TNV - Trong hai ngày mùng 6 và 7 tháng 6, Cục Xúc tiến thương mại, ITC và UPS (United Parcel Service) triển khai Dự án “ITC SheTrades và UPS” và tổ chức Hội thảo “Chuẩn bị cho các doanh nghiệp xuất khẩu” tại Khách sạn Bảo Sơn, Hà Nội.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, chiếm hơn 98% tổng số doanh nghiệp, đóng góp 40% GDP và tạo ra 50% số lượng việc làm cho xã hội (Chương trình nghiên cứu của Thụy Sĩ về các vấn đề phát triển toàn cầu, Việc làm và Chất lượng tại Việt Nam). Dựa trên dữ liệu Tổng điều tra Doanh nghiệp năm 2014 của Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có 95.906 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, chiếm khoảng 21% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Các doanh nghiệp này đang đóng góp cho tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo mục tiêu phát triển, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, trong đó có 350.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Diễn giả phát biểu tại Hội thảo.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2017, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam nhìn chung đang hỗ trợ phụ nữ làm kinh doanh. Việt Nam tự hào có truyền thống lâu đời về phụ nữ tham gia hoạt động kinh doanh, và so với nhiều nền kinh tế tương tự, Việt Nam có ít sự khác biệt giữa địa vị pháp lý của nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, các thách thức mà phụ nữ phải đối mặt trong việc điều hành doanh nghiệp vẫn trực tiếp tác động đến các cơ hội kinh doanh và khả năng tiếp cận nguồn tài chính.
Hội thảo nhằm tạo ra một hệ sinh thái các giải pháp tích hợp tại Việt Nam, hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp với các hoạt động mang lại lợi ích cho phụ nữ (công ăn việc làm, cơ hội nghề nghiệp...), các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các doanh nghiệp trẻ đáp ứng các tiêu chí trên.
Toàn cảnh Hội thảo.
Thông qua Hội thảo đã hướng đến việc hội nhập sâu rộng hơn trong thương mại và đầu tư, với mục tiêu kết nối với 3 triệu phụ nữ với thị trường thế giới vào năm 2021 thông qua Kế hoạch “7 Hoạt động toàn cầu”.
Dự án triển khai tại Việt Nam sẽ được thiết kế các hoạt động thiết thực, dựa trên nhu cầu thực tế để hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và các tổ chức hỗ trợ thương mại. Đặc biệt, Dự án tập trung cải thiện khả năng cạnh tranh, cung cấp các giải pháp về logistics thương mại và hỗ trợ hình thành một hệ sinh thái gắn kết nhằm tạo ra các cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.
Các gian hàng, mô hình khởi nghiệp của phụ nữ.
Hội thảo tập trung vào một số nội dung như: Hiểu rõ về lợi ích khi tham gia và hưởng lợi từ Dự án; Nâng cao hiểu biết về khả năng cạnh tranh thương mại và giao dịch xuất khẩu cho các doanh nghiệp; Hiểu và triển khai hiệu quả kế hoạch logistics có lợi về chi phí trong xuất khẩu.
Hội thảo lần này cũng có sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu, doanh nghiệp hướng đến hỗ trợ phụ nữ, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, các Tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, các Bộ/Ngành và cơ quan liên quan.
Hội thảo là cơ hội cho các đại biểu nâng cao nhận thức về các doanh nghiệp hướng đến hỗ trợ phụ nữ, các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam.
T. H