Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh THPT sẽ học 7 môn học bắt buộc và 5 môn lựa chọn bắt buộc.
Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ có tác động đến tất cả học sinh ở các cấp học, nhiều nhất là đối với học sinh cấp THPT. Điểm thay đổi lớn là việc cho phép học sinh được tự chọn môn học và phân hóa hướng nghiệp sớm đối với bậc học THPT. Nội dung giáo dục cấp THPT gồm 7 môn học bắt buộc và 5 môn lựa chọn bắt buộc.
Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn là liệu học sinh sẽ phải học rất ít môn bắt buộc, còn lại là tự chọn thoải mái theo năng lực và định hướng nghề nghiệp hay không?
Trả lời thắc mắc trên, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết: Học sinh bắt buộc phải lựa chọn 5 trong 3 nhóm môn học, nghĩa là sẽ có nhóm môn học sinh chọn tới 2 - 3 môn tùy theo năng lực, sở thích của mình. Tuy nhiên, để đảm bảo nhóm môn thuộc các lĩnh vực khác nhau đều có học sinh lựa chọn, chương trình quy định mỗi nhóm học sinh phải chọn tối thiểu 1 môn chứ không thể chọn 5 môn trong 2 nhóm còn 1 nhóm không có môn nào được chọn.
Ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, mục tiêu của chương trình giáo dục THPT là giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, ý thức và nhân cách công dân, khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động.
Kế hoạch giáo dục cấp THPT của chương trình GDPT mới
Chương trình còn giúp học sinh thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới. Vì vậy, chương trình đã xây dựng để học sinh chọn 5 môn học từ 3 nhóm môn học, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học cùng với việc chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Lần đầu tiên bỏ quy định số tiết/tuần
Trước thắc mắc là liệu sẽ có chuyện học sinh đổ xô chọn một số môn trong khi có môn quá ít học sinh lựa chọn dẫn tới không tổ chức được lớp học và dôi dư giáo viên, ông Xuân Thành khẳng định sẽ không có chuyện đó và Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể vấn đề tổ chức cho HS lựa chọn môn học tự chọn.
Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết, lần đầu tiên chương trình mới chỉ quy định thời lượng dạy học mỗi môn học trong năm, không quy định thời lượng đến từng tuần, để các trường chủ động xây dựng kế hoạch dạy học.
Đối với cấp THPT là cấp học có nhiều môn học lựa chọn, chương trình quy định: Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập để đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho hay, trong năm nay Bộ GD-ĐT sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện chương trình mới, trong đó nêu cụ thể hơn việc thực hiện dạy học tự chọn ở cấp THPT./.
Sự thay đổi trong chương trình mới ở cấp THPT: Chương trình GDPT mới ở cấp THPT đều có 12 môn học (trong chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học). Có một số môn học và hoạt động giáo dục mới hoặc mang tên mới là: âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục kinh tế và pháp luật ở cấp THPT, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Trong đó 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc bao gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Hai môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2. Ngoài ra, học sinh còn phải bắt buộc chọn 5 môn từ 3 nhóm môn học cùng việc chọn 3 cụm chuyên đề học tập của 3 môn học phù hợp nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường. 3 nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật). Chương trình sẽ được bắt đầu triển khai từ năm học 2022 - 2023 đối với lớp 10, áp dụng cuốn chiếu cho những năm học tiếp theo với lớp 11 và 12. |
Theo VOV