bổng (trị giá 2,5 triệu đồng).
Được biết, xã Phình Hồ và Làng NHì là 2 xã thuộc diện vùng 3 đặc biệt khó khăn với 100% là người dân tộc Mông sinh sống; Trong đó, trường PTDTBT TH&THCS Phình Hồ có số học sinh là con hộ nghèo chiếm tỷ lệ ngót 74%, trường PTDTBT TH&THCS Làng Nhì có số học sinh thuộc diện hộ nghèo chiếm 87,9%.
Phạm Quỳnh