Hội nghị Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thứ ba, 05/10/2021 - 14:55

TNV - Ngày 05/10 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế - 35 Hùng Vương, Hà Nội, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đồng chủ trì, tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội nghị được tổ chức nhằm tiếp thực hiện nhiệm vụ tại kết luận số 77-/KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước của Bộ Chính trị ban hành ngày 5 tháng 6 năm 2020. Bộ Công Thương thời gian qua đã tập trung, chủ động triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả nhiều giải pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tục triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động lưu thông, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa bền vững, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vẫn cần có nhiều hơn những giải pháp căn cơ, bài bản mang tính chất dài hạn trong thời gian tới thông qua tăng cường hoạt động đối thoại đa chiều để giải quyết vấn đề một cách thiết thực và hiệu quả.

TS.Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Đại dịch COVID-19 khởi nguồn vào cuối tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán thuộc miền Trung Trung Quốc đại lục, ngay sau đó đã nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới. Khác với 2020, khi dịch bệnh lan rộng ở Trung Quốc và các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ làm tê liệt các nền kinh tế này, thì giờ đây, 2021, khi các nền kinh tế lớn này đang trên đà phục hồi và mở cửa trở lại nhờ chiến dịch tiêm chủng trên diện rộng, thì tại châu Á, làn sóng COVID-19 tái bùng phát mạnh mẽ vào quý II và quý III năm 2021 tại các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Đài Loan, Philippines, Malaysia, Việt Nam đang tạo ra những nút thắt mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một lần nữa đe dọa và kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế hậu COVID-19.

Hội nghị với nội dung thảo luận xoay quanh các chủ đề như: Kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19; Tác động của dịch Covid-19 đến chuỗi cung ứng; Khuynh hướng thay đổi tiêu dùng tại Việt Nam; Công tác xúc tiến thương mại nhằm thực hiện nhiệm vụ kết nối tiêu thụ hàng nông sản chủ lực trong bối cảnh mới; Ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu kết nối cung cầu; Thách thức trong việc triển khai sản xuất cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh; Kinh nghiệm tiếp thị và xúc tiến bán hàng trong thời gian giãn cách xã hội;

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa ở cả chiều cung và cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn đến từ việc cầu tiêu dùng suy giảm cũng như cả vấn đề về nguồn cung nguyên vật liệu bị đứt gãy. Một số ngành công nghiệp chế biến chịu tác động mạnh: ngành dệt may do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, cầu giảm mạnh và xuất khẩu giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là xuất khẩu tới các thị trường chủ lực và truyền thống như Mỹ, EU; ngành da giày với đa số doanh nghiệp sản xuất da và các sản phẩm liên quan bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID- 19.

Tuy nhiên, nhờ có một giai đoạn tương đối dài tổ chức sản xuất trong trạng thái bình thường mới, xuất nhâp khẩu của Việt Nam trong năm 2020 vẫn đạt tăng trưởng tích cực khi kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước vượt sâu mốc 500 tỷ USD, đạt 545,4 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2019. 8 tháng đầu năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đạt 429,68 tỷ USD, tăng 27,5% (tương ứng tăng 92,62 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Điều này đã thể hiện được thành công bước đầu của Việt Nam khi cân bằng giữa việc duy trì hoạt động kinh tế và kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh, Việt Nam cũng được đánh giá là nền kinh tế có sức chống chịu thuộc nhóm tốt nhất khu vực và thế giới về khả năng duy trì tăng trưởng.

Bà Phạm Thùy Linh – Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam.

Cũng tại Hội nghị, bà Phạm Thùy Linh – Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam đã chia sẻ 1 số giải pháp đã thực hiện để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nội địa thông qua hệ thống phân phối bán lẻ, nhằm thích ứng trạng thái bình thường mới như: đặc biệt chú trọng đến việc duy trì ổn định giá cả và chương trình khuyến mại; Nhanh chóng thay đổi, tăng cường cho kênh bán hàng trực tuyến và đa kênh (omni channel); Duy trì kết nối trực tiếp với các địa phương, thậm chí cả tâm dịch như Hải Dương, Bắc Giang,... để thực hiện các chương trình kết nối tiêu thụ nông sản; Tăng dự trữ các mặt hàng thiết yếu, sẵn sàng với các nhu cầu tăng đột biến trong ngắn hạn và cuối cùng là quảng bá đến khắp cả nước để định hướng khách hàng nội địa thông qua các kênh online.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hỗ trợ thành công gần 20 địa phương trên cả nước tiêu thụ sản phẩm địa phương nói chung, nông sản tới vụ nói riêng qua việc phương thức phân phối kết hợp online - offline. Riêng trong Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều Bắc Giang đã có tới trên 9.000 tấn vải thiều được giao tới tay người tiêu dùng cả nước thông qua các Sàn thương mại điện tử với gần 1 triệu đơn hàng (không kể các nền tảng xã hội khác). Và tại chương trình này, lần đầu tiên mô hình kết hợp giữa thương mại truyền thống và thương mại điện tử đã được triển khai hết sức hiệu quả giữa BigC/Go với Tiki; Vinmart, Foodmap với Lazada. Mô hình này đã nhanh chóng được nhân rộng trong thời gian qua với các hình thức kết hợp ngày càng đa dạng, linh hoạt với tình hình thức tế. Vừa qua bưởi Phúc Trạch cũng tiêu thụ trên 1.000 tấn qua các nền tảng thương mại điện tử, góp phần tháo gỡ khó khăn cho bà con đất Hương Khê, Hà Tĩnh.

Có thể nói, thời gian qua với sự nỗ lực của nhiều bên từ Trung ương tới địa phương, các doanh nghiệp thương mại điện tử, doanh nghiệp logistic cũng như từng người dân, việc ứng dụng công nghệ mới, phương thức mới như thương mại điện tử vào trong hoạt động sản xuất kinh doanh đã phát huy được những kết quả đáng khích lệ.

Hội nghị lần này là cơ hội tốt để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cùng nhau trao đổi, đưa ra các giải pháp và đề xuất phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động lưu thông, kết nối tiêu thụ hàng hóa Việt tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Hải Hà