Các diễn giả của chương trình.
Theo Ban tổ chức, buổi tọa đàm được tổ chức khi mà dịch COVID -19 tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô nói riêng.
Buổi chia sẻ có sự tham gia của các thành viên Ban chấp hành HANOIBA và các chuyên gia kinh tế: ông Nguyễn Phúc Long - Phó Chủ tịch HANOIBA, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long; Ông Trần Quang Hưng – Phó Chủ tịch HANOIBA; Ông Lưu Xuân Vĩnh - Ủy viên BCH HANOIBA, Giám đốc/ Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH Asia Legal; Ông Lê Quang Việt - Uỷ viên BCH HANOIBA, Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Trần Hưng Đạo; Ông Bùi Đình Như – Chủ tịch HDQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Tái cấu trúc Doanh nghiệp Việt Nam.
Để tăng hiệu quả, trước khi vào phiên chính thức, ông Nguyễn Phúc Long - Phó Chủ tịch HANOIBA, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long cho biết huy động vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay là một vấn đề lớn, cần thảo luận chuyên sâu, vì vậy buổi chia sẻ trực tuyến trong khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ này chỉ mang tính chất gợi mở, làm sao để cho các chủ doanh nghiệp có cái nhìn tổng quát nhất về việc huy động vốn cho doanh nghiệp của mình. Trong khuôn khổ chương trình, các Diễn giả sẽ tập trung vào 3 hình thức huy động vốn chính gồm: Huy động vốn từ các tổ chức tín dụng; Huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán; Huy động vốn khác: Thỏa thuận dân sự, nhà đầu tư cá nhân, Quỹ, M&A, Start – up..
Tọa đàm của Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội diễn ra theo hình thức trực tuyến
Đối với Huy động vốn từ các tổ chức tín dụng, Ông Lê Quang Việt - Uỷ viên BCH HANOIBA, Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Trần Hưng Đạo chia sẻ về 2 hình thức là vay vốn và phát hành trái phiếu.
Hình thức vay vốn, ông Việt cho biết lãi suất vay vốn trong khoảng 11% – 14%/năm, doanh nghiệp có thể trả nợ trước hạn, nhưng không được vay lại. Về khả năng tiếp cận vốn của thị trường, hình thức này chịu hoàn toàn những khống chế về chính sách tín dụng, tiền tệ của Nhà nước. Bên cạnh đó, ông Việt cũng chỉ ra các rủi ro của hình thức này khi huy động, xảy ra khi Ngân hàng hết room tín dụng (có khả năng xảy ra) hoặc khi không cân đủ nguồn để cho vay (ít có khả năng). Rủi ro sử dụng vốn, doanh nghiệp chỉ chịu lãi khi doanh nghiệp sử dụng vốn nhưng bị hạn chế bởi thời hạn rút vốn.
Hình thức phát hành trái phiếu, ít chịu ảnh hưởng từ những khống chế về chính sách tín dụng, tiền tệ của Nhà nước. Có thể mua lại trái phiếu (trả nợ trước hạn), nhưng đồng thời có thể bán ra thị trường trong trường hợp cần vốn theo kế hoạch, nằm trong thời hạn của trái phiếu. Lãi suất trái phiếu từ 8 - 11%/năm và phí phát hành trái phiếu 2%/tổng giá trị trái phiếu.
Theo ông Việt, rủi ro huy động vốn hình thức này xảy ra khi Ngân hàng hết room tín dụng (có khả năng xảy ra) hoặc khi không cân đủ nguồn để cho vay (ít có khả năng). Rủi ro sử dụng vốn, chịu lãi kể từ thời điểm bán được trái phiếu kể cả chưa sử dụng đến vốn huy động về.
Huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, theo ông Bùi Đình Như – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Tái cấu trúc Doanh nghiệp Việt Nam có 3 cách huy động vốn qua chứng khoán gồm: (1) Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), (2) phát hành thêm khi đã niêm yết trên sàn chứng khoán, (3) huy động vốn cửa sau.
Ông Như cũng chỉ ra một số thuận lợi khó khăn của doanh nghiệp niêm yết (qua thị trường chứng khoán) và doanh nghiệp chưa niêm yết (vay ngay hàng) khi huy động vốn. Doanh nghiệp niêm yết có ưu điểm là không hạn chế về quy mô, số lượng vốn huy động. Không phải hoàn trả vốn gốc dưới mọi hình thức, đồng thời không chịu áp lực về trả lãi suất và không cần tài sản đảm bảo.
Về hạn chế, doanh nghiệp niêm yết sẽ chịu áp lực về tính minh bạch hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính của doanh nghiệp. Áp lực đối với Lãnh đạo doanh nghiệp về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Cổ phiếu bị pha loãng do phát hành thêm cổ phiếu và chi trả cổ tức cho Cổ đông khi kinh doanh có lãi.
Còn doanh nghiệp chưa niêm yết có ưu điểm là không pha loãng quyền sở hữu khi công ty vay vốn, không có yêu cầu về số vốn điều lệ tối thiểu, không yêu cầu báo cáo tài chính buộc phải kiểm toán. Tuy nhiên, ở hình thức này số vốn huy động sẽ bị hạn chế, muốn vay phải có tài sản đảm bảo, áp lực về thời gian trả nợ gốc và áp lực về mức trả lãi suất cũng là điều đáng lo ngại. Ngoài ra, hồ sơ và thủ tục vay phức tạp, luôn đến hạn phải trả theo kỳ.
Chia sẻ về huy động vốn qua M&A, ông Lưu Xuân Vĩnh - Ủy viên BCH HANOIBA, Giám đốc/ Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH Asia Legal đã đưa ra những điểu cần lưu ý đối với doanh nghiệp.
Trước khi thực hiện mua bán sáp nhập, doanh nghiệp nên xử lý các vấn đề về vốn góp/vốn điều lệ. Xử lý các ngành nghề kinh doanh, hệ thống tài chính-kế toán,… Thuê các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp và có kinh nghiệm.
Về vấn đề này, ông Trần Đăng Nam, Chủ tịch HanoiBA cho biết, Hội cũng đang thảo luận, tìm cơ hội để hình thành quỹ đầu tư với mong muốn có nguồn lực hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp hội viên. Quỹ này sẽ kêu gọi sự tham gia của các hội viên và các doanh nghiệp bên ngoài.
“Tuy nhiên, đây vẫn là kế hoạch. Chúng tôi sẽ phải bàn bạc để có phương thức vận hành, quản lý hiệu quả”, ông Nam nói. Các hoạt động hỗ trợ hội viên chuyên sâu của Hanoi BA đang được xác định là một trong những nội dung chính của nhiệm kỳ 2021-2014 vừa được bắt đầu vào đầu tháng 6/2021.
Cũng tại buổi chia sẻ trực tuyến "Một số giải pháp huy động vốn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay ", Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đã ra mắt Tiểu ban Tư vấn Pháp lý và gọi vốn do ông Lưu Xuân Vĩnh - Ủy viên BCH HANOIBA, Giám đốc/ Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH Asia Legal làm Trưởng Tiểu ban. Phó Tiểu ban gồm ông Bùi Quang Minh - Ủy viên BCH/ TGĐ Công ty CP TM Dịch vụ Ô tô Hòa Bình Minh và Ông Lê Quang Việt - Uỷ viên BCH/Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội Chi nhánh Trần Hưng Đạo. Ban này có nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn cho các Hội Viên Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội về các vấn đề Pháp lý và huy động vốn.
Quang Văn