TNV - Sáng 28/12, tại Hà Nội, Tạp chí Năng lượng sạch Việt Nam phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình Hội thảo “Dấu ấn COP26 và thách thức đặt ra đối với cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm Việt Nam”.
Hội thảo là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cùng nhau trao đổi, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các dự án năng lượng có quy mô lớn để thực thi triển khai cam kết tại COP26.
Các nội dung thảo luận xoay quanh các chủ đề: Kết quả COP26 và triển khai thực hiện kết quả tại Việt Nam; hiện trạng phát thải CO2 toàn cầu, cam kết và chiến lược thực hiện giảm phát thải của một số quốc gia trên thế giới; một số gợi ý chính sách và giải pháp thực thi các cam kết COP26; giảm phát thải CO2 đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tại Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia chia sẻ về thách thức trong triển khai COP26. TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh cho rằng triển khai COP26 còn thiếu cơ chế minh bạch cung cấp tài chính từ các nước phát triển.
Về kết quả COP26 và triển khai thực hiện kết quả tại Việt Nam, Hội nghị COP26 đánh dấu sự chuyển đổi mang tính đột phá trong mô hình phát triển trên thế giới, từ dựa trên năng lượng hoá thạch, sang phát triển ít phát thải, hướng tới phát thải ròng bằng "0".
Có thể khẳng định, Việt Nam đi đúng dòng chính của xu thế phát triển toàn cầu cùng với các nước phát triển có tiềm năng về kinh tế, công nghệ cao. Việc cam kết đưa phát thải ròng về “0” và tham gia cam kết mê-tan đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế, khai thông nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát
thải, đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển.
Vấn đề chuyển đổi sang năng lượng sạch và nhanh chóng chấm dứt sử dụng than được thúc đẩy mạnh mẽ. Các nguồn tài chính quốc tế cho phát triển điện than sẽ sớm chấm dứt và chuyển sang tập trung hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, duy trì, phát triển rừng và bảo vệ các hệ sinh thái.
Năng lượng xanh bảo vệ môi trường.
Cùng với Gói Thoả thuận khí hậu Katowice được thông qua tại COP24 năm 2018, Gói Thoả thuận khí hậu Glasgow được thông qua tại COP26, Bộ quy tắc hướng dẫn thực hiện Thoả thuận Paris đã cơ bản được hoàn thiện.
Các cam kết mạnh mẽ và những ý kiến đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam tại Hội nghị được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, mở ra nhiều cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, quá trình triển khai các mục tiêu này còn gặp nhiều thách thức cho Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Thách thứcđặt ra cho các nước đang phát triển là mục tiêu huy động được 100 tỷ USD/năm cam kết từ 2015 “có thể” được thực hiện vào 2023 trong khi đó đại dịch COVID-19 còn nhiều diễn biến khó lường, nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ chi cho các hoạt động giảm phát thải KNK vẫn ở mức cao trong khi nhu cầu chi cho thích ứng tại các nước đang phát triển rất lớn và rất cấp bách để đảm bảo có thể “tồn tại”.
“Còn thiếu Cơ chế minh bạch cung cấp tài chính từ các nước phát triển (để không tính trùng dòng về tài chính song phương, dòng về tài chính đa phương, dòng về huy động tài chính từ khu vực tư nhân, từ thị trường. Cùng với đó là vai trò của các Ngân hàng phát triển và các Ngân hàng thương mại tăng lên tuy nhiên đến nay điều kiện chưa rõ ràng", TS. Nguyễn Thị Diệu Trinh chia sẻ thêm.
Cũng tại Hội thảo, ông Hà Đăng Sơn -Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh, đưa ra một số đề xuất nhằm giảm phát thải CO2 đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm (CSSDNLT) tại Việt Nam. Theo ông, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tại Việt Nam cần có những chương trình tập huấn nhằm nâng cao nhận thức và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp thuộc nhóm CSSDNLTĐ để thực hiện tốt công tác kiểm kê và báo cáo. Các ngành liên quan cần nghiên cứu và đưa ra các hướng dẫn/định hướng cho các doanh nghiệp liên quan tới lộ trình net-zero của ngành mình.
“Bên cạnh đó, lộ trình net-zero cho các ngành cần chỉ rõ những hoạt động nào có thể tự thực hiện, và những hoạt động nào cần có sự hỗ trợ của quốc tế. Theo ông Sơn, các cơ chế, chính sách về tài chính – đặc biệt là tài chính carbon – có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy triển khai lộ trình net-zero”, ông Sơn khuyến nghị.
Hội thảo lần này sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế cùng nhau trao đổi đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các dự án năng lượng có quy mô lớn để thực thi triển khai cam kết tại COP26.
Hoàng Hà