Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội: Tái tạo - đổi mới để bứt phá

Thứ sáu, 04/03/2022 - 18:12

TNV - Trong khuôn khổ Chương trình “Xuân Đoàn Viên HanoiBA 2022” đã diễn ra Chương trình Tọa đàm “Tái tạo, Đổi mới để bứt phá” nhằm trao đổi kinh nghiệm vượt khó, truyền lửa nhiệt huyết để Doanh nhân trẻ có thể tái tạo chính mình, mới hơn, trẻ hơn, bứt phá đến thành công tại Hà Nội vừa qua.

Các diễn giả và khách mời tham gia Chương trình Tọa đàm “Tái tạo, Đổi mới để bứt phá”

Chương trình Tọa đàm “Tái tạo, Đổi mới để bứt phá” đã quy tụ được những Doanh nhân danh tiếng và giàu cảm hứng như: Anh Nguyễn Cảnh Hồng - Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Tổng Giám đốc Công ty CP Eurowindow; Anh Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Khóa IV, Phó Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái; Chị Đoàn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Hiệp Hội Nữ Doanh nhân Hà Nội; Anh Phạm Văn Thinh - Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam; Anh Nguyễn Khoa Bảo - Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Khóa VIII, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty FSI. Cùng người điều phối chương trình, Anh Nguyễn Bá Tưởng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chủ tịch EduGo Group.

Phát biểu đề dẫn mở đầu Toạ đàm, diễn giả Phạm Văn Thinh - Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam trích dẫn Peter Drucker: “Sự nguy hiểm nhất của cuộc khủng hoảng không phải là tác động của khủng hoảng, mà chính là giải quyết khủng hoảng theo tư duy lối mòn”.

Tại phần 1: “Trong nguy có cơ”, anh Thinh đã đưa ra những số liệu nghiên cứu về các chỉ số kinh tế vĩ mô của năm 2021 cho thấy tín hiệu lạc quan bất chấp đại dịch. Tại phần 2: “Tái thiết tương lai”, sau khi đánh giá tổng quan cơ hội phục hồi của kinh tế thế giới, diễn giả đã chỉ ra và phân tích 3 động lực tăng trưởng của Việt Nam: Tăng cường tiêm phủ vaccine mạnh mẽ và rộng khắp; Phục hồi xuất khẩu ở Châu á dựa trên việc phục hồi chuỗi cung ứng và tác động của các FTA.

Chính sách tài khóa và tiền tệ: Chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỉ đồng cho 2022 và 2023, ưu tiên hỗ trợ vay ưu đãi, nâng cao cơ sở hạ tầng y tế; giảm thuế suất GTGT cho nhiều hàng hóa dịch vụ từ 10% xuống 8% trong 2022; Tiếp tục cơ cấu nợ, miễn giảm lãi vay từ 0,5 - 1% trong 2022 và 2023.

Diễn giả đánh giá các xu hướng tái thiết tương lai dựa trên khảo sát của 500 CEO danh tiếng toàn cầu: Đại dịch có thể kết thúc vào giữa năm 2022 hoặc đầu năm 2023; Mức độ tăng trưởng trong thời gian tới là vô cùng mạnh mẽ; Các thách thức về lao động; Phát triển bền vững; Rủi ro khác về an ninh mạng, bảo mật thông tin. Từ đó nhận định những việc mà các SME Việt Nam cần làm: Chuyển đổi số; Tái cấu trúc; Văn hóa doanh nghiệp; Quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro.

Anh Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch HanoiBA Khóa IV, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ tại chương trình

Tại phần thảo luận: Người điều phối chương trình, anh Nguyễn Bá Tưởng đặt vấn đề, trong đại dịch sẽ phân ra 03 nhóm doanh nghiệp: Nhóm bị ảnh hưởng nặng nề; Nhóm ít bị ảnh hưởng; Nhóm hưởng lợi, tăng trưởng đột phá. Các diễn giả và khán giả sau khi được khảo sát đã cho thấy các doanh nghiệp có mặt phân bố đều ở các nhóm. Các diễn giả đồng thời cũng đưa ra những từ khoá để vận hành Doanh nghiệp vượt qua đại địch như: Chuyển đổi số, dịch chuyển nhân sự, cắt giảm chi phí, thích ứng.

Anh Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch HanoiBA Khóa IV, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái chia sẻ 5 nội dung tái tạo tư duy gồm: Doanh nghiệp trẻ cần coi việc thích ứng, vượt qua khủng hoảng là chuyện bình thường, doanh nhân đương nhiên phải đương đầu; Doanh nghiệp trẻ cần nghĩ về chiến lược, phương pháp, tăng độ tư duy để đạt được hiệu quả thay vì chỉ mải miết làm; Doanh nghiệp trẻ cần phải hợp tác mới mong làm được việc lớn, tăng trưởng mạnh, phải làm sao để 1+1 = 3, thậm chí 1+1=11; Cần quan tâm đến việc tìm người kế tục doanh nghiệp, không phải chỉ là người trong gia đình mà hãy tìm ra người giỏi nhất, phù hợp nhất để kế nghiệp; Luôn có tinh thần học hỏi, cầu thị, không được ngủ quên trên thành công. Thành công đến một cách liên tục có thể là chỉ báo của thất bại sắp đến.

Về vấn đề hợp tác giữa các doanh nghiệp để đạt hiệu quả trong kinh doanh, anh Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, Tổng Giám đốc Công ty CP Eurowindow cho rằng: Chuyện làm Hội thì có 2 vấn đề: phong trào giờ phải đi liền với các việc thực chất bằng 2 thứ là gắn kết và chia sẻ: Gắn kết chính là tham gia hội để có thể có kết nối với nhau, Chia sẻ là chia sẻ kiến thức, cơ hội. Anh lấy ví dụ như việc CLB Sao Đỏ và HanoiBA ký kết hợp tác phải đi vào những việc cụ thể, làm lợi cho doanh nghiệp của nhau, đồng thời giúp nhau mở rộng các kết nối, đối tác. Một ví dụ cụ thể khác về hợp tác khi tham gia Hội là các Doanh nghiệp trong Doanh nhân trẻ chúng tôi cùng lập công ty Cổ phần để làm nông nghiệp.

Anh Trần Đăng Nam - Chủ tịch HĐQT Dolphin Sea Air Services đồng thời cũng là Chủ tịch Hội DNT Hà Nội nhiệm kỳ này chia sẻ tại chương trình.

Nhưng để có sự liên kết thực chất, theo anh Trần Đăng Nam, Chủ tịch HĐQT Dolphin Sea Air Services đồng thời cũng là Chủ tịch Hội DNT Hà Nội nhiệm kỳ này, phải bắt đầu bằng tư duy, bằng đổi mới. “Doanh nghiệp muốn liên kết, muốn phát triển thì trước hết phải tái tạo, đổi mới để phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế sau đại dịch. Không thể bắt đối tác hợp tác hay liên kết với mình nếu trình độ của doanh nghiệp không phù hợp” anh Nam chia sẻ.

Về vấn đề quản trị chi phí nhân sự và mặt bằng, chị Đoàn Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Hiệp Hội Nữ Doanh nhân Hà Nội, CEO Canifa cho biết: Nhân sự, tách bạch rõ lao động chính thức và thời vụ, cắt giảm lao động tại một số bộ phận quan trọng như R&D, nhưng hiệu quả, chất lượng công việc vẫn đảm bảo. Điều này cho thấy đại dịch cũng là cơ hội để cơ cấu lại những việc mà bình thường chúng ta không dám làm; Về Mặt bằng bán lẻ, phải đặt mọi cấp quản lý lãnh đạo vào thể phải đối mặt với thực trạng, tìm cách thương lượng để giảm chi phí mặt bằng. Trong thời gian qua, Canifa nhờ tái cơ cấu 2 vấn đề trên đã giảm được 30% chi phí. Đồng thời công ty đã thực hiện tái cấu trúc từ năm 2018, nhờ đó sẵn sàng đón nhận, thích nghi với đại dịch.

Về vấn đề chuyển đổi số, anh Nguyễn Khoa Bảo, Phó Chủ tịch HanoiBA, Phó Chủ tich HĐQT Công ty FSI cho biết: Để làm chuyển đổi số cho người khác thì phải chuyển đổi số chính mình và bắt đầu từ những vấn đề bức bách của công ty. Bản thân công ty đặt ra khẩu hiệu “Chuyển đổi số hay là chết”, và bắt đầu làm từ những điều nhỏ nhất. Anh Bảo nhận đinh rằng các SME thực ra mới là những đối tượng dễ làm chuyển đổi số, cần bắt đầu từ những thứ dễ dàng như quy trình thủ tục, số hóa hồ sơ. FSI sau 2 năm quyết tâm chuyển đổi số đã tiết kiệm được 32% chi phí, tạo ra sự minh bạch trong tổ chức, thuận tiện trong vận hành.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương phát biểu chia sẻ tại chương trình

Chuyển sang phần hỏi đáp, Tọa đàm đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, đồng tình từ các chuyên gia, doanh nhân uy tín cũng như các Hội viên. Anh Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, tâm đắc với các vấn đề chuyển giao thế hệ, chuyển đổi số, kết nối, không được ngủ quên trên chiến thắng. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, nhận định rằng cần thúc đẩy cải cách mạnh mẽ, áp dụng chuyển đổi số vào quản lý nhà nước, thủ tục hành chính, chuyển sang kinh tế số một cách thiết thực. Bên cạnh đó, cần tiếp tục đa dạng hóa, đa phương hóa, không phụ thuộc vào một vài thị trường. Đồng thời, hơn bao giờ hết Doanh nghiệp phải kết nối lẫn nhau, ít phụ thuộc và bên ngoài, hoặc phụ thuộc một cách đa dạng. Cuối cùng, bản thân chúng ta phải tự cải cách, tự đổi mới, phát huy thương hiệu dân tộc. Anh Nguyễn Bá Hải, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương cam kết cùng với hiệp hội triển khai các chương trình kết nối với các Hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài, đề nghị Doanh nghiệp cần trả lời nhanh và trúng các vấn đề mà Cục cần khảo sao. Anh cũng nhắn nhủ rằng DN có phát triển đến đâu cần chăm lo cho lao động vì sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các Doanh nghiệp nước ngoài.

Tại phần thảo luận, các Hội viên cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc làm thế nào để Doanh nghiệp Hội viên có thể liên kết được với nhau. Các diễn giả cũng thống nhất cho rằng việc tham gia Hội và coi văn phòng hội là đầu mối kết nối các doanh nghiệp chính là chìa khóa của mọi vấn đề.

Thanh Niên (tổng hợp)