TNV - Ngày 16/12 tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức Hội thảo “Đừng để người chuyển giới mãi vô hình” và phát động cuộc thi báo chí viết về người chuyển giới năm 2020.
Ước tính hiện nay có khoảng 300.000 người chuyển giới tại Việt Nam. Những năm gần đây sự phát triển của phong trào quyền cho người LGBT (Người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới) đã giúp cải thiện đáng kể sự hiện diện và tiếng nói của các nhóm dân số người chuyển giới trong xã hội Việt Nam.Con số này hiện chỉ là số ước tính bởi người chuyển giới còn nhiều rào cản, không dám công khai mình.
TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã chia sẻ quá trình chuẩn bị dự án Luật Chuyển đổi giới tính. Ông cho biết: “Hồ sơ dự án Luật Chuyển đổi giới tính đã được chuẩn bị công phu, khoa học với sự tham gia ý kiến của cộng đồng người chuyển giới, hiện chỉ chờ Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng Luật và pháp lệnh hàng năm”, TS. Quang nói.
Nói về khó khăn trong cuộc sống cũng như các ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người chuyển giới ở Việt Nam hiện nay, Vụ trưởng Vụ Pháp chế phân tích, hiện có thực tế nhiều người chuyển giới thường tự mua hóc môn qua đường xách tay, qua mạng Internet, liều dùng do họ tự ấn định, nếu họ càng khao khát thay đổi, họ càng sử dụng nhiều…
Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Huy Quang, qua kết quả khảo sát, phần lớn những người chuyển giới nằm trong độ tuổi 21- 30 tuổi, là độ tuổi có nhu cầu làm đẹp và yêu đương mãnh liệt nhưng học vấn và thu nhập của nhóm đối tượng này tương đối thấp. Trong khi đó, hầu hết cách dịch vụ làm đẹp, chuyển đổi giới tính… lại rất cao.
“Với chi phí cho một cuộc phẫu thuật nâng ngực có thể từ 70 đến 100 triệu đồng và phẫu thuật vùng kín dao động từ 300 triệu đến 1 tỉ đồng là con số quá lớn so với thu nhập của phần lớn cộng đồng người chuyển giới. Nhiều người chấp nhận vay lãi và sống cả quãng đời còn lại trong nợ nần chỉ để có cuộc phẫu thuật như mong muốn”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nêu.Chưa kể, ngoài khó khăn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, người chuyển giới gặp nhiều rào cản trong tiếp cận tư vấn tâm lý.
Trước đó, thông tin về số lượng người Việt muốn chuyển đổi giới tính theo bà Định Thị Thu Thủy, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, hiện không thể có con số chính xác về số lượng người chuyển giới ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Theo bà Thủy, người chuyển giới phải đối mặt rất nhiều khó khăn như sự kỳ thị, phân biệt đối xử, tình yêu hôn nhân, cơ hội việc làm, các vấn đề pháp lý cũng như rủi ro về sức khỏe. Do chưa được pháp luật công nhận, họ buộc phải sử dụng các loại thuốc hormone trôi nổi ngoài thị trường theo cách truyền tai nhau. Thậm chí, đã có 8-10 người chuyển giới chết vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormone, tiêm silicon.
Tại Hội thảo, SCDI cũng đã phát động cuộc thi viết về người chuyển giới, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, cơ quan xây dựng và thực thi pháp luật, tổ chức… về người chuyển giới, giúp người chuyển giới tránh khỏi sự kỳ thị, phân biệt đối xử, cơ sở hội phát triển và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Mỗi tác giả chuyên và không chuyên được gửi 5 tác phẩm dự thi; các tác phẩm được đăng tải từ ngày 18/12/2019 đến hết ngày 25/4/2020. Dự kiến, lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 17/5/2020 với 1 Giải Nhất trị giá 10 triệu đồng cùng Kỷ niệm chương và Giấy chứng nhận; 2 Giải Nhì trị giá 7 triệu đồng cùng Kỷ niệm chương và Giấy chứng nhận; 3 Giải 3 trị giá 5 triệu đồng cùng Kỷ niệm chương và Giấy chứng nhận và 10 Giải Khuyến khích trị giá 2 triệu đồng cùng Kỷ niệm chương và Giấy chứng nhận.
An Hiếu