Tọa đàm "Gen Z - Gìn giữ di sản báo chí" là một sự kiện ý nghĩa, đánh dấu sự giao thoa giữa hai thế hệ: những người làm báo dày dặn kinh nghiệm và thế hệ trẻ năng động, sáng tạo. Trong bối cảnh công nghệ số bùng nổ, vai trò và giá trị của báo chí đang dần thay đổi, việc gìn giữ di sản báo chí cho thế hệ Gen Z là một vấn đề cấp bách và cần thiết. Để thảo luận về vấn đề này tọa đàm còn có sự góp mặt của các vị khách mời chuyên môn.
Tọa đàm vinh hạnh được đón tiếp 3 khách mời đại diện của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Nhà báoThân quang Minh - Đại diện Bảo tàng Báo chí VN; Ông Nguyễn Ngọc Long - Bí thư Đoàn Thanh niên cơ quan TW Hội nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Văn Ba - Phó phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Nhà báo Thân Quang Minh - Đại diện Bảo tàng Báo chí Việt Nam
Về phía Học viện Thanh thiếu niên Việt có sự hiện diện của 3 giảng viên của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam: ThS. Nguyễn Đồng Linh - Trưởng bộ môn Quan hệ công chúng, TS. Lê Anh Phương - Phụ trách học phần Quan hệ với Báo chí và Truyền thông, ThS. Trần Thái Phan - Giảng viên ngành Quan hệ công chúng. Ngoài ra, tọa đàm còn chào đón 2 bạn sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Đại học Hà Nội đến chia sẻ về những quan điểm của mình.
Các thầy cô thuộc Bộ môn Quan hệ công chúng - Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm cho các em sinh viên tại tọa đàm.
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc tìm kiếm và tiếp cận thông tin đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, giữa hàng ngàn trang báo, tạp chí, và các hình thức truyền thông khác, việc tìm hiểu về lịch sử, giá trị và sức mạnh của báo chí truyền thống vẫn là điều cần thiết. Buổi học ngoại khoá kết hợp với toạ đàm đã diễn ra trong không khí sôi nổi với nhiều ý kiến tham luận được đưa ra như: Tự hào Báo chí Việt Nam, Thu hút độc giả Gen Z: Thách thức của báo chí hiện đại, Thế hệ Z thổi làn gió mới cho báo chí hiện đại, Gen Z - Gìn giữ và phát huy di sản. Buổi toạ đàm cũng nhận được những chia sẻ quý báu của những vị khách mời đã giúp kéo gần lại khoảng cách giữa genZ và báo chí.
Các em sinh viên Khoa Truyền thông chia sẻ những ý kiến.
Đối với sinh viên ngành Quan hệ công chúng, được tham quan, tìm hiểu và học tập tại bảo tàng không chỉ mang lại kiến thức mới mẻ, mà còn là cơ hội để hiểu sâu hơn về tầm quan trọng của báo chí trong tiến trình phát triển của nước nhà. Vệc tham quan bảo tàng cũng là cơ hội để các bạn trẻ tiếp cận với những kỹ thuật và công nghệ hỗ trợ trong lĩnh vực báo chí, từ những chiếc máy in cũ kỹ đến các thiết bị in ấn và phát sóng hiện đại. Mỗi bước đi trong Bảo tàng là một cơ hội để khám phá cách mà ngành báo chí đã tiến xa trong việc phân phối thông tin và giao tiếp với độc giả.
Chăm chú ngắm nhìn các hiện vật trưng bày của Bảo tàng, bạn Thuỳ Trang bộc bạch: “Đây là trải nghiệm rất bổ ích và lý thú. Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã để lại trong em rất nhiều ấn tượng. Được tham quan và ngắm nhìn những hiện vật lịch sử của báo chí Việt Nam làm em rất tự hào khi là sinh viên theo học ngành truyền thông. Buổi tham quan này đã tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết để bản thân em tiếp tục cố gắng học tập và nghiên cứu để có thể viết tiếp những thành tựu hào hùng của báo chí Việt Nam”.
Đại diện ban tổ chức toạ đàm, lớp trưởng Minh Anh cho biết: “Buổi toạ đàm hôm nay, chúng em mong muốn đưa ra các quan điểm của thế hệ trẻ với báo chí Việt Nam đồng thời lắng nghe những kinh nghiệm thực tiễn đến từ các vị khách mời; giúp cho các bạn thanh niên, sinh viên đang theo học truyền thông hiểu hơn về lịch sử báo chí và giá trị của Báo chí. Từ đó, thế hệ trẻ sẽ tiếp tục gìn giữ di sản báo chí và góp phần phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thường xuyên đưa sinh viên đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam, TS. Lê Anh Phương, giảng viên bộ môn Quan hệ công chúng, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng việc đến tham quan, học tập thực tế đã giúp các em sinh viên hiểu rõ hơn về lịch sử phát triển của báo chí, thông tin và truyền thông tại Việt Nam và trên thế giới, từ đó tiếp thêm động lực để các em phấn đấu phát triển nghề nghiệp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy.” Những buổi học tập với định hướng thực hành giúp sinh viên hiểu rõ hơn các khía cạnh thực tế của công việc PR qua đó nâng cao kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm và nhiều hơn nữa. Điều này giúp sinh viên phát triển cái nhìn tổng quan về ngành nghề và chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp sau này.
Dương Thu Hằng