Hội thảo “Đề xuất cơ chế huy động các nguồn tài chính trong nước cho các tổ chức xã hội trong hoạt động phòng chống HIV, Lao và Sốt rét”

Thứ năm, 24/08/2017 - 09:21

TNV- Ngày 23/8 tại Hà Nội, trong khuôn khổ dự án “Huy động các tổ chức xã hội vận động về tài chính cho hoạt động HIV, Lao và Sốt rét tại Việt Nam”, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) đã tổ chứcHội thảo “Đề xuất cơ chế huy động các nguồn tài chính trong nước cho các tổ chức xã hội trong hoạt động phòng chống HIV, Lao và Sốt Rét”.

Trước đây, hoạt động phòng chống HIV, Lao và Sốt rét ở Việt Nam chủ yếu do Nhà nước thực hiện và một phần kinh phí được cung cấp từ các nguồn tài trợ nước ngoài. Trong bối cảnh các nguồn viện trợ đang bị cắt giảm dần, điển hình là việc đầu tư cho HIV cho khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đã giảm 50%, thì tại Việt Nam, ngân sách quốc gia cần bù đắp ít nhất 50% phần con số sụt giảm.

file

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đang gặp phải nhiều khó khăn về hỗ trợ tài chính cho các hoạt động chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong đó có hoạt động phòng chống HIV, Lao và Sốt rét. Để khắc phục khó khăn này, Bảo hiểm Y tế (BHYT) là cơ chế tài chính trong nước hiệu quả cho các dịch vụ HIV, Lao và Sốt rét. Tuy nhiên, ngoài vấn đề về khả năng chi trả, còn nhiều rào cản về tiếp cận và sử dụng BHYT cần có sự tham gia của cả cộng đồng, trong đó có các tổ chức xã hội để khắc phục như: các nhóm chính không có giấy tờ tùy thân; bị kỳ thị và phân biệt đối xử khi sử dụng thẻ BHYT.

file1

“Vai trò của các tổ chức xã hội (TCXH) ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội mà Nhà nước “không với tới” hoặc kém hiệu quả trong đời sống của các cộng đồng dân cư”, đây là ý kiến nhận định của ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội. Các TCXH còn tham gia vận động chính sách và đại diện cho cộng đồng trong giải quyết các vấn đề xã hội, là cầu nối giữa Nhà nước với người dân, phản ánh nguyện vọng của nhân dân, phản biện xã hội, thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết trong nước và đối ngoại Quốc tế, .v.v..

file7

Cùng nhận định với ông Đặng Thuần Phong, ông Phan Văn Toàn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y Tế đánh giá cao vai trò của các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách về bảo hiểm y tế. Qua kinh nghiệm thực tế làm việc nhiều năm qua với Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng (SCDI), ông Toàn nhận định, các tổ chức xã hội “là cầu nối quan trọng giữa người dân với các cơ quan hoạch định chính sách; Hỗ trợ tích cực cho các đối tượng yếu thế tiếp cận với chính sách; và góp phần quan trọng trong việc phổ biến chính sách pháp luật đến với người dân, nhất là các đối tượng yếu thế”.

Tuy nhiên, cho đến nay, phần lớn nguồn lực tài chính cho các TCXH ở nước ta hiện nay là từ các nhà tài trợ nước ngoài. Nhờ nguồn tài chính này, năm 2016, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng, một trong những tổ chức phi chính phủ hoạt động hiệu quả và minh bạch nhất ở Việt Nam đã hỗ trợ được gần 50.000 người yếu thế tiếp cận các dịch vụ y tế, nâng cao hiểu biết, giảm kỳ thị và nâng cao năng lực bản thân và cộng đồng để hòa nhập xã hội, từ đó cuộc sống của họ đã có những cải thiện tích cực, đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước. Từ đó có thể thấy rằng, khoảng 191.000 các TCXH đang hoạt động đã và đang có đóng góp rất lớn trong công cuộc xây dựng đất nước.

file2

Việt Nam đã thoát nghèo. Tin vui này đồng nghĩa với nỗi lo. Trong hơn 2 năm tới, đến năm 2020, các nguồn viện trợ Quốc tế sẽ bị cắt giảm mạnh, nhiều tổ chức Quốc tế sẽ rút khỏi Việt Nam, gánh nặng tài chính lên các vấn đề xã hội là điều không tránh khỏi.

Thể hiện rõ như HIV. Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam (VAAC), tổng các nguồn viện trợ cho HIV tại Việt Nam sẽ bị cắt giảm từ trên 100 triệu đô   (2012) xuống còn 40 triệu đô (2019). 60% kinh phí sẽ bị cắt giảm. Hàng trăm ngàn người bệnh sẽ đứng trước nỗi lo thiếu kinh phí chữa bệnh, thiếu nguồn vật phẩm bảo đảm an toàn trong việc phòng chống lây nhiễm HIV, hàng trăm ngàn ông bố bà mẹ tương lai đang sống chung với HIV sẽ phải đối mặt với việc phòng tránh bệnh cho con em mình. Ở các nước khác, tình hình này đã từng xảy ra và diễn biến phức tạp. Bà Rodelyn Marte, Giám đốc Liên minh các tổ chức dịch vụ về AIDS tại châu Á - Thái Bình Dương (APCASO) cho biết, “Tại Ru-ma-ni, sau khi Quỹ Toàn cầu ngừng viện trợ vào năm 2010, chính phủ nước này đã không cung cấp tài chính để các TCXH tiếp tục thực hiện các chương trình giảm tác hại trong cộng đồng này dẫn đến tỷ lệ nhiễm HIV trong người tiêm chích ma tuý ở đây tăng mạnh – từ 3% năm 2010 lên 30% vào năm 2015”. Có thể chúng ta sẽ học được bài học từ sự thất bại này chăng?

Tiến sĩ Nghiêm Vũ Khải, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chỉ rõ “Có ba loại nguồn lực tài chính trong nước: Từ ngân sách nhà nước, từ các doanh nghiệp, và từ chính từng người dân... Các tổ chức xã hội cần làm sao liên kết với nhau, vận động để có được cơ chế phù hợp để có thể tiếp cận và huy động được các nguồn lực này”.

Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, Chống HIV/AIDS chia sẻ khó khăn trong huy động nguồn ngân sách nhà nước “Hiện nay Nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ cho đồng đẳng viên làm công tác phòng chống HIV/AIDS nhưng chỉ ở mức 500.000 đồng/tháng. Kinh phí thấp nên ít người tham gia, và rất khó bền vững. Cục đã đề xuất nhiều lần để tăng lên đến mức lương tối thiểu nhưng vẫn chưa được”.

Theo bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh - Giám đốc SCDI, trong bối cảnh nhà nước đang chủ trương cắt giảm biên chế, vai trò của các TCXH càng trở nên quan trọng. Nhưng để phát huy được vai trò của các tổ chức này, Nhà nước cần có các chính sách và cơ chế hiệu quả, để tạo điều kiện cho các tổ chức này tiếp cận và huy động được được nguồn lực tài chính trong nước, giảm tình trạng lệ thuộc vào các nguồn tài chính quốc tế, đóng góp vào sự phát triển của xã hội một cách bền vững.

BH