TNV - Cuộc xung đột kéo dài hàng thế kỷ nay giữa Israel và Palestine là một trong những cuộc xung đột dai dẳng nhất trong lịch sử thế giới. Vào đầu những năm 1900, vùng đất Israel – Palestine ngày nay nằm dưới sự kiểm soát của Đế chế Ottoman với sự tồn tại của nhiều tôn giáo bao gồm Hồi giáo (những người Ả Rập), Thiên Chúa giáo và cả Do Thái. Vào thời điểm đó, làn sóng những người Do Thái ở châu Âu mong muốn thành lập quốc gia của riêng mình ngày càng trở nên mạnh mẽ sau hàng thế kỷ họ phải sống lưu vong. Vùng đất Trung Đông với họ có lẽ là hy vọng lớn nhất.
Trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20, hàng chục nghìn người Do Thái ở châu Âu đã chuyển đến khu vực này. Sau Thế chiến thứ nhất với sự sụp đổ của Đế chế Ottoman, người Pháp và Anh kiểm soát vùng đất này, trong đó người Anh nắm giữ vùng đất gọi chung là Palestine dưới hình thức quản thác ủy nhiệm. Ban đầu, họ cho phép người Do Thái được nhập cư, nhưng sau khi làn sóng này ngày càng lớn mạnh, mâu thuẫn giữa những người Do Thái và người Ả Rập bắt đầu bùng phát.
Vào những năm 1930, Anh bắt đầu siết chặt việc nhập cư, và để đáp trả, người Do Thái giờ đây phải đấu tranh chống lại cả người Ả Rập và người Anh. Năm 1947, mâu thuẫn giữa người Do Thái và người Ả Rập trở nên căng thẳng. Liên Hợp Quốc đề xuất chia đôi vùng đất Palestine: một phần cho người Do Thái (Israel) và một phần cho người Ả Rập (Palestine).
Thành phố Jerusalem – vùng đất linh thiêng đối với cả người Hồi giáo, Do Thái và Thiên Chúa giáo trở thành một khu vực quốc tế đặc biệt. Kế hoạch này nhằm mục đích thành lập một quốc gia riêng của người Do Thái, công nhận nền độc lập của người Palestine và để chấm dứt xung đột tại khu vực. Người Israel chấp nhận đề xuất trên nhưng những người Ả Rập cho rằng đất đai của họ đang dần rơi vào tay của chủ nghĩa thực dân châu Âu.
Chiến tranh Ả Rập – Israel (1948-1949) nổ ra khi các quốc gia Ả Rập tuyên chiến với Israel trong nỗ lực thống nhất vùng đất Palestine trước kia. Tuy vậy, người Israel lại giành thắng lợi và chiếm được nửa phía tây của Jerusalem cùng với nhiều vùng đất trước đó nằm dưới sự kiểm soát của Palestine. Họ đuổi những người Palestine ra khỏi quê hương của mình và tạo nên một làn sóng tị nạn lớn. Israel nắm giữ nhiều vùng lãnh thổ ngoại trừ Dải Gaza (Ai Cập kiểm soát) và khu vực Bờ Tây (nằm phía Tây sông Jordan). Còn với những người Do Thái ở các nước Ả Rập, họ cũng bị xua đuổi và phải tìm về Israel.
Năm 1967, Chiến tranh 6 ngày nổ ra giữa Israel và các nước Ả Rập. Kết thúc cuộc chiến, cao nguyên Golan thuộc Syria, khu vực Bờ Tây (gồm toàn bộ Jerusalem), Dải Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập bị đánh chiếm và Israel lúc này đã kiểm soát toàn bộ vùng đất Palestine.
Trong những ngày gần đây, một loạt sự kiện chính trị và tôn giáo đã châm ngòi cho cuộc đụng độ đẫm máu nhất giữa Israel và các nhóm vũ trang Palestine mà tất cả cũng bắt nguồn từ căn nguyên lịch sử không giải quyết được.
Việc chính quyền Israel đẩy người Palestine khỏi một số khu vực của Đông Jerusalem trong tuần qua diễn ra vào đúng tháng chay Ramadan của người Hồi giáo. Hành động này bị phóng đại thành hành vi ngăn cản người Palestine đến Al-Aqsa, nên càng khiến không khí bất mãn tăng cao, đây chính là mồi lửa trực tiếp thổi bùng xung đột Israel – Palestine hiện nay.
Hamas, tổ chức vũ trang của người Palestine ở Dải Gaza, không bỏ qua cơ hội củng cố sức ảnh hưởng. Trong các tuyên bố ngày 10-5, lực lượng này cam kết đứng về phía người dân Palestine bị lấy đất và thề sẽ biến một số thành phố của Israel thành "địa ngục", bao gồm cả Tel Aviv.
Hàng chục ngàn người Palestine sau đó xuất hiện ở đền thờ Al-Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ ba của người Hồi giáo. Đền thờ nằm tại khu thành cổ Jerusalem và sát với Bức tường than khóc - địa điểm linh thiêng bậc nhất với người theo Do Thái giáo.
Theo Hãng tin AFP, trong vòng 3 ngày qua, Hamas đã bắn hơn 1.500 quả rocket vào lãnh thổ Israel, bao gồm cả thủ đô trên thực tế là Tel Aviv. Quân đội Israel đáp trả bằng hàng trăm cuộc không kích, tuyên bố tiêu diệt hàng chục thủ lĩnh Hamas kể từ ngày 10-5.
Trích dẫn số liệu của cơ quan y tế Gaza, AFP cho biết các vụ không kích trả đũa của Israel đã giết chết 67 người Palestine, trong đó có 17 trẻ em. Ở chiều ngược lại, giới chức y tế Israel cáo buộc rocket của Hamas đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 6 người Do Thái.
Trong lúc quốc tế đang tìm giải pháp gỡ rối, lửa giận dữ ngày càng lớn hơn ở Gaza có thời điểm hàng ngàn quả rocket của Hamas như những bông hoa trên bầu trời cũng như những đốm sáng đánh chặn từ tên lửa của Tel Aviv nhưng ai cũng biết rằng ở dưới đất là sự chết chóc đã kéo dài hàng thế kỷ vẫn chưa có hồi kết.
Nguyễn Ngọc
Ảnh: Mạng