TNV - Trong bối cảnh hội nhập khu vực, đất nước trên đà đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước như hiện nay thì hệ thống sở hữu trí tuệ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Quyền sở hữu trí tuệ không thể tách rời với hoạt động thương mại hay lớn hơn nó có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của một quốc gia.
Toàn cầu hóa, khu vực hóa đã và đang tạo ra những thời cơ thuận lợi cho các nước đang và kém phát triển. Và việc phát huy được những thế mạnh của mình thì sẽ tạo cơ hội cho các quốc gia tiếp cận với các vốn đầu tư nước ngoài, các máy móc hay còn gọi là nền khoa học – kĩ thuật tiên tiến và kỹ năng quản lý khoa học, hiện đại.
Việc tạo dựng quyền sở hữu trí tuệ là một yếu tố quan trọng, then chốt đặc biệt là trong xu thế hội nhập như hiện nay. Có thể nói một quốc gia có hệ thống sở hữu trí tuệ vững chắc có thể thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thương mại. Đó chính là cơ sở, tiền đề để cho quốc gia đó có thể kiểm soát được các hoạt động kinh doanh của mình và hơn hết là bảo vệ thương hiệu của mình một cách tốt nhất. Mặt khác nếu hệ thống sở hữu trí tuệ không được quản lý một cách chặt chẽ thì sẽ tạo ra những khuyết điểm và kẽ hở để việc xâm phạm bản quyền được thực hiện và sao chép bừa bãi những sản phẩm trí tuệ xuất hiện từ đó dẫn đến nguy cơ rủi ro trong kinh doanh sẽ tăng. Sở hữu trí tuệ còn có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội. Các giá trị được tạo ra từ tài sản trí tuệ như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và quyền tác giả ngày càng có tỷ phần cao hơn trong cơ cấu giá trị của doanh nghiệp. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được sự cần thiết của việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ của mình ở cả trong nước và nước ngoài, đặc biệt là ở các thị trường xuất khẩu nhằm thâm nhập thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Sở hữu trí tuệ trong thời đại hội nhập quốc tế có vai trò rất lớn. Một trong những vai trò đó là thu hút đầu tư của các công ty đa quốc gia. Một công ty có thể bảo mật tốt về công nghệ và nhãn hiệu hàng hóa sẽ tạo sự tin tưởng của các nhà đầu tư lớn. Hệ thống quyền sở hữu trí tuệ cũng góp một phần không hề nhỏ trong quá trình chuyển giao công nghệ. Với một quốc gia vững chắc về sở hữu trí tuệ sẽ có cơ hội tiếp nhận những công nghệ tiên tiến hiện đại hơn so với một quốc gia chậm phát triển. Hệ thống sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế. Tạo dựng được một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ mạnh và hoàn thiện đó là một nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn của bất kỳ quốc gia nào. Sở hữu trí tuệ phát triển tạo môi trường cũng như hành lang pháp lý cho các cá nhân, tổ chức yên tâm phát triển ý tưởng sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng, tính ứng dụng cao.Sở hữu trí tuệ được coi như một phương tiện đảm bảo sự phát triển bền vững của một quốc gia. Nếu chúng ta biết khai thác và có hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như một thứ tài sản đặc biệt thì khả năng kiến tạo những sản phẩm trí tuệ cao hơn sẽ là nguồn động lực phát triển cho quốc gia đó.
Ứng dụng sáng chế đã được cấp quyền bảo hộ trí tuệ.
Đánh giá và phân tích vai trò của quyền sở hữu trí tuệ đối với phát triển kinh tế của một quốc gia là công việc tương đối phức tạp và cần phải được xem xét từ nhiều góc độ. Trong bối cảnh mà nguy cơ chiếm đoạt các sản phẩm trí tuệ là nguy cơ thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng trong các nền kinh tế công nghiệp hóa. Việc ngăn chặn nguy cơ này và xác lập một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả và việc tuân thủ hệ thống quản lý bảo hộ sở hữ trí tuệ một cách nghiêm túc sẽ là điều kiện then chốt tác động đến quyết định đầu tư và chuyển giao của các công ty nước ngoài. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tốt sẽ khuyến khích nghiên cứu, phát triển công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và tạo uy tín cho sản phẩm. Ngoài ra, việc bảo hộ tốt còn dẫn đến giá thành sản phẩm cao, hạn chế được các vi phạm như tình trạng khai thác công nghệ không được phép của người sở hữu bằng độc quyền hay sản xuất hàng giả, hàng nhái và các vi phạm khác. Hệ thống sở hữu trí tuệ mạnh sẽ có những tác dụng tốt trong việc phát triển công nghệ và kinh doanh lành mạnh.
Tại Việt Nam Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí khẳng định “Ngày càng có nhiều quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam được đăng ký bảo hộ và được biết đến rộng rãi ở nước ngoài, nhưng chúng ta cũng có những bài học về việc mất các tài sản trí tuệ do chậm đăng ký, khiến cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam không thể tiếp cận thị trường nước ngoài. Và việc lấy lại các tài sản trí tuệ bị mất là rất khó khăn và gần như là không thể, tốn kém về thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp”.
Một quốc gia muốn đứng vững, phát triển thì trước hết là có tài sản trí tuệ dồi dào, phong phú nhưng nếu không biết chú trọng đến vấn đề sở hữu trí tuệ thì chưa chắc đã phát triển. Tuy nhiên một quốc gia biết khai thác tối đa hiệu quả tài sản trí tuệ của đất nước, biết được điểm mạnh ở đâu để phát huy và điểm yếu để khắc phục thì sẽ có một nền kinh tế vững chắc, nền kinh tế sẽ có những bước tăng trưởng nhanh và hiệu quả.
Thực hiện: Huy Hoàng, Hiền Linh.