Hội thảo "Chống hàng giả, hàng nhái và Bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ"

Thứ năm, 07/06/2018 - 09:03

TNV - Hưởng ứng phong trào phòng chống hàng giả, hàng nhái, Trung tâm Ứng dụng Công nghệ Khai thác quyền Sở hữu Trí tuệ (IPTA) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức “Hội thảo Chống hàng giả, hàng nhái và Bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ” vào sáng ngày 6 tháng 6 tại Hà Nội.

Vấn nạn hàng giả, hàng “nhái”, hàng kém chất lượng luôn là vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực của nó mang lại cho xã hội không nhỏ, như: Ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính người tiêu dùng (NTD), đồng thời làm giảm tính minh bạch của thị trường hàng hóa và giảm uy tín của nhà sản xuất.

anh 1 Toàn cảnh Hội thảo

Ông Nguyễn Minh Phương, Cục Sở hữu Trí tuệ (SHTT) cho biết: Theo báo cáo của các cơ quan thực thi cũng như các vụ việc đã được gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị cung cấp ý kiến chuyên môn cho thấy: Tình hình sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm SHTT diễn ra ngày càng phức tạp. Các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm SHTT xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất nhập khẩu, xảy ra với mọi loại hàng hóa từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng quan trọng như: Thuốc chữa bệnh, thực phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm chức năng (làm đẹp cho phụ nữ), mỹ phẩm, phân bón, thuốc trừ sâu... Vì mục tiêu lợi nhuận, nên việc làm giả các sản phẩm được bảo hộ trở thành hiện tượng phổ biến. Hàng hóa nào có thương hiệu, có lợi nhuận, có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng thì lập tức có hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Còn theo  ông Nguyễn Mạnh Hùng , Phó chủ tịch, Tổng thư ký, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ NTD Việt Nam,  tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả đang càng ngày phức tạp, NTD rất lung túng trước một thị trường hàng hóa phong phú đa dạng, nhưng thật giả khó lường. Có thể thấy hàng giả xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã hội. Từ hàng tiêu dùng đến vật tư, máy móc thiết bị, tiền, văn bằng, chứng chỉ; đặc biệt hàng giả có liên quan đến sức khỏe, tính mạng NTD như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng…

anh 2 Các cơ quan chức năng tiêu hủy hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng

Cũng theo ông Hùng vấn đề chống hàng giả không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, hay của Nhà nước, nó còn là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh và toàn xã hội. Bởi nó đang gây thiệt hại to lớn và bức xúc cho xã hội, cần phải kịp thời ngăn chặn. Mặt khác do lợi nhuận cao, hàng giả như một loại “ký sinh trùng” sống nhờ vào hàng thật, luôn thay đổi để “kháng thuốc”, tồn tại một cách dai dẳng, nên phải xác định chống hàng giả là công việc lâu dài, từ đó có biện pháp phù hợp.

Tại Hội thảo ông Nguyễn Minh Phương cũng đưa ra một số giải pháp đối với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn việc xâm phạm về SHTT:

Cần phổ biến tuyên truyền cho người dân, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Công tác giáo dục, phổ biến tuyên truyền pháp luật được thực hiện tốt sẽ góp phần tạo nên những chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật trong nhân dân và cán bộ, công chức nhà nước. Thường xuyên hướng dẫn người tiêu dùng nhận biết và phân biệt được giữa hàng thật và hàng giả thông qua đài, báo... các buổi triển lãm hàng thật, hàng giả. Vận động, triển khai việc ký cam kết không kinh doanh, tàng trữ hàng giả, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ;

Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức vững mạnh và tinh nhuệ; tập trung đào tạo và đào tạo lại nguồn cán bộ theo hướng nâng cao trình độ và năng lực công tác. Tổ chức các lớp bồi dưỡng tập huấn chuyên môn nghiệp vụ kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ cho cán bộ thực thi.

Phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng và với doanh nghiệp, chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp.

Tăng cường kiểm soát và kiểm tra các cơ sở in ấn bao bì, nhãn mác, cơ sở cung ứng nguyên liệu có vi phạm vì đây là nguồn cung cấp bán sản phẩm làm hàng giả.

Tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm thực thi quyền sở hữu trí tuệ của những nước phát triển.

Hội thảo cũng là nơi giúp các doanh nghiệp kết nối, trình bày, chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong sản xuất kinh doanh cũng như những giải pháp, đề xuất có liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Từ những ý kiến, kiến nghị và đề xuất mà các doanh nghiệp đưa ra, các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ và các Bộ ngành sẽ nghiên cứu để từng bước hoàn thiện các quy định, các cơ chế chính sách trong phòng, chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cùng nhau chung tay đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn biến phức tạp góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp và lợi ích cho người tiêu dùng.

Bùi Hạnh