Một hóa thạch được phát hiện tại Colombia đang làm chấn động giới cổ sinh vật học: xương chân từ một loài chim ăn thịt khổng lồ có thể là thành viên lớn nhất của dòng họ Phorusrhacids, còn được biết đến với biệt danh "chim khủng bố". Với chiều cao có thể vượt quá 3 mét, cá thể này được cho là lớn hơn từ 5-20% so với kỷ lục trước đó. Điều này mở ra một chương mới trong việc nghiên cứu các loài chim săn mồi thời kỳ Kainozoi.
Các nhà nghiên cứu hiện đại đã có nhận thức sâu sắc hơn về việc chim là hậu duệ của khủng long. Và cũng không quá ngạc nhiên khi một số loài chim đã giữ lại vóc dáng to lớn của tổ tiên sau sự kiện tuyệt chủng vào cuối kỷ Phấn trắng. Theo đó, cũng có rất nhiều loài chim khổng lồ thường xuất hiện trên các hòn đảo, nơi không có sự cạnh tranh từ các loài động vật có vú. Tuy nhiên, Phorusrhacids là một trường hợp khác biệt: loài chim này thống trị Nam Mỹ trong suốt 43 triệu năm, có thể sánh vai với các loài thú lớn và trở thành loài săn mồi đỉnh cao.
Xương hóa thạch mới được phát hiện đã tồn tại trong lòng đất gần 20 năm trước khi Cesar Perdomo từ Museo La Tormenta tại Colombia phát hiện ra nó. Ban đầu, ông không chắc chắn về nguồn gốc của mảnh xương này, nhưng các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ quét 3D để phân tích và xác định rằng đây chính là một phần xương chân của một loài Phorusrhacids.
Tiến sĩ Siobhan Cooke từ Đại học Johns Hopkins cho biết: "Những con chim khủng bố sống trên mặt đất, chân được 'thiết kế' để chạy nhanh và săn mồi". Dựa trên kích thước của mảnh xương tìm thấy, các nhà khoa học ước tính loài này có thể nặng khoảng 156 kg. Điều này khiến nó trở thành một trong những loài chim lớn nhất từng được ghi nhận, vượt qua những người họ hàng đã cao tới 3 mét được phát hiện trước đó.
Hóa thạch này có niên đại từ kỷ Miocen, khoảng 12 triệu năm trước, và được xác định là một phần của chân trái, tương đương với xương ống chân ở người. Dấu hiệu đặc biệt như các hố sâu trên bề mặt xương đã giúp xác định rõ ràng nó là một phần của loài chim khủng bố. Các bản quét còn phát hiện ra dấu răng của một loài săn mồi khác, có thể là từ loài cá sấu cổ đại Purussaurus – một con caiman dài tới 9 mét.
Cooke chia sẻ thêm rằng vết thương từ cá sấu có thể đã khiến con chim khủng bố chết. Phát hiện này không chỉ có ý nghĩa về mặt kích thước mà còn là minh chứng cho sự tồn tại của loài chim này ở vùng bắc Nam Mỹ, khác với những hóa thạch trước đây chỉ được tìm thấy ở Argentina và các khu vực lân cận.
Sa mạc Tatacoa, nơi phát hiện hóa thạch, là một vùng đất khô cằn nhưng đã nổi danh với nhiều phát hiện hóa thạch quan trọng trong hơn một thế kỷ qua. Tuy vậy, việc tìm thấy hóa thạch của một con chim khủng bố ở đây là điều hoàn toàn mới mẻ. Cooke không loại trừ khả năng rằng còn có nhiều hóa thạch chưa được xác định trong các bộ sưu tập hiện có.
Hệ sinh thái nơi hóa thạch được tìm thấy khác xa với những gì chúng ta thấy ngày nay. Cách đây 12 triệu năm, khu vực này từng là một vùng đất màu mỡ với nhiều loài động vật kỳ lạ, từ lười đất khổng lồ, glyptodonts khổng lồ cho đến những loài động vật móng guốc giống như ngựa vằn hay impala. Đây cũng là nơi các loài khỉ đã thực hiện những cuộc di cư bằng bè đầy táo bạo.
Mặc dù hóa thạch Phorusrhacids phổ biến hơn ở phía nam Nam Mỹ, việc phát hiện ra một mẫu vật ở phía bắc là một bất ngờ thú vị. Thời điểm khi eo đất Panama kết nối Nam và Bắc Mỹ, tạo điều kiện cho sự giao thoa của các loài, loài chim khủng bố này dường như là loài săn mồi lớn duy nhất từ Nam Mỹ vượt qua được biên giới, thậm chí có dấu vết ở những nơi như Texas.
Đức Khương