Hiệp ước hạt nhân INF sụp đổ, Châu Âu dễ gánh hậu quả thảm khốc?

Thứ sáu, 15/02/2019 - 02:17

Việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đang đặt Châu Âu vào tình thế nguy hiểm.

Nguy cơ trở thành chiến trường tương lai

Việc Mỹ chính thức tuyên bố rút khỏi Hiệp ước ngày 2/2 vừa qua đang đẩy Châu Âu vào thời kỳ nguy hiểm và Châu Âu hiểu rằng cần phải đóng vai trò tích cực hơn nữa trong cuộc tranh luận về vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước INF cấm triển khai các loại tên lửa hạt nhân tầm trung tại Châu Âu nhằm duy trì thế cân bằng quân sự giữa Nga và Mỹ. Dù không phải là bên tham gia ký kết Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhưng Liên minh Châu Âu vẫn liên quan trực tiếp và được hưởng nhiều lợi ích từ thỏa thuận giữa Nga và Mỹ này.

Hiệp ước INF sụp đổ sẽ tạo điều kiện cho Mỹ tái triển khai các loại tên lửa tầm trung tại Châu Âu, cùng với những loại vũ khí hạt nhân khác nước này đã đặt tại Đức, Italy, Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Châu Âu rõ ràng sẽ là mục tiêu trước tiên nếu đối đầu quân sự Nga - Mỹ xảy ra. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov cho biết, trong trường hợp xảy ra giao tranh, những địa điểm triển khai tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ đồng minh sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Nga. Nếu Nga và Mỹ tham gia cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân, các nước nhỏ hơn cũng sẽ theo sau bởi họ tin rằng chỉ có làm như vậy mới khiến họ trở nên an toàn hơn.

INF là minh chứng rõ ràng về sự hợp tác giữa các cường quốc trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân và là trụ cột rất quan trọng giúp duy trì ổn định an ninh của châu Âu trong 3 thập niên qua. Sự sụp đổ gần như chắc chắn của Hiệp ước này đang làm mờ triển vọng gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START) giữa Nga và Mỹ, dự kiến hết hiệu lực vào năm 2021. Bên cạnh đó, nếu không có một thỏa thuận khung về vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ thì Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân cũng khó có thể tồn tại.

Tờ Japan Times của Nhật Bản nhận định, cơ hội cứu vãn INF giờ đây rất mong manh. Cả Nga và Mỹ đều không muốn bị trói buộc bởi các điều khoản trong INF, lý do chính không phải vì các bên muốn đối đầu với nhau mà bởi hai nước này đều coi Trung Quốc là đối thủ thực sự trong vấn đề hạt nhân. Trung Quốc không có mặt trên bàn đàm phán quốc tế về giải trừ vũ khí hạt nhân vào cuối những năm 1980. Nước này cũng không tham gia bất cứ hiệp ước cắt giảm hay giải trừ vũ khí nào. Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 80% kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc là những loại vũ khí hạt nhân tầm trung mà Mỹ và Nga bị cấm sản xuất theo Hiệp ước INF. Bất chấp những lời cáo buộc lẫn nhau về vi phạm thỏa thuận này, cả Mỹ và Nga đều có chung một mục đích là tự vũ trang để đối phó với Trung Quốc.

Đức và Châu Âu chỉ là mối quan tâm thứ hai của cả hai siêu cường trên. Theo quan điểm của Nga và Mỹ, việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân mới tại Châu Âu không đặt ra nguy cơ lớn. Nhưng đối với Châu Âu, điều này có thể khiến giấc mơ gây dựng chính sách đối ngoại và an ninh chung bị sụp đổ. Nếu NATO xúc tiến các cuộc thảo luận nghiêm túc về việc tái triển khai các tên lửa hạt nhân tầm trung tại Châu Âu, các nước thành viên ở Đông Âu (vốn từ trước đến nay luôn có định kiến với các nước thành viên ở Tây Âu, đặc biệt là Đức và Pháp), chắc chắn sẽ theo sự dẫn dắt của Mỹ. Trong khi đó, Đức và các nước thành viên khác ở Tây Âu nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với sự bất ổn chính trị nghiêm trọng.

Giải pháp nào cho Châu Âu?

Đối mặt với kịch bản này, Châu Âu đang cố gắng đi nước cờ “trì hoãn”, kéo dài thời gian đàm phán, làm sao để không “chọc giận” Tổng thống Mỹ Donald Trump và khiến ông có ý định rời bỏ các đồng minh. EU và giới chức các nước thành viên đều bày tỏ quan điểm cần phải duy trì hiệp ước, song vẫn lúng túng vì chưa tìm được giải pháp thích hợp.

Giới quan sát cho rằng, giải pháp cứu vãn INF cần phải được bàn thảo ngay chính trong lòng EU – dù khối này không phải là đối tác chính thức đàm phán về Hiệp ước và hiện tại đang đứng bên lề. Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump chưa có ý định thông báo với các thành viên trong NATO lẫn EU về các bước đi tiếp theo của Mỹ sau khi rút khỏi INF, thì Châu Âu cần phải thực hiện ngay những biện pháp tự cứu lấy mình.

Trước hết là tăng cường đảm bảo an ninh tại Đông Âu bằng cách điều động thêm nhiều binh sỹ và khí tài quân sự tới khu vực này. Tuy nhiên, động thái đó cần phải đi kèm với các cuộc đàm phán giữa Châu Âu và Nga về phân loại giữa vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường. Tiếp đến là xây dựng một thỏa thuận về kiểm soát vũ khí giữa vốn rất cần thiết trong thời điểm khó khăn. Cuối cùng là thực hiện các biện pháp khôi phục lòng tin, chẳng hạn như kiểm tra, thanh sát năng lực quân sự lẫn nhau. Đây là điều kiện tiên quyết cho thỏa thuận cắt giảm và giải giáp vũ khí, vốn có thể thực hiện sau đó.

Việc kiểm nghiệm hệ thống tên lửa hành trình SSC-8 (hay 9M729) của Nga mà Mỹ cáo buộc vi phạm Hiệp ước INF cần phải được đặt lên hàng đầu. Thời gian gần đây Nga tuyên bố sẽ cho phép thanh sát kho vũ khí hạt nhân của nước này với điều kiện Mỹ cũng phải thực hiện bước đi tương tự. Song giới phân tích cho rằng Mỹ sẽ khó chấp nhận yêu cầu trên bởi chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như muốn tập trung đối phó với năng lực hạt nhân của Trung Quốc hơn Nga và Châu Âu. Trong tình huống như vậy, các nước Châu Âu, đặc biệt là Đức cần phải thể hiện lập trường rõ ràng đối với Mỹ.

Việc Nga có sẵn lòng tham gia thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân với Châu Âu hay không sẽ phụ thuộc ít nhiều vào việc Pháp và Anh có sẵn sàng cho phép thanh tra các kho vũ khí của hai nước này hay không. Nếu Pháp và các quốc gia khác muốn chính sách quốc phòng và an ninh Châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ thì họ cần phải xem xét các biện pháp như vậy. Điều này sẽ dọn đường cho việc xây dựng một cấu trúc an ninh Châu Âu mới và cho phép Châu Âu đóng nhiều vai trò hơn trong việc kiềm chế cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân./.

Hồng Anh/VOV

Nguồn: JapanTimes