Hội thảo “Giải pháp xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn TNCS Hồ Chính Minh giai đoạn 2017 – 2022”

Thứ ba, 22/08/2017 - 21:13

TNV - Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI và có thêm, cơ sở lý luận, thực tiễn góp ý cho việc triển khai các mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Giải pháp xây dựng mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2022”.

Tham dự Hội thảo có đại diện của nhiều Tỉnh, Thành đoàn trong cả nước với nhiều tham luận, góp ý, kiến nghị và giải pháp cho việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế thanh niên trong giai đoạn 2017 - 2022.

anh 1 Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng – Bí thư Thường trực T.Ư Đoàn phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng – Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chia sẻ:  Vai trò của thanh niên tham gia phát triển kinh tế đã được chứng minh về cả lý luận và trong thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Thanh niên là nguồn nhân lực quyết định trong tất cả các thành phần kinh tế, các ngành kinh tế. Sự tham gia của thanh niên cũng như mong muốn của thanh niên đối với từng ngành kinh tế phản ánh sự chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội. Tổ chức, huy động thanh niên tham gia phát triển kinh tế không chỉ là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, mà còn là yêu cầu khách quan của đất nước, là nguyện vọng chính đáng, tự thân của thanh niên.

Đồng chí Hồ Tấn Đạt – đại diện cho Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Vấn đề khởi nghiệp đã và đang là câu chuyện thời sự của đất nước. Vấn đề khởi nghiệp được quan tâm và là đề tài thường xuyên được nhắc tới trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện nay. Sự quan tâm của chính phủ, chính quyền các địa phương đối với vấn đề khởi nghiệp cũng được thể hiện rõ nét. Cụ thể, năm 2016 được chính phủ chọn là Năm quốc gia khởi nghiệp với mục tiêu tạo ra làn sóng đầu tư thứ hai với Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. TP. Hồ Chính Minh cũng có những bước đi mạnh dạn trong việc chỉ đạo Thành đoàn – Hội LHTN Việt Nam – Hội Sinh viên - Hội Doanh nhân trẻ thành phố phát động chương trình “Thanh niên khởi nghiệp, xây dựng thành phố Hồ Chí Minh  - Thành phố khởi nghiệp – Lập nghiệp” giai đoạn 2017 – 2022.

Đồng chí cũng cho biết môi trường kinh doanh ở thành phố Hồ Chí minh rất sôi động. Vấn đề khỏi nghiệp của thanh niên cũng được các cấp chính quyển hết sức quan tâm. TP. Hồ Chí Minh đã có những sáng kiến, giải pháp cụ thể để đồng hành, hỗ trợ cho thanh niên khởi nghiệp, xây dựng các mô hình thanh niên khởi nghiệp trong đó chú trọng cả 2 nhánh khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, tiêu biểu như: Thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp; Hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp; Hoạt động vườn ươm tạo doanh nghiệp; Hoạt động đào tạo khởi nghiệp; Xúc tiến thương mại đầu tư; Truyền thông và các sự kiện khởi nghiệp.

Đại diện cho Tình đoàn Quảng Ninh – đồng chí Phó Bí thư Tinh đoàn phát biểu: Phát triển mô hình kinh tế là phương thức hiệu quả để tập hợp, đoàn kết thanh niên như: các Tổ hợp tác, trang trại trẻ.. Nhưng khó khăn ở các mô hình kinh tế thanh niên là tình chuyên nghiệp chưa cao. Tính bền vững còn kém. Sự tương tác, liên kết cho sản xuất ra sản phẩm và đầu ra còn yếu. Ý thức vươn lên thoát nghèo của một bộ phận thanh niên trong tỉnh còn nhiều vấn đề tồn tại. Thậm chí có một bộ phận không có ý chí vượt lên làm kinh tế, sức ỳ còn lớn.

Về nội dung, giải pháp đồng chí cũng kiến nghị: Trong tương lai những mô hình kinh tế truyền thống phải nghiên cứu, thay đổi cho phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế hiện nay mới có thể tồn tại và nhân rộng được. Vấn đề thanh niên phát triển kinh tế phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế của địa phương đặc biệt là vấn đề đầu ra cho các sản phẩm cây trồng và vật nuôi của thanh niên.

Đại diện của Tỉnh đoàn Bắc Giang cho biết: Các mô hình kinh tế của thanh niên ngoài một số thực sự có hiệu quả thì việc sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn diễn ra đặc là là vẫn chưa có sự liên kết về đầu ra cho sản phẩm. Trong thời gian tới Tình đoàn sẽ chú trọng phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới của thanh niên giai đoạn 2017 – 2022. Xây dựng đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp: Vốn, kiến thức, kỹ năng….

anh 2 Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ninh phát biểu ý kiến.

Tại Hội thảo PGS. TS Phan Trung Chính – Giảng viên HV CTQG Hồ Chí Minh có đôi lời chia sẻ: Đoàn không có chức năng làm kinh tế nhưng lại có chức năng tạo ra phong trào làm kinh tế trong thanh niên. Nhiệm kỳ vừa có 2 phong trào Xung kích và Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp đến nay vẫn đúng và trúng ở một số phương diện: Đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của Đảng về phát triển kinh tế; Đáp ứng mong muốn của Chính phủ là tạo điều kiện cho mọi đối tượng tham gia phát triển kinh tế. Đoàn thanh niên đại diện cho ¼ dân số không thể đứng ngoài cuộc; Thanh niên tham gia phát triển kinh tế đáp ứng được nguyện vọng của họ và yêu cầu của việc tập hợp, giáo dục thanh niên.

Trong thời gian tới, mô hình thanh niên phát triển kinh tế là rất cần thiết. Đoàn cũng cần làm rõ những tiêu chí của mô hình: Phải do thanh niên làm chủ; Có sự hỗ trợ của các cấp bộ Đoàn; Phải hoạt động trong lĩnh vực kinh tế; Phải đúng pháp luật. Một tiêu chí không kém phần quan trọng là: Xác định rõ ý nghĩa của mô hình; Đáp ứng được nhu cầu thực tế của thanh niên; Có hiệu quả về nhiều mặt; Có ý nghĩa và sức lan tỏa cao.

Trong thời gian qua, đã có nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong thực tiễn như mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên; Tổng đội thanh niên xung phong tham gia phát triển kinh tế; Làng thanh niên lập nghiệp; Đảo thanh niên; Trang trẻ …Trong từng giai đoạn lịch sử, những mô hình này đã có đóng góp nhất định, góp phần đáp ứng nguyện vọng lập thân, lập nghiệp của thanh niên và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

Bài, ảnh: BH