TNV - 14 năm lặn lội đêm hôm duy trì lớp học, cũng là từng lấy năm bà con xóm nghèo phường Vĩnh Phước trìu mến gọi Thiếu tá Tưởng là “thầy Tưởng”. Đối với cả những thành phần trộm cắp, nghiện ngập, thầy Tưởng là hình ảnh đẹp về “Anh bộ đội Cụ Hồ” giản dị mà cao quí, người đang viết câu chuyện cổ tích giữa cuộc sống đời thường ở khu dân cư Trường Phúc, phường Vĩnh Phước .
14 năm đứng lớp và hàng trăm em đã đọc thông, viết thạo
Để việc “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” biến thành kết quả cụ thể, xứng với danh hiệu cao quý “Anh bộ đội Cụ Hồ”, Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng (SN 1975) luôn tâm niệm mình phải khắc phục mọi khó khăn, tích cực, nhiệt tình trong công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Do nhà chật chội, nên thầy Tưởng ngồi luôn ở bậc cửa ân cần dặn dò các em đến lớp. Ảnh: Phạm Quỳnh.
Về nhận công tác tại Đồn Biên phòng Cầu Bóng, BĐBP Khánh Hòa vào tháng 4/2004, Thiếu úy Nguyễn Văn Tưởng (khi đó) được giao nhiệm vụ vận động quần chúng phụ trách địa bàn phường Vĩnh Phước. Đây là địa bàn rộng, dân cư đông, thu nhập thấp và rất phức tạp về tình hình TTATXH, nhưng điều đó không làm anh nao núng tinh thần, mà trái lại càng thêm quyết tâm với công việc.
Tổ dân phố 16, 17, 18, 19, 20 khu dân cư Trường Phúc, phường Vĩnh Phước là nơi tập trung nhiều tệ nạn xã hội, điểm nóng tiêm chích ma túy của Thành phố Nha Trang. Hình ảnh về các em nhỏ đang độ tuổi đến trường, lẽ ra phải được vui chơi, học tập, nhưng do điều kiện gia đình quá khó khăn nên phần lớn không được cắp sách đến trường, phải phụ giúp cha mẹ lượm ve chai, bán hàng rong, làm thêu, bán vé số, hoặc bị bố mẹ thả rông sống vất vưởng trên những con hẻm tối tăm nhiều tệ nạn rất dễ bị lôi kéo vào con đường phạm tội…luôn day dứt trong anh. Trong số đó có cả những em vì không được đến trường, thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình nên đã có những hành vi vi phạm pháp luật như: trộm cắp, đánh nhau gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự.
Nhà nhỏ, kê ghế ra căn hẻm nhỏ để vui chơi mỗi ngày. Ảnh: Phạm Quỳnh.
Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, chàng sĩ quan trẻ 29 tuổi đã báo cáo chỉ huy đơn vị kế hoạch vận động và duy trì lớp học tình thương. Chỉ hơn 01 tháng từ khi nhận nhiệm vụ, Nhà văn hóa tổ 19 khu dân cư Trường Phúc đã trở thành lớp học của đám trẻ bấy lâu vẫn coi việc học hành là câu chuyện cổ tích chỉ xuất hiện thoảng qua trong những giấc mơ kỳ diệu.
Ban đầu bắt tay vào công việc, anh Tưởng gặp rất nhiều khó khăn, bởi các em đều có hoàn cảnh éo le, phức tạp, sớm tiếp xúc với mặt trái của xã hội, độ tuổi, nhận thức và tiếp thu không đồng đều, quen với nếp sống thích gì làm lấy, tự do cá nhân, làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc truyền đạt và tiếp thu kiến thức, nên mỗi buổi lên lớp là mỗi lần thầy Tưởng phải vừa dạy, vừa dỗ, vừa rèn vào khuôn phép, vừa phải phân xử thượng vàng hạ cám đủ thứ chuyện xích mích nảy sinh giữa các em.
Thầy Tưởng thăm 2 chị em Giáng Linh và Linh Chi đang ở cùng bà nội thứ. Ảnh: Phạm Quỳnh.
Lâu rồi thành quen, thầy Tưởng đã nắm bắt được tâm lý, nhận thức từng em, tìm ra phương thức dạy bảo phù hợp, gợi mở những vấn đề đơn giản thường gặp trong cuộc sống rồi mới đưa kiến thức bài giảng vào cho các em. Nhờ vậy, mấy tháng sau lớp học đã đi vào nền nếp, được duy trì đều đặn vào buổi tối (19h đến 21h) từ thứ hai đến thứ sáu trong tuần, số lượng từ 15 em lên 30 em, có thời điểm (từ năm 2006 – 2011) sĩ số lớp học lên đến 50 em, thu hút hàng chục em ở tổ 22, 23 khu vực Hòn Chồng hàng ngày vẫn theo cha mẹ lượm rác ngoài đèo Rù Rì cũng về học.
Do đa dạng độ tuổi và thời gian đến lớp của các em dài ngắn khác nhau, nên mỗi buổi học tấm bảng thường được kẻ làm 3 để dạy cùng lúc 3 chương trình. Nhưng điều khác biệt là, trước và trong mỗi buổi học, thầy Tưởng còn phải uốn nắn từng lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử với bạn bè và mọi người xung quanh để các em bớt đi bản năng hoang dã.
Bé Trâm Anh (bìa trái) và Quang Vinh đang làm bài tập viết “Cái kéo” ngay trên
sàn căn nhà nhỏ chừng 12m2 . Ảnh: Phạm Quỳnh.
Đa phần các phải lăn lộn kiếm sống ngoài xã hội, va chạm với rất nhiều các đối tượng xấu, nhiều em cả bố mẹ đều dính vào ma túy và đang ở tù, nên ngoài việc dạy học còn phải tư vấn cho các em một số kỹ năng sống cơ bản, tuyên truyền cho các em về kiến thức phòng tránh HIV/AIDS, tệ nạn tiêm chích ma tuý, lạm dụng tình dục, các hành vi phạm pháp…
Đến nay, thầy Tưởng đã đứng lớp được 14 năm, mỗi năm số lượng học sinh khoảng trên dưới 30 em. Từ lớp học này, hàng trăm em đã đọc thông viết thạo, biết cộng trừ nhân chia thuần thục, nhờ vậy đã tìm được việc làm lương thiện, tự lập cuộc sống chân chính, phụ giúp cho gia đình.
Thấy lớp học duy trì có kết quả, các tổ chức Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân và các nhà hảo tâm, mạnh thường quân trên địa bàn đã tìm đến ủng hộ hàng ngàn cuốn vở, cây viết cùng một số dụng cụ học tập (thước kẻ, eke, bảng, bàn, ghế); trang bị đủ đầy, để các em đến trường không phải mua thêm dụng cụ học tập.
Ngoài ra, các em còn được tham gia vào các câu lạc bộ chăm sóc và bảo vệ trẻ em có điều kiện đặc biệt khó khăn, được vui chơi, giải trí, giao lưu với các trẻ của địa phương khác nhân dịp Quốc tế Thiếu nhi (1/6), Rằm Trung thu. Đặc biệt, hàng năm Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa còn phối hợp với địa phương, các tổ chức từ thiện thăm, hỏi động viên lớp học, hỗ trợ gia đình các em gạo, mì tôm, kẹo bánh, quần áo…; qua đó khuyến khích các em đến lớp, làm giảm rõ rệt tỷ lệ trẻ em vi phạm pháp luật trên địa bàn – Thượng tá Nguyễn Thanh Hà (Chủ nhiệm Chính trị - BĐBP tỉnh Khánh Hòa) cho biết.
Hình ảnh đẹp về “Anh bộ đội Cụ Hồ”
Khi được hỏi về khó khăn, thầy Tưởng tâm sự: Khó khăn thì nhiều lắm. Do không có trình độ sư phạm, ban ngày thực hiện công tác chuyên môn, buổi tối duy trì lớp học liên tục từ thứ 2 đến thứ 6, nên hầu như không có thời gian rảnh rỗi dành cho gia đình; những ngày thời tiết xấu mưa gió, những hôm vợ ốm, con đau, nhưng vẫn gắng đến lớp để duy trì lớp học, có thể cho về sớm nhưng không thể để gián đoạn lớp học, bởi nếu đã nghỉ thì các em có thể nghỉ luôn không đi học nữa, vận động các em ra lớp đã khó rồi, duy trì lớp học còn khó hơn.
Theo thầy Tưởng, để vượt qua vô vàn khó khăn, trở ngại, chỉ còn cách đem cả sự nhiệt tình và tâm huyết ra để làm việc, với mong muốn xóa đi những “vùng tối” của phường, hé mở, nuôi dưỡng những điều tốt đẹp ở phía trước ngưỡng cuộc đời mỗi em. Sau mỗi năm học, đều có kiểm tra đánh giá kết quả học tập để lên lớp, được ngành Giáo dục công nhận đạt phổ cập bậc tiểu học – đây là tiền đề cần thiết để các cháu bớt đi mặc cảm, thêm phần tự tin bước vào đời – Thiếu tá Tưởng nói tiếp.
Chính trị viên Đồn Biên phòng Cầu Bóng - Thiếu tá Nguyễn Văn Tân kể, có thời điểm nhóm thanh niên tình nguyện tham gia cùng đứng lớp, nhưng không thu hút được các em, nên đành phải rút, và trong Đồn thì đồng chí Tưởng là phù hợp hơn cả để duy trì và thu hút các cháu đến học. Năm 2010 và 2016 đồng chí Tưởng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh.
Chiều một ngày cuối tháng Năm nắng rát, theo chân Thiếu tá Tưởng len lỏi vào những con hẻm nhỏ hẹp ở khu dân cư Trường Phúc, những ống kim tiêm vừa mới chích nằm chỏng trơ như thách thức ngay bên lối đi. Tuy vậy, đi tới đâu từ người già cho đến con trẻ đều râm ran tiếng chào “thầy Tưởng”, như làn gió mát từ biển thổi vào xua đi cái nắng nóng, cái ngột ngạt, u ám ở khu dân cư nghèo nhưng phức tạp tệ nạn ma túy này.
Căn nhà chua đầy 20m 2 lợp tôn, vách cũng tôn là nơi sinh sống của 7 người trong gia đình, trong đó có Khang (11 tuổi) và anh trai Minh (15 tuổi) cùng học lớp thầy Tưởng. Bố mẹ Khang thuê căn nhà này đã 10 năm và làm nghề thợ hồ để nuôi cả gia đình. Căn nhà tôn kế bên có cùng diện tích là nơi bố mẹ cháu Long (15 tuổi) và cháu Linh (13 tuổi) thuê sinh sống đã 04 năm, bố làm thợ sắt, mẹ nội trợ, cả hai cháu cũng đang theo học và biết chữ nhờ lớp học tình thương.
Đa phần bà con xóm nghèo, có hoàn cảnh éo le đều cho con cháu đến học lớp thầy Tưởng, mong các cháu có cơ hội thành người, thoát khỏi cảnh lam lũ, hay con đường lầm lạc. Đó là, cả 04 người con gái của mẹ đơn thân Hồ Thị Lan (48 tuổi) đều tích cực đi học, 3 cháu đã học xong lớp 5, đi bán hàng thuê kiếm sống; 2 chị em Giáng Linh (9 tuổi), Linh Chi (7 tuổi) bố mẹ đi tù vì ma túy, ở cùng bà nội thứ (chị gái ông nội); cháu Trí Khang (9 tuổi) ở cùng bác, bố mẹ ở tù do liên quan đến ma túy, cùng nhiều hoàn cảnh đáng thương khác cũng góp mặt trong lớp học. Chợt nhìn thấy cậu bé khoảng 14 tuổi (Trần Văn Bảo), tóc nhuộm vàng hoe đang lêu têu chạy ngoài trời nắng, anh Tưởng gọi lại dặn dò nhớ đi học đều không được nghỉ như mấy hôm trước.
7h tối lớp học bắt đầu, con hẻm trở nên rộn ràng bởi tiếng con trẻ học bài, bớt đi vẻ tối tăm, hiu quạnh. Hai chị em Bé Hai mới từ Phú yên theo mẹ chuyển về đây sinh sống đến lớp từ khá sớm, bởi hôm nay là tuần học thứ 3, với bài học phát âm, tập viết và nhận biết bảng chữ cái. Tuy 15 tuổi mới được cắp sách đi học, nhưng Bé Hai tỏ ra rất háo hức và chăm chỉ. Tôi nhận ra cậu học trò có mái tóc vàng hoe lúc chiều đi cùng một bạn nữa – đó là Trần Văn Bảo và Lê Quốc An - hai học trò quậy nhất, hay nghỉ học nhất cũng có mặt.
Khi được hỏi kiến thức học được đã giúp gì trong cuộc sống? Các bé lớp 4 vui vẻ trả lời: Giúp bố mẹ làm hồ sơ, giấy tờ, tính toán tiền công, đọc sách báo cho cả nhà cùng nghe. Thật hồn nhiên và trong trẻo, các bé Thu Tuyền, Ngọc Ánh, Thu Hiền, Kim Ngân, Phương Thảo, Khánh Chân…bày tỏ ước mơ lớn lên được làm bác sĩ để chữa bệnh cho mẹ, làm giáo viên đi dạy học như thầy Tưởng, làm ca sĩ…nhưng tựu chung lại đều mong có việc làm chân chính để giúp gia đình.
Thầy Tưởng và các em trong lớp học tình thương. Ảnh: Phạm Quỳnh.
14 năm lặn lội đêm hôm duy trì lớp học, cũng là từng lấy năm bà con xóm nghèo phường Vĩnh Phước trìu mến gọi Thiếu tá Tưởng là “thầy Tưởng”. Đối với cả những thành phần trộm cắp, nghiện ngập, thầy Tưởng là hình ảnh đẹp về “Anh bộ đội Cụ Hồ” giản dị mà cao quí, người đang viết câu chuyện cổ tích giữa cuộc sống đời thường ở khu dân cư Trường Phúc, phường Vĩnh Phước.
Phạm Quỳnh