"Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta". Cuộc đời 79 mùa Xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm hấp thu tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của ông cha. Với lòng yêu nước thiết tha và ý chí giải phóng dân tộc, ngày 05/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng, bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước. Trên cuộc hành trình này, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam để đến năm 1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Sau gần 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ngày 28/01/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng, quyết định chuyển hướng chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Tháng 8/1945, Người đã lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta xóa bỏ chế độ thuộc địa và phong kiến, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, theo ngọn cờ "kháng chiến, kiến quốc", quân và dân ta đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Nhân dân ta bước vào thời kỳ cách mạng mới, cùng một lúc thực hiện cả hai nhiệm vụ chiến lược là: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục đấu tranh hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là tâm nguyện cháy bỏng, là nỗi trăn trở khôn nguôi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trước lúc đi xa, Người để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta bản Di chúc lịch sử trong đó khẳng định một ý chí mãnh liệt, một quyết tâm sắt đá và một niềm tin tất thắng. Thực hiện di huấn của Người, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã làm nên thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, hòa bình, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà cách mạng kiệt xuất, một nhà lãnh đạo thiên tài, mà còn là một nhà tư tưởng lỗi lạc, một danh nhân văn hóa thế giới. Người đã để lại cho dân tộc ta, nhân dân ta một di sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người là hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về cách mạng Việt Nam, từ mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đến phương pháp cách mạng, xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân. Tư tưởng ấy thấm đẫm giá trị nhân văn, khát vọng hòa bình, tự do và hạnh phúc cho nhân dân.
Đạo đức Hồ Chí Minh là sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, giữa lời nói và việc làm. Đó là đạo đức cách mạng của một người chiến sĩ suốt đời đấu tranh cho lợi ích của Đảng, của dân tộc; là tinh thần "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư"; là lòng yêu thương con người sâu sắc, sự tôn trọng nhân dân, tinh thần quốc tế trong sáng. Tấm gương đạo đức của Bác là mẫu mực tuyệt vời về sự giản dị, gần gũi, khiêm tốn, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân.
Phong cách Hồ Chí Minh là sự biểu hiện sinh động của tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh trong hoạt động thực tiễn. Đó là phong cách làm việc dân chủ, khoa học, sâu sát quần chúng; phong cách diễn đạt giản dị, dễ hiểu, gần gũi với nhân dân; phong cách sống thanh bạch, tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí; phong cách ứng xử văn minh, lịch sự, trọng tình, trọng nghĩa.
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, đặt ra không ít thách thức đối với sự phát triển của đất nước và công tác thanh niên. Việc quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh càng trở nên cấp thiết. Đây không chỉ là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn dân, mà còn là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, với vai trò là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn, Hội, Đội và thanh niên, càng phải đi đầu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi đảng viên của Học viện phải là những chiến sĩ tiên phong, gương mẫu trong việc quán triệt và thực hiện những di huấn thiêng liêng của Người.
Hôm nay, bên cạnh việc kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, chúng ta còn vinh dự tuyên dương những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là những đồng chí đảng viên, những thầy cô giáo, cán bộ, sinh viên đã có những đóng góp xuất sắc, những hành động cụ thể, thiết thực, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm và lòng kính yêu đối với Bác. Những tấm gương này là nguồn động lực to lớn, khích lệ toàn thể Học viện tiếp tục phấn đấu và vươn lên. Qua đó kỳ vọng rằng, từ những tấm gương hôm nay, mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên của Học viện sẽ tự soi, tự sửa, không ngừng hoàn thiện bản thân, góp phần xây dựng Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao, xứng đáng là nơi "ươm mầm lý tưởng, chắp cánh thanh niên" trong thời kỳ mới - thời kỳ vươn mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam.
Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tình hình mới, cấp ủy các Chi bộ, các đơn vị, các tổ chức đoàn thể cùng toàn thể cán bộ, đảng viên, viên chức trong Đảng bộ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và triển khai tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác chuyên môn và lãnh đạo. Mỗi đảng viên cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu rộng các tác phẩm, bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là những nội dung liên quan đến công tác thanh niên, công tác xây dựng Đảng và đạo đức cách mạng. Việc học tập không chỉ dừng lại ở việc nắm vững lý luận mà còn phải đi sâu vào vận dụng sáng tạo trong thực tiễn công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý và lãnh đạo tại Học viện. Cần đổi mới phương pháp truyền đạt, làm cho tư tưởng của Bác trở nên gần gũi, dễ hiểu và thấm sâu vào nhận thức, hành động của mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên. Đồng thời, cần chủ động đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hai là, gương mẫu thực hành đạo đức Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên "vừa hồng, vừa chuyên". Mỗi đảng viên phải thực sự là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống trong sạch, giản dị, gần gũi quần chúng. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Từng đảng viên phải tự giác rèn luyện phẩm chất "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, tận tâm, trách nhiệm với công việc, hết lòng phục vụ người học và cộng đồng. Đồng thời, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo và bồi dưỡng thanh niên.
Ba là, phát huy phong cách Hồ Chí Minh trong công tác và sinh hoạt, tăng cường mối quan hệ mật thiết với thanh niên. Mỗi đảng viên cần rèn luyện phong cách làm việc dân chủ, khoa học, có kế hoạch, sâu sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến của quần chúng, đặc biệt là ý kiến của sinh viên, học viên. Cần đổi mới phương pháp công tác, tăng cường tính tương tác, đối thoại với thanh niên, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em, từ đó có những chủ trương, giải pháp phù hợp và hiệu quả. Thực hành phong cách sống giản dị, tiết kiệm, văn minh, lịch sự trong giao tiếp và ứng xử.
Bốn là, đẩy mạnh các phong trào thi đua học tập và làm theo Bác, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn Học viện. Cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và thu hút đông đảo cán bộ, giảng viên, viên chức và sinh viên tham gia. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, tạo môi trường để mọi người cùng nhau học tập, phấn đấu và trưởng thành. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời nhắc nhở, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế.
Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta khắc sâu thêm lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Người, đồng thời cũng là cơ hội để mỗi chúng ta tự soi chiếu lại mình, nâng cao ý thức trách nhiệm, ra sức học tập, rèn luyện và cống hiến. Với tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm và lòng kính yêu vô bờ bến đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể đảng viên, cán bộ, giảng viên, viên chức và sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp trồng người và xây dựng Học viện ngày càng phát triển vững mạnh, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
TS. Trịnh Minh Thái
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam