Hỏi nhanh đáp gọn cùng sinh viên 5 tốt

Thứ ba, 08/01/2019 - 02:10

TNV - Chuyện học và chơi, việc làm thêm, tình yêu thời sinh viên…của sinh viên 5 tốt cấp trung ương có gì khác 2,4 triệu sinh viên khác. Cùng trò chuyện với 3 sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp trung ương xem có gì khác biệt: bạn Nguyễn Quang Kiên, sinh viên Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật, ĐH Công nghệ TP HCM; bạn Chu Thị Vân Anh (tên thường gọi Chu), sinh viên Khoa Tiếng Anh,  ĐH Sư phạm Hà Nội; bạn Tòng Thị Nguyên, sinh viên chuyên ngành Lịch sử, ĐH Tây Bắc.

P.V: SV 5 tốt thì có gì có gì chưa tốt không nhỉ?

Nguyễn Quang Kiên : SV 5 tốt thì đôi lúc vẫn còn những khuyết điểm nhỏ chứ không hẳn là hoàn hảo về mọi mặt. Chẳng hạn như có những lúc bất khả kháng do sự cố về xe cộ hay đường xá mà mình sẽ đi học muộn. Nhưng sau lần đó sẽ phải rút kinh nghiệm và để tránh lặp lại những khuyết điểm đó.

Bạn Nguyễn Quang Kiên

Chu Thị Vân Anh: Số 5 biểu hiện cho những tiêu chuẩn hoàn hảo của SV thời đại mới, tuy nhiên, ai cũng có những khiếm khuyết nhất định. Chu tự nhận mình còn thiếu sót nhiều, tuy nhiên kể nhiều quá lộ hết, bật mí “tính xấu” nhất phải kể đến đó là đi học muộn.

Tòng Thị Nguyên : Một số việc vẫn chưa thực sự khéo léo, thi thoảng cũng đi học muộn, cười .

P.V: SV 5 tốt có phải là “mọt sách”?

Nguyễn Quang Kiên: Sách thật ra là một nguồn kiến thức rất bổ ích nhưng không phải sinh viên 5 tốt thì sẽ là một "mọt sách" bởi lẽ ngoài những kiến thức trong sách vở thì những trải nghiệm thực tế là điều đem lại cho chúng ta cách nhìn trực quan nhất về cuộc sống và những kiến thức trong sách vở sẽ được thực tế hơn.

Chu Thị Vân Anh: Sách chiếm một phần trong cuộc sống của mình, nhưng không phải tất cả. Chu luôn muốn tìm kiếm tri thức, trải nghiệm qua cuộc sống đời thực, học hỏi qua bạn bè và những mối quan hệ quanh mình. Mình luôn quan niệm, mỗi người là một cuốn sách, họ mang trong mình một câu chuyện dài, mình lựa bạn chơi cũng như lựa sách đọc. Tuy nhiên, cuốn sách dở cũng có cái hay, cuốn sách hay cũng có cái giở. Nhìn nhận ra được những điều đó từ người khác, coi những điều đẹp là đáng nể phục mà phấn đấu, tránh những điều sai, thì ấy mới là định nghĩa của từ “học”.

Tòng Thị Nguyên: SV 5 tốt không phải là mọt sách bởi, SV 5 tốt là danh hiệu công nhận sinh viên có những đóng góp, công hiến nỗ lực trên cả học tập, đạo đức, thể lực, tình nguyện, hội nhập. Nếu bạn chỉ học tập mà không tham gia tình nguyện, các hoạt động tập thể thì bạn sẽ khó có thể biết được những hoạt động thực tế ngoài sách vở.

P.V: SV 5 tốt thích đọc sách gì?

Nguyễn Quang Kiên: Mỗi người sẽ có cho mình một sở thích riêng và sách cũng vậy. Mình thích những cuốn truyện ngắn hay những cuốn sách về kỹ năng. Những cuốn sách này có thể giúp em cải thiện được các kỹ năng của mình.

Chu Thị Vân Anh: Hồi còn là SV năm nhất, Chu hay đọc truyện của tác gia Nguyễn Nhật Ánh, những mẩu chuyện nhỏ dễ thương mà chứa đựng những ý niệm, trải nghiệm của tác giá rất đáng nể phục. Gần đây, mình hay đọc những cuốn sách về văn hóa Anh-Mỹ, những cuốn truyện dài, tuyển tập thơ cổ Việt Nam. Tập thơ mình thích nhất là tập “Đóa Quỳnh Hư Ảo” của nhà thơ Lê Thị Kim và truyện dài “Xóm Lò Heo”-Nguyễn Trí Công.

Tòng Thị Nguyên: Mình là một SV dân tộc thiểu số, xuất phát điểm thấp nên việc được lựa chọn nhiều sách để đọc cũng có phần hạn chế hơn các bạn sinh viên ở các thành phố. Mình thường đọc nhiều loại sách khác nhau, mỗi loại sách đều có những kiến thức, những câu chuyện rất ý nghĩa. Song mình thích đọc những sách về chuyên ngành để nâng cao chuyên môn và những sách về trau dồi kĩ năng thực hành xã hội.

P.V: Tài lẻ của SV 5 tốt là gì?

Nguyễn Quang Kiên: Tài lẻ của mình chắc là thiên về handmade, mình thích và thường làm các đồ handmade như thiệp, bao lì xì,.. vừa giúp mình rèn được tính cẩn thận và kiên trì vừa giúp tạo ra những sản phẩm mình thích.

Chu Thị Vân Anh: Chu cực kì yêu thích ca hát, chơi guitar và sáo trúc. Ngoài ra, thời gian rảnh, Chu hay tập vẽ và chụp ảnh. Chu yêu Hà Nội, thấy thương mến nhất là cái lạnh khi vào Đông và con người nơi đây.

Bạn Chu Thị Vân Anh

Tòng Thị Nguyên: Mình không có tài lẻ gì nổi bật, nhưng niềm đam mê đối với các hoạt động Đoàn – Hội đã đưa em đến với nhiều bạn bè hơn và mình cũng học được rất nhiều điều từ các bạn ý. Hiện mình cũng là một nhân tố thể thao của khoa.  Hai năm liền đạt giải nhất nội dung chạy 800 m nữ của trường.

P.V: SV 5 tốt chắc luôn chỉn chu, gương mẫu?

Nguyễn Quang Kiên: Dù là sinh viên 5 tốt hay không thì mình vẫn chỉn chu khi tới trường, khi đi học hoặc tham gia các hoạt động. Sẽ cố gắng để bản thân mình có thể truyền cảm hứng được một ai đó ví dụ như sau những thành tích mình đạt được thì người khác có thể nhìn vào đó và phấn đấu để thay đổi và đạt được điều đó.

Chu Thị Vân Anh: Tính của Chu rất chỉn chu, gọn gàng. Dù là một món ăn Chu làm cũng phải bài trí thật đẹp mắt! Các bạn thường hỏi: “Có nhất thiết phải tốn công trình bày như vậy không?” Với mình, câu trả lời nằm ở cá tính. Mình lựa chọn cho mình sự chỉn chu như vậy và mình hài lòng với điều đó. Không ai là không yêu thích cái đẹp, đúng không nào?

Tòng Thị Nguyên: Bản thân em luôn xác định rõ mục tiêu, động cơ thái độ học tập, luôn là một cán bộ lớp gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động của lớp, song có lẽ đồng hồ sinh học của em hơi khác với các bạn một xíu bởi các bạn cùng phòng hay gọi em với biệt danh là “Cú đêm” (thức khuya, dậy sớm).

P.V: SV 5 tốt nghĩ gì về câu: “học không chơi đánh rơi tuổi trẻ, chơi không học bán rẻ tương lai”?

Nguyễn Quang Kiên: Câu đó nếu nghĩ theo một khía cạnh tích cực thì sẽ là trong thời gian học cần có những khoảng thời gian vui chơi, tham gia các hoạt động thể dục  thể thao, các họat động xã hội nhưng vẫn nên quan tâm việc học để tránh bị lơ là và làm ảnh hưởng đến kết quả học tập của bản thân mình.

Chu Thị Vân Anh: Theo thế giới quan của mình, câu nhận định trên rất thực tế mà ý nghĩa. Vì “học không chơi đánh rơi tuổi trẻ, chơi không học bán rẻ tương lai”, nên“thôi thì ta chọn cả hai, vừa chơi vừa học tương lai huy hoàng.”

Tòng Thị Nguyên: Thực ra bản thân mình học và chơi theo cách riêng của mình, là một người khá ham vui, ham chơi, làm gì mình cũng rất nhiệt tình. Chúng ta có thể vừa học vừa chơi mà. Chọn trò chơi, chọn cách chơi, chọn bạn chơi.  Chọn thầy học, học đúng lúc, đúng thời điểm. Hãy tham gia các CLB, đội, nhóm, để tìm những bạn có cùng chung niềm đam mê và sở thích giống mình cùng chơi vui vẻ, học tập hiệu quả.

P.V: SV 5 tốt đã từng đi làm thêm chưa, làm gì?

Nguyễn Quang Kiên: Mình đã từng đi làm thêm ở một công ty kiến trúc, đúng với chuyên ngành của mình. Làm thêm không phải là một điều xấu, nếu biết cân bằng giữa việc học và thời gian đi làm thêm thì có thể trang trải một phần kinh tế trong thời gian đi học.

Chu Thị Vân Anh: Gia đình mình có 6 chị em gái nên ba mẹ luôn hướng cho các chị em tự lập từ sớm. Năm 17 tuổi mình đi bốc sắt, cân tôn cho một xí nghiệp ở quê. Khi vào ĐH Sư phạm, ba mẹ muốn mình độc lập tài chính càng sớm càng tốt, nên ngoài những chi phí cần thiết, mình nhận gia sư cho các bạn học sinh đủ lứa tuổi, cũng được hơn gần 4 năm tới tận bây giờ.

Tòng Thị Nguyên: Em sinh gia trong gia đình có đông anh chị em, nên việc vào đại học của em để đi học giống như các bạn cùng chăng lứa là việc rất khó, em cũng đã phải đấu tranh với bố rất nhiều, bố em thường nói: “Con gái học làm gì nhiều, nhìn bạn bè mày kìa”...  Chính vì lẽ đó em càng phải nỗ lực hơn, nên ngoài học tập em còn đi làm thêm từ việc đi gia sư, rửa bát, bưng bê, phát tờ rơi..

Bạn Tòng Thị Nguyên

P.V: Bạn thường làm gì vào dịp Tết?

Nguyễn Quang Kiên: Tết thì em thường ở nhà nhiều hơn, vì khoảng thời gian đi học đại học xa nên về nhà chỉ khoảng 2,3 lần/năm. Nên em tận dụng thời gian được nghỉ để ở nhà nhiều hơn sau những thời gian gặp gỡ bạn bè, người thân.

Chu Thị Vân Anh: Tết Chu về quê với ba mẹ, các chị mình lấy chồng cả rồi, nên Chu hay dành thời gian nghỉ tết để về thật sớm với mẹ: giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa, sắm đồ lễ tết, và đặc biệt là học làm bánh chưng với ba. Tết cũng chính là dịp để mình có thể hội họp với các bạn chung trường cấp 3, cùng nhau tới thăm thầy cô.

Tòng Thị Nguyên: Hàng năm cứ vào dịp mùa xuân chúng mình lại tham gia chương trình tình nguyện mùa xuân, tết ấm đến muôn nơi..đến  những bản làng vùng cao. Khi được nghỉ tết mình về với gia đình để gói những gói bánh chưng để dâng lên tổ tiên, sum họp bên gia đình bởi lẽ khi đi học em cũng rất ít khi được về.

P.V: Bạn nghĩ gì về tình yêu thời SV?

Nguyễn Quang Kiên: Tình yêu thời SV không xấu đâu, tình yêu thời sinh viên đôi lúc sẽ là động lực để cả hai cùng phấn đấu, cùng nhau đạt đến những cột mốc đẹp cho thời sinh viên của cả hai.

Chu Thị Vân Anh: SV không có tình yêu như một quyển vở trắng, không có dòng kẻ, không có những nét bút nguệch ngoạc, những nét màu vẽ đủ sắc. Khi có cảm xúc với người bạn khác giới, chúng ta sẽ học được cách yêu thương đong đầy, học được cả cách vượt qua những nỗi đau về mặt cảm xúc khi vấp ngã. Tuy nhiên, sinh viên Việt Nam cần chú trọng và giữ gìn tình yêu của mình ở mức an hòa. Điều đó có nghĩa là chúng ta vẫn phải giữ vững kết quả học tập và công việc bên ngoài của mình. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta càng không được đi quá xa, không quá lụy hay suy nghĩ thiển cận, làm hại bản thân, bạn bè và xã hội khi cảm xúc bồng bột. Có rất nhiều vụ án gần đây đã xảy ra dưới phạm trù tình yêu sinh viên, mỗi khi đọc tin tức như vậy, mình lại cảm thấy vô cùng xót xa.

Tòng Thị Nguyên: Nói ra thì chắc mọi người cười mình, nhưng mà trong 4 năm đại học em không có nổi một mối tình nào. Bởi lẽ, kể từ khi bước chân vào giảng đường đại học bản thân em cũng đã đặt mục tiêu, phấn đấu. Mình cũng không có thời gian để dành cho người bạn đó, thậm trí mình cũng đã bỏ qua rất nhiều cơ hội tình cảm. Mình sợ sẽ ảnh hưởng đến việc học tập, rèn luyện và tham gia các hoạt động của mình. Có lẽ mình hơi cá tính.

Nhưng tình yêu thời sinh viên cũng rất nhiều điều hay, có thể cùng nhau học tập, cùng nhau tham gia các CLB đội nhóm, cùng đi làm thêm, ... có một người cùng chia sẻ những khó khăn của cuộc sống xa nhà. Song mình nghĩ yêu ở một chừng mực nhất định.

P.V: Việc đầu tiên của bạn sau khi nhận học bổng là gì?

Nguyễn Quang Kiên: Việc đầu tiên mà mình nghĩ sau khi nhận được học bổng là sẽ thông báo cho ba mẹ biết vì ba mẹ là người đứng sau quãng thời gian sinh viên của mình. Nên mình muốn ba mẹ sẽ tự hào về mình, về những điều mình đã đạt được sau 5 năm học.

Chu Thị Vân Anh: May mắn khi được học bổng từ các dự án, các chương trình giao lưu trao đổi, hay học bổng học tập, mình thường khoe với mẹ mình đầu tiên. Mỗi lần như vậy mẹ mình rất vui. Khi là về mặt tài chính, mình hay dành một khoản để mua quà cho ba mẹ, thầy cô dẫn dắt-những người đã giúp đỡ và động viên mình rất nhiều.

Tòng Thị Nguyên: Đến thời điểm này em đã có 6 lần nhận học bổng của nhà trường, và việc đầu tiên, sau mỗi lần đó là em sẽ ra thư viện để mua sách.

Tối 7/1, tại Hà Nội, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam (SVVN) tuyên dương 190 sinh viên và danh hiệu “Tập thể Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương năm 2018 cho 11 tập thể;137 sinh viên là cán bộ Đoàn - Hội nhận giải thưởng Sao Tháng giêng năm 2018.

Khánh Toàn (thực hiện)