Một điểm bán hàng của Hapro.
Làn sóng Covid lần thứ 4 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tổng Công ty Thương mại Hà Nội ( Hapro ), đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn BRG cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.
Khó khăn “bủa vây”
Sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đã ảnh hưởng tới lưu thông hàng hóa, kéo theo sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng và tác động đến đến hầu khắp các lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng công ty, từ xuất nhập khẩu tới kinh doanh thương mại nội địa;hệ thống nhà hàng, dịch vụ ăn uống hay cả hoạt động sản xuất.
Đối với hoạt động xuất khẩu, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn cục bộ, lưu thông hàng hoá, dịch vụ và lao động toàn cầu thiếu hụt khiến cho hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế không thông suốt và kém hiệu quả. Các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp không thể thực hiện được trong giai đoạn dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến việc tìm kiếm khách hàng và thị trường tiêu thụ. Các yếu tố chi phí đầu vào, nguồn cung nguyên liệu… cho hoạt động xuất khẩu tăng cao.
Bên cạnh đó, việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp. Đặc biệt, chi phí vận chuyển hàng hóa quốc tế hiện tăng rất cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Giá cước container và vận chuyển bằng tàu biển tăng gấp 6-7 lần so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và chưa hạ nhiệt khiến nhiều doanh nghiệp phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do các lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển, đơn hàng gặp nhiều rủi ro do chậm trễ chậm trễ buộc phải hủy giao hàng, đền bù hợp đồng…
Không chỉ xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề, đợt dịch lần này cũng đã khiến hàng loạt hệ thống siêu bán lẻ lâm vào cảnh khó khăn. Từ khi dịch bùng phát, nhân viên chuỗi siêu thị BRGMart, minimart Haprofood/BRGMart phải đối diện với nhiều nguy cơ, rủi ro hơn. Mặc dù nhân viên được trang cấp bảo hộ đầy đủ cùng với việc được tiêm 2 liều vaccine theo quy định phòng, chống dịch; nhưng một điểm bán sẵn sàng bị yêu cầu đóng cửa tạm thời dù chỉ 1 ca F0, F1 ghé thăm.
Việc cơ sở bị đóng cửa gây ra những hệ lụy rất lớn về doanh số, chỉ tiêu kinh doanh. Trong khi đó, quỹ lương cho nhân viên, các khoản chi khác như điện, nước, chi phí thuê mặt bằng vẫn phải duy trì…
Giữ vững niềm tin vượt qua khó khăn
Giữ vững niềm tin vào định hướng phát triển của HĐQT; Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhằm phục hồi phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch là những mục tiêu hàng đầu đã đượcBan Lãnh đạo Tổng công ty thống nhất cao.
Để vượt lên thách thức và đón đầu các cơ hội phục hồi hậu Covid-19, Ban lãnh đạo Hapro nhận định trong “nguy” luôn có”cơ”. Tổng công ty đã đẩy mạnh tái cơ cấu và hoạt động xuất khẩu theo hướng tinh giản, an toàn và hiệu quả. Tiếp tục thực hiện các giải pháp để tạo sự bứt phá mạnh mẽ như: nâng cao kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị trường, phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu mới, nâng hiệu quả lợi nhuận xuất khẩu và đảm bảo tuyệt đối an toàn vốn.
Với trọng tâm là các sản phẩm hàng nông sản thực phẩm, Hapro nuôi giấc mơ đem thương hiệu Quốc gia đi khắp năm châu bốn bể. Tăng cường thúc đẩy xuất khẩu phấn đấu đưa thương hiệu Hapro trở thành một trong những thương hiệu mạnh của Việt Nam và thương hiệu xuất khẩu quốc tế lớn mạnh tại khu vực. Hiện nay, các mặt hàng của Hapro đã được xuất khẩu tới 80 quốc gia và vũng lãnh thổ trên thế giới.
Về thị trường nội địa, Hapro thực hiện tốt chỉ đạo của Thành phố Hà Nội đó là: đảm bảo dự trữ nguồn thực phẩm, nhu yếu phẩm cung ứng cho người dân Hà Nội trong mọi tình huống của dịch bệnh Covid-19 với mức giá bình ổn, qua đó tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh tăng cao. Trong đại dịch, Hapro tiếp tục tập trung phát triển thị trường nội địa.
Đến nay, Tập đoàn BRG đã sở hữu hệ thống 76 siêu thị BRGMart và minimart Haprofood/BRGMart trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh thành khác trên cả nước. Hết năm 2022, Tập đoàn đặt mục tiêu phát triển tới 200 điểm mua sắm và trở thành thương hiệu mua sắm hàng đầu cho người tiêu dùng trên cả nước. Không chỉ phục vụ khách hàng mua sắm trực tiếp tại các điểm bán, hệ thống BRGMart và Haprofood/BRGMart còn triển khai phương thức bán hàng đa kênh như nhận đặt hàng qua App mua sắm trực tuyến BRG shopping, hotline, fanpage, zalo, dịch vụ giao hàng tại nhà…
Đáng chú ý, hệ thống BRGMart và Haprofood/BRGMart là đơn vị tiên phong triển khai tích cực các chiến dịch chung tay hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản các địa phương bị ùn ứ, khó tìm đầu ra do bị tác động bởi dịch bệnh hay là đối tác cung cấp trên 50.000 suất quà bao gồm các mặt hàng thiết yếu, với mức giá gần như phi lợi nhuận tại chương trình “Siêu thị 0 đồng”.
“Sứ mệnh của Hapro phấn đấu vì lợi ích và sự hài lòng của khách hàng Việt Nam và quốc tế. Luôn coi khách hàng là trọng tâm, chúng tôi hướng tới một tập đoàn kinh tế đa ngành; có tiềm lực mạnh về tài chính và nguồn nhân lực. Định hướng trở thành một trong số những thương hiệu hàng đầu Việt Nam; có sức cạnh tranh cao với các tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ.” Bà Đỗ Tuệ Tâm – Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty chia sẻ.
Phía trước còn nhiều khó khăn,tuy vậy Tổng công ty Thương mại Hà Nội luôn vững vàng vượt mọi thách thức để giữ vững uy tín thương hiệu trong lòng khách hàng, đối tác trong và ngoài nước. Hapro đã và đang phát huy vai trò là một doanh nghiệp kinh tế, thương mại lớn, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của Thủ đô Hà Nội.
Trong gian khó, thương hiệu Hapro đã cho thấy khả năng thích ứng, trụ vững, có sự tăng trưởng và thể hiện rõ trách nhiệm vì cộng đồng vì xã hội trước đại dịch Covid-19.
Thiên Thanh