Hãy dạy con biết xấu hổ!

Thứ hai, 27/03/2017 - 09:03

Cha mẹ nên dạy cho con trẻ biết những việc như tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh cá nhân là chuyện riêng tư và chỉ nên làm ở nơi kín đáo.
“Còn nhỏ mà, không sao!” là suy nghĩ của nhiều người khi để con mình chạy ra khỏi phòng tắm mà chưa kịp mặc quần áo hay lúc thay đồ cho con trước mặt mọi người, thậm chí cho trẻ đi vệ sinh ngay ngoài đường phố… Theo các chuyên gia, suy nghĩ ấy có thể là cơn sóng ngầm đẩy trẻ gần hơn với nguy cơ bị lạm dụng.

Cha mẹ cần làm gương

“Cô bé 5 tuổi ấy nhất định không chịu học bơi nữa trong khi mẹ bé thì lo lắng bởi quê chị ở vùng sông nước Tiền Giang, mỗi lần đưa bé về cứ sợ sẽ nguy hiểm vì con không biết bơi. Tôi khuyên mãi, bé cũng chỉ im lặng lắc đầu. Cho đến một ngày, bé thổ lộ không muốn đi bơi vì mẹ cứ thay đồ bơi cho bé ngay bên hồ, không vào phòng khiến bé rất xấu hổ với mọi người xung quanh” - cô N.T.V.A (27 tuổi, giáo viên mầm non; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) kể lại. Sau đó, cô A. phải chuyển sang thuyết phục phụ huynh vì chị này cứ khăng khăng con còn nhỏ, việc gì phải rắc rối!

13-chot-1490536970811
Trẻ cần được giáo dục giới tính ngay từ lứa tuổi mầm non bằng phương pháp phù hợp. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: TẤN THẠNH

Những quan điểm về việc tôn trọng sự riêng tư, cơ thể trẻ em là chủ đề mà bác sĩ (BS) Hoàng Vũ Quỳnh Trang - chuyên ngành Nhi khoa phát triển hành vi, Khoa Tâm lý Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (T HCM) - trình bày trong một buổi gặp gỡ báo giới xoay quanh vấn đề phòng chống xâm hại tình dục ở trẻ em được BV này tổ chức gần đây. Theo bà, hiện nay, nhiều phụ huynh vẫn rất vô tư khi để con mình tồng ngồng chạy từ trong buồng tắm ra rồi chơi một hồi mới mặc quần áo vào. Họ cứ nghĩ đơn giản rằng chỉ toàn người trong nhà nên không sao. Ngay cả khi trẻ chạy ra cửa trong tình trạng không quần áo, cha mẹ cũng nghĩ là chẳng sao bởi chúng còn nhỏ. Thế nhưng, suy nghĩ này vô tình khiến nhận thức của trẻ về bản thân bị sai lệch. Trẻ không còn biết cách bảo vệ bản thân đúng mức, cứ nghĩ việc người khác nhìn thấy những nơi kín đáo trong cơ thể mình là bình thường!

Chia sẻ quan điểm này, BS Lâm Hiếu Minh - Trưởng Khoa Sức khỏe tâm trí BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM - cho rằng muốn dạy trẻ tự bảo vệ mình trước người lạ, đầu tiên cha mẹ phải biết đặt giới hạn đúng mức giữa con cái và chính mình. Cụ thể, việc giúp trẻ tắm, vệ sinh cá nhân, thay quần áo, cha mẹ chỉ nên làm khi trẻ còn rất nhỏ, chưa thể tự chăm sóc bản thân và phải làm việc này trong buồng tắm đóng kín hay trong phòng riêng; đồng thời dặn dò trẻ những việc chỉ có cha/mẹ mới được phép làm, người khác tuyệt đối không.

Xấu hổ là tự bảo vệ bản thân

Theo BS Lâm Hiếu Minh, trường hợp cô bé nêu trên biết xấu hổ khi phải thay đồ ở nơi đông người là một phản ứng đúng và có ý thức bảo vệ sự toàn vẹn hình ảnh bản thân. Trong nhiều trường hợp, trẻ có phản ứng xấu hổ nhưng cha mẹ lại trấn an con là “không sao”. Điều này vô tình khiến trẻ mất đi phản ứng bảo vệ bản thân một cách tự nhiên. Phiền toái hơn, nhiều trẻ trở nên rối nhiễu thông tin do cô giáo thì nói không được thay đồ hay đi vệ sinh trước mặt người khác trong khi mẹ thì nói không sao. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng xấu đến tâm lý của trẻ.

Sự toàn vẹn hình ảnh bản thân không chỉ quan trọng đối với người lớn mà càng quan trọng hơn với trẻ em bởi đứa trẻ có thể nhận biết điều này từ rất sớm và cần được người xung quanh tôn trọng. Nếu cha mẹ dặn dò con giữ giới hạn tiếp xúc cơ thể với người lạ trong khi bản thân không làm gương thì sẽ không có tác dụng giáo dục.

“Vì vậy, hãy tránh thói quen nói “không sao” và nên dạy cho trẻ biết xấu hổ khi trên mình chưa mặc đầy đủ quần áo, biết giữ sự kín đáo khi làm những việc riêng tư như thay đồ hay vệ sinh cá nhân… Việc giáo dục giới tính cho trẻ thực ra nên bắt đầu từ lứa tuổi mầm non vì trên thực tế, một số trẻ trong độ tuổi này đã là nạn nhân của tình trạng lạm dụng tình dục” - BS Minh khuyên.

BS Hoàng Vũ Quỳnh Trang cảnh báo các bậc phụ huynh tuyệt đối không nên tắm chung với trẻ. Ngay cả việc ngủ chung với trẻ, nhất là con trai ngủ với mẹ, con gái ngủ với cha, cũng không nên. Tất cả hành động này vô hình trung ảnh hưởng xấu tới sự nhìn nhận về giới hạn với người khác, đặc biệt là người khác giới. Việc giáo dục giới tính phải được thực hiện đúng cách, phù hợp với lứa tuổi. Ví dụ, với trẻ còn quá nhỏ, cần chỉ rõ cho bé những bộ phận nào trên cơ thể không được để người khác nhìn thấy, nhất là không được chạm vào. Ngay cả cha mẹ, khi cần giúp trẻ tắm rửa, vệ sinh cũng phải hết sức thận trọng.

Bé gái hay trai đều phải “giữ mình”

BS Lâm Hiếu Minh khẳng định rằng có những yếu tố về văn hóa rất cần được thay đổi. Ví dụ, nhiều người có thói quen “nựng yêu” bộ phận sinh dục của bé trai và cho rằng đó chỉ là đùa giỡn vô hại.

Ở nhiều quốc gia, hành động này được coi là xâm hại tình dục cho dù người thực hiện là người trong gia đình. Nếu hành động này cứ diễn ra đến mức trẻ cũng nghĩ là đùa giỡn vô hại thì trẻ sẽ mất khả năng phản kháng và dễ dàng bị hại khi gặp kẻ xấu thực sự. Nạn nhân của lạm dụng tình dục có cả bé trai. Vì thế, không phải chỉ bé gái mới cần được dạy “giữ mình”.

Thdeo nld.com.vn