Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập”.

Thứ bảy, 07/10/2017 - 08:57

TNV  - Sáng n gày mùng 6 /10 tại Hà Nội, Bộ Công t hương đã tổ chức Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải  cho biết: Xác định rõ được tầm quan trọng của Chuỗi cung ứng, Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương xây dựng cơ chế, chính sách, cũng như các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng bền vững.

anh 1

Theo đó, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng một số Đề án, Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa, như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”; Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020; Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia; Chương trình Khuyến công quốc gia đến năm 2020; Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2015 - 2020 và một số chương trình liên kết vùng miền, bình ổn thị trường của các tỉnh, thành phố.

Tại Hội thảo,các diễn giả đã chia sẻ những thông tin về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập; thông tin về kinh nghiệm hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của địa phương; kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công trong công tác phát triển mở rộng thị trường; kinh nghiệm của các doanh nghiệp phân phối về các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng; vàgiới thiệu những thông tin cơ bản của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mở rộng thị trường.

anh 2

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) phát biểu: “Cái khó nhất hiện nay là hàng hóa có chất lượng không, giá có tốt hay không? Thực ra, hiện nay chuỗi phải đi tìm hàng hóa”.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng có ý kiến: Để tham gia vào chuỗi cung ứng đòi hỏi sản phẩm của các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí về tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như phải đảm bảo yêu cầu về An toàn vệ sinh thực phẩm.

Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập” được đánh giá là thiết thực, góp phần định hình rõ nét hơn hiện trạng và khả năng của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh Việt Nam có trên 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đã và đang gặp khó khăn về vốn, về công nghệ, thiếu trình độ quản lý, thiếu sự liên kết - đây là những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp khi tham gia chuỗi cung ứng và hội nhập kinh tế thế giới.

Ý kiến đóng góp của các diễn giả và người tham gia Hội thảo sẽ được Ban tổ chức tổng hợp và chuyển đến các bên liên quan, những người có trách nhiệm; qua đó, góp phần tham mưu xây dựng chính sách tạo thuận lợi hóa cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng ở các cấp độ và quy mô phù hợp.

Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập” là một trong những hoạt động thuộc Chương trình Nhận diện hàng việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2017 do Tạp chí Công Thương thực hiện theo Quyết định số 72/QĐ-BCT ngày 11 tháng 01 năm 2017 của Bộ Công Thương thuộc Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020

PV