
Ông Nguyễn Kim Hoàng – Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội phát biểu tại Chương trình.
Hội đã hoạt động được 4 nhiệm kỳ, năm 2025 là năm thứ ba trong Nhiệm kỳ thứ năm của Hội. Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật TP Hà Nội (CTTEKT TP) hoạt động trên cơ sở tự nguyện, tự chịu trách nhiệm với sự chỉ đạo và quản lý nhà nước của các cấp, các ngành đặc thù của Thành phố.
Hội có các Chi hội trực thuộc với 650 hội viên. Số trẻ em khuyết tật trên toàn Thành phố có trên 12 nghìn cháu và dao động liên tục.
Hiện nay, Ban Chấp hành nhiệm kỳ V có 36 ủy viên, ông Nguyễn Kim Hoàng, nguyên là Phó Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội làm Chủ tịch Hội.
Hội đã có những đổi mới về công tác tổ chức và phương thức hoạt động. Hội tiếp tục tập hợp được những người có trình độ, có kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật, có tấm lòng nhân ái, không quản thời gian, công sức để đóng góp cho sự phát triển của Hội. Chương trình hoạt động của Hội đặt ra những yêu cầu mới, thiết thực, hiệu quả, gắn với cơ sở, hướng tới mục tiêu cứu trợ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật trên mọi địa bàn của Thành phố, nhất là những địa bàn còn nhiều khó khăn.
Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Hội CTTEKT Thành phố đã thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong quá trình hoạt động.
Hội phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội tổ chức khám phân loại sơ bộ và tư vấn cho trẻ tật ở các đơn vị. Từ năm 2012 (năm bắt đầu thực hiện việc khám) cho đến nay đã khám được cho trẻ khuyết tật ở 24 quận, huyện, thị và 10 đơn vị dạy trẻ khuyết tật của Thành phố.

Tổ chức Phòng khám thường xuyên, miễn phí cho trẻ khuyết tật ngay tại Bệnh viện PHCN Hà Nội. Từ 2017 đến nay, Phòng khám đã khám và tư vấn cho trên 1000 trẻ khuyết tật và tiến hành điều trị mỗi năm được trên 20 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Hội đã 2 lần tổ chức điều tra, lấy thống kê số trẻ em khuyết tật trên toàn thành phố (năm 2012 và năm 2023). Căn cứ vào các số liệu thống kê được, Hội có hướng chỉ đạo và hoạt động phù hợp; Tổ chức các lớp tập huấn, phát hành Bộ tài liệu "Hướng dẫn Chăm sóc - Can thiệp và Giáo dục trẻ khuyết tật" cho cán bộ chuyên môn và cha mẹ trẻ tật.
Hội phối hợp với ngành giáo dục trong việc huy động trẻ tật còn khả năng đi học được đến các loại hình trường, lớp phù hợp. Các Trường và các Trung tâm dạy trẻ khuyết tật của Thành phố và các quận huyện đều đã làm tốt nhiệm vụ của mình, thực hiện có hiệu quả việc dạy văn hóa cho trẻ khuyết tật.
Hội hết sức quan tâm đến công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho trẻ khuyết tật nên hàng năm đã phối hợp với các đơn vị có chức năng dạy nghề tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp cho trẻ khuyết tật ở các đơn vị, tạo cơ hội cho các em có thể tự lập được trong cuộc sống tương lai của mình.
Hội vận động nguồn lực từ trong cộng đồng xã hội tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, động viên trẻ em khuyết tật nhân các dịp Lễ, Tết, các ngày Kỷ niệm trong năm; Tổ chức các hoạt động đa dạng, phong phú cho trẻ em khuyết tật như Liên hoan văn nghệ; xem biểu diễn xiếc, nghệ thuật; tổ chức các cuộc thi thể thao, viết vẽ tranh; tham quan, dã ngoại; Hội chợ Xuân, Trung Thu…
Trong quá trình hoạt động của mình, Hội CTTEKT TP đã liên kết và phối hợp với các Tổ chức phi Chính phủ để đưa các Dự án trợ giúp tới cho trẻ em khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội. Các Dự án này mỗi năm đã trợ giúp cho hàng trăm lượt trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, góp phần tạo cơ hội cho các đối tượng này được chăm sóc, giúp đỡ một cách thiết thực và hiệu quả để hòa nhập cộng đồng.
Ngoài các Dự án lớn, Hội CTTEKT TP cũng đã duy trì tốt công tác vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các cá nhân hảo tâm trong cộng đồng trợ giúp cho trẻ khuyết tật dưới nhiều hình thức. Kết quả nhận được từ sự vận động đó mỗi năm ngày một tăng lên : tính từ năm 2014 mỗi năm vận động được trên 2 tỉ VND thì đến năm 2024 vừa qua đã nhận được sự trợ giúp (tiền và hiện vật quy đổi) trị giá trên 4,5 tỉ VND.
Trong những năm qua, từ Nhiệm kỳ 4 đến nay Hội CTTEKT TP phát huy tác dụng ra ngoài địa bàn Hà Nội. Hội tổ chức nhiều hoạt động hướng ngoại : mở rộng các hoạt động giao lưu. liên kết với các đơn vị tỉnh thành bạn (Hội CTTETT TP.Hồ Chí Minh; Hội Bảo trợ Người khuyết tật Phú Yên; Hội Người mù Hải Dương); thăm và tặng quà các đơn vị dạy trẻ khuyết tật của trên 10 tỉnh thành khác …
Hàng năm, Hội vẫn phối hợp với các cơ quan chức năng và các đơn vị cơ sở để thực hiện các đề tài, các mô hình hoạt động về các vấn đề thực tiễn cần thiết và quan trọng trong quá trình chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ của mình.
Trải 25 năm xây dựng và phát triển, Hội CTTEKT Thành phố đã nhận được nhiều thanh tích, khen thưởng cấp Nhà nước và Thành phố: Năm 2005 được nhận Bằng khen của Chính phủ; Năm 2019 được nhận Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc của UBND Thành phố; Năm 2020 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba của Nhà nước. Hàng năm Hội đều được nhận Bằng khen của UBND Thành phố; Trung ương Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam.
Trong thời gian tới. Hội tiếp tục phát huy kết quả đã, đổi mới phương thức hoạt động, duy trì cơ chế tổ chức, xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động, phong trào thi đua trên tinh thần thiết thực, đa dạng và hiệu quả.
Hội tập trung vào một số giải pháp trọng tâm:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn với các chủ điểm và hoạt động lớn của Thành phố, gắn với các hoạt động toàn diện của Hội, chào mừng Kỷ niệm 25 năm thành lập Hội.
2. Thực hiện duy trì các Dự án và nguồn tài trợ truyền thống, tìm kiếm và phát triển thêm các Dự án và các nguồn tài trợ mới cho hoạt động của Hội.
3. Tổ chức các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của Hội một cách đa dạng, phù hợp với phương thức hoạt động hướng về cơ sở, tập trung vào các mục tiêu cụ thể trong công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật; trong công tác dạy văn hóa, dạy nghề; cũng như quan tâm tới các hoạt động đảm bảo đời sống tinh thần cho trẻ khuyết tật trên địa bàn Hà Nội.
4. Tặng cường hiệu quả sự phối hợp, liên kết hoạt động với các ngành, các cấp, các tổ chức, các lực lượng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
5. Tiếp tục duy trì công tác nội vụ nền nếp, đảm bảo chất lượng và hiệu quả của quá trình quản lý và chỉ đạo công tác của Hội.
6. Tiếp tục công tác thi đua, khen thưởng với nhiều hoạt động cụ thể, đổi mới, nhằm động viên kịp thời đội ngũ trong quá trình hoạt động.
PV