TNV - Sáng ngày 30/11 tại Hà Nội, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) phối hợp với Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Hiệp hội Gas Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị Kinh doanh khí: Tiến tới khuôn khổ pháp lý toàn diện thúc đẩy kinh doanh và phát triển thị trường.
Hội nghị được tổ chức với mục tiêu thu thập nhiều ý kiến phản biện, góp ý đến từ các nhà quản lý, doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu thông qua hoạt động trao đổi, thảo luận, đồng thời đưa ra các giải pháp tháo gỡ thách thức để hoàn thiện pháp lý thúc đẩy phát triển thị trường khí quốc gia.
Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương; Ông Trần Duy Đông - Vụ Trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương; TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh: Ông Trần Minh Loan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, các diễn giả đại diện các cơ quan trong Bộ, Ban ngành và doanh nghiệp trong lĩnh vực khí.
Ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW để Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đưa ra mục tiêu “Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững…; Xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Căn cứ Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 28/12/2020 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh. Theo đó, Đề án đã đưa ra cụ thể mục tiêu đối với thị trường khí “Từng bước xây dựng khung pháp lý làm cơ sở để triển khai mô hình kinh doanh cạnh tranh đối với hoạt động kinh doanh khí CNG, LPG và LNG”. Đồng thời, xác định rõ lộ trình phát triển thị trường khí trong giai đoạn 2021-2025: “Xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai quyền được thuê và sử dụng hạ tầng bên thứ ba bao gồm các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về kỹ thuật, thương mại, tài chính cần được hoàn thiện trước khi triển khai áp dụng”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thươngcho biết: “Thời gian vừa qua, hệ thống văn bản pháp lý về kinh doanh khí đã được thiết lập tương đối đầy đủ nhằm điều chỉnh các chủ thể tham gia kinh doanh khí, giúp các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương, địa phương và các doanh nghiệp kinh doanh khí có cơ sở triển khai, áp dụng, góp phần quan trọng đưa thị trường mặt hàng khí vào nề nếp, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng và xã hội”.
Toàn cảnh Hội nghị
Tuy nhiên, qua rà soát và thực tiễn thi hành, Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước nhận thấy một số chính sách cần sớm được xem xét, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với thực tiễn, một số quy định cần được thay thế, điều chỉnh để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với nhiệm vụ và mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã giao, ông Hải chia sẻ thêm.
Đánh giá tuân thủ quy định pháp luật về PCCC và An ninh trật tự trong kinh doanh khí, trung tá Nguyễn Công Thành – Phó trưởng phòng Công tác phòng cháy, Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Bộ công an cho biết: Nền công nghiệp khí đang có bước phát triển mạnh mẽ và bao trùm các mặt của đời sống xã hội. Theo thống kê, hiện nay trên cả nước có khoảng 26.266 cơ sở kinh doanh khí bao gồm: nhà máy chế biến/xử lý khí, kho chứa khí, trạm chiết nạp khí, trạm phân phối khí, cảng xuất/nhập khí và các cửa hàng kinh doanh chai chứa LPG, ngoài ra có hàng triệu hộ gia đình đang sử dụng sản phẩm có liên quan đến LPG phục vụ cho sinh hoạt.Về cơ bản, các cơ sở kinh doanh khí đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về PCCC, tuy nhiên trong quá trình sản xuất, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh khí vẫn một số tồn tại, thiếu sót và vi phạm về pháp luật PCCC.
Để tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC cho cơ sở kinh doanh khí trong thời gian tới ông Thành đưa ra một số giải pháp cụ thể như: Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC đã ban hành để phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu PCCC; Gắn liền quy hoạch về PCCC với các đề án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, quy hoạch đối với các cơ sở kinh doanh khí nói riêng ở địa phương, phù hợp với thực tiễn và các yêu cầu kỹ thuật bảo đảm an toàn PCCC; Tăng cường phối hợp giữa các Bộ ngành để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác PCCC và CNCH ở lĩnh vực kinhdoanh khí…
Trong thời gian tới, nhiệm vụ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý toàn diện về kinh doanh khí cần đạt được các yêu cầu sau: (1) Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các loại hình tổ chức, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực; (2) Hợp lý hóa các điều kiện kinh doanh; loại bỏ những điều kiện kinh doanh không còn phù hợp, không ban hành điều kiện kinh doanh trái quy định pháp luật, không đúng thẩm quyền; (3) Các quy định đưa ra phải đảm bảo yêu cầu rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện và có lộ trình tuân thủ phù hợp.
Hội nghị kinh doanh khí là cơ hội để các ý kiến góp ý, phản biện của các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp về khí được tiếp nhận, là nơi các lãnh đạo cơ quan, bộ, ban ngành gặp gỡ, thảo luận, từ đó tiếp tục hoàn thiện pháp luật nhằm tạo thuận lợi cho phát triển thị trường khí, góp phần cho sự phát triển năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Hải Hà