Hãy cố lên bệnh viện Bạch Mai

Thứ hai, 30/03/2020 - 17:04

TNV- Năm 1911, Bệnh viện Bạch Mai được thành lập, ban đầu là Nhà thương Cống Vọng nhỏ bé chuyên để thu nhận và điều trị bệnh nhân truyền nhiễm. Bệnh viện được mang tên Bệnh viện Bạch Mai vào năm 1945 và đã trải qua những giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử dân tộc.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Bệnh viện là pháo đài của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến bảo vệ Thủ đô, hoạt động chuyên môn diễn ra tronq điều kiện khó khăn về mọi mặt. Sau chiến tranh tàn phá, từ năm 1954 – 1964, Bệnh viện cải tạo cơ sở vật chất, tăng số lượng cán bộ và mở rộng quy mô hoạt động.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965- 1975), nhiều cán bộ Bệnh viện đã tình nguyện vào Nam chiến đấu, vào năm 1972, Bệnh viện đã bốn lần bị máy bay B52 Mỹ ném bom hủy diệt, 28 cán bộ y tế đã anh dũng hy sinh trong khi đang cứu chữa bệnh nhân.

Đất nước thống nhất, Bệnh viện Bạch Mai bước vào kỷ nguyên mới, đảm nhiệm trọng trách khám chữa bệnh tuyến cuối của ngành y tế. Năm 2006, được Bộ y tế công nhận là Bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng đặc biệt đầu tiên của Việt Nam.

Trong lịch sử phát triển của mình, Bệnh viện Bạch Mai đã hai lần vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, tháng 12/1954 và 3/1960; Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã nhiều lần đến thăm và động viên CBCC Bệnh viện.

Từ khi dịch bệnh virus Covid-19 được phát hiện tại Trung Quốc tháng 12/2019 đến nay, thế giới đang bước vào “giai đoạn thời chiến” chống đại dịch Covid-19, như lời của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Ở nhiều nước châu Âu và Mỹ, dịch bệnh đang tiến tới đỉnh điểm. Việt Nam từ lâu đã thực hiện chính sách mở cửa với hầu hết các nước là thành viên LHQ cho nên trước diễn biến của đại dịch là khó tránh khỏi, theo đó từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát đến nay, Việt Nam ghi nhận 194 ca nhiễm, 25 ca điều trị khỏi, 65 ca xét nghiệm âm tính từ 1-4 lần. Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 cùng số lượng người phải cách ly đang tăng dần, Việt Nam đang căng mình để chặn dịch.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến 30/3/2020 đã có 23 ca mắc virus Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai và con số này có thể tăng trong những ngày tới, đến nay vẫn chưa có kết luận nguồn lây nhiễm xuất phát từ đâu. Ban đầu các chuyên gia tập trung vào hướng lây nhiễm từ nhân viên y tế (đã có 2 điều dưỡng và 1 người nhà của điều dưỡng mắc bệnh), nhưng sau khi có kết quả xét nghiệm thì hướng lây nhiễm này chưa thuyết phục, mà đã có dấu hiệu cho thấy đường lây nhiễm thứ 2 từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Điều tra dịch tễ tiếp cho thấy có đường lây từ nhân viên cung cấp hậu cần, dịch vụ ăn uống vào bệnh viện...

Dù nguồn lây bệnh đến từ các kênh nào đi nữa nhưng Bệnh viện Bạch Mai bị phong toản “nội bất xuất, ngoại bất nhập” là sự mất mát vô cùng lớn khi cả nước đang vào trận chống đại dịch Covid-19 chưa từng có trong lịch sử. Trên tuyến đầu hàng chục nghìn “thiên thần áo trắng” là các y, bác sỹ, là những nhà khoa học sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để nuôi cấy, phát hiện cơ chế hoạt động của virus, điều chế vaccine phòng dịch, sáng tạo bộ kit xét nghiệm. Là hàng nghìn y, bác sỹ đã về hưu và sinh viên trường y trong toàn quốc tình nguyện xin ra tuyến đầu chống dịch.

Thật tổn thất đối với Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện tuyến cuối với bề dày 109 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển khi có hàng ngàn y, bác sỹ, những giáo sư, tiến sỹ đầu ngành của Bệnh viện bị cách ly trong 14 ngày, tình huống xấu nhất có trường hợp y, bác sĩ bị nhiễm virus Covid-19. Đó là chưa nói đến việc mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận hàng ngàn lượt bệnh nhân đến khám, điều trị các loại bệnh khác, Bệnh viện dừng hoạt động sẽ tạo sự quá tải ở nhiều bệnh viện khác trong lúc “dầu sôi, lửa bỏng” trước đại dịch Covid-19.

Cuộc chiến chống đại dịch virus Covid-19 chưa thể khẳng định sẽ sớm kết thúc vì còn phụ thuộc ở nhiều yếu tố khác nhau, từ chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ cho đến trách nhiệm mỗi người dân, kể cả yếu tố quốc tế. Đừng nhìn vào những thiệt hại, mất mát, những yếu tố khách quan khi Bệnh viện Bạch Mai trở thành ổ dịch virus Covid-19 để rồi công kích, nói xấu, suy diễn gây hoang mang dự luận, tạo thêm nỗi lo âu của người dân trước đại dịch virus Covid-19, phải thấy được trách nhiệm của mỗi người trong cuộc chiến này, một ngày Bệnh viện Bạch Mai còn phong tỏa, ngày hôm đó ta cảm thấy không vui.

Khi Nhà thờ Đức Bà (Pháp) bị cháy nhiều người bày tỏ sự đau thương, khi Hồng Kông bị đập phá nhiều người bày tỏ sự chia sẻ…và khi Bệnh viện Bạch Mai bị phong tỏa bởi virus Covid-19, mỗi chúng ta phải đau xót, tiếc thương gấp vạn lần mới trọn nghĩa, trọn tình, nơi đã chăm sóc, điều trị, chữa trị cho đồng bào, người thân chúng ta tìm lại cuộc sống mỗi ngày.

Giờ là lúc hãy dành sự quan tâm, những lời động viên chia sẻ đối với Bệnh viện Bạch Mai; đội ngũ y, bác sĩ và những nhà khoa học để họ yên tâm trong thời gian phải cách ly tạm thời sớm quay trở lại với công việc, nhiệm vụ của những “thiên thần áo trắng” trên tuyến đầu.

Lịch sử đã chứng minh rằng, ở những thời điểm khó khăn nhất, dân tộc ta luôn đoàn kết, và chính điều đó đã tạo cho chúng ta sức mạnh. Hơn bao giờ hết, trước thử thách, càng là lúc cần giữ vững niềm tin, đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn, thách thức. Truyền thống người Việt là tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo cho nhau, cùng nhau vun đắp ý thức giữ gìn sự an toàn của cộng đồng, sự bình yên của xã hội. Đó là cơ sở vững chắc để chúng ta có niềm tin vào chiến thắng trước đại dịch Covid-19.

Nguyễn Ngọc