TNV - Ngày 16/08, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) – thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải – Phương án khả thi cho doanh nghiệp tại Khách sạn Sheraton, thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Mai Thị Tuyết Hạnh, Sở Tư pháp TP HCM chia sẻ tại Hội thảo.
Đây là chương trình thứ hai nằm trong chuỗi hội thảo giới thiệu về hoạt động trọng tài và hòa giải thương mại được VIAC cùng IFC phối hợp tổ chức sau thành công của hội thảo đầu tiên tại Đà Nẵng với hơn 80 đại biểu tham dự. Dự kiến sẽ có ít nhất 03 chương trình hội thảo tiếp theo được triển khai tại các tỉnh và thành phố lớn trên cả nước từ nay đến cuối năm.
Hội thảo có sự tham dự của gần 250 đại biểu là các đại diện đến từ các cơ quan nhà nước, các Hiệp hội Doanh nghiệp, các doanh nghiệp và luật sư, chuyên gia cũng như các cơ quan truyền thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Trần Du Lịch – Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh nỗ lực của VIAC, với tư cách là tổ chức giải quyết tranh chấp bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cung cấp các dịch vụ giải quyết tranh chấp chất lượng và hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam luôn là đơn vị đi tiên phong trong việc quảng bá phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải, tích cực chủ động trong việc tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định 22/2017/NĐ-CP; đã chủ động xây dựng mới Quy tắc Hoà giải đảm bảo tính tuân thủ Nghị định 22/2017/NĐ-CP và được Bộ Tư pháp bổ sung hoạt động hòa giải, ông khẳng định thêm.
Ông Trần Ngọc Liêm – Phó Giám đốc VCCI Việt Nam Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm hơn đến những phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án cũng như đánh giá cao các hoạt động của VIAC trong thời gian qua. VIAC không chỉ giúp các doanh nghiệp trong giải quyết tranh chấp mà còn là trung tâm trọng tài đi đầu trong các hoạt động tuyên truyền phổ biến pháp luật.
Còn bà Phạm Thị Thu Huyền - Chuyên gia cao cấp ngành tài chính phụ trách Chương trình Phát triển Cơ sở hạ tầng tài chính tại Việt Nam, Bộ Phận Phát triển thị trường tài chính và Nâng cao tính cạnh tranh và đổi mới, Sáng kiến chung của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới, Nhóm Ngân hàng Thế giới – cũng đã nhấn mạnh rằng việc giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài và hòa giải hiện nay được các doanh nhân trên thế giới ưa chuộng và IFC rất vui mừng, trong khuôn khổ hợp tác với VIAC, đã thành lập thành công Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) và hy vọng vào sự phát triển của VMC trong tương lai gần.
Cũng tại Hội thảo, bà Mai Thị Tuyết Hạnh – Phó Trưởng phòng Bổ trợ Tư pháp, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh đã cung cấp cho người nghe cái nhìn khái quát về hệ thống pháp luật tại Việt Nam hiện nay liên quan đến trọng tài và hòa giải thương mại cũng như sự ủng hộ của nhà nước đối với hai phương thức này.
Nhân dịp này, ông Phan Trọng Đạt - Phó Tổng Thư ký VIAC, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam VMC đã chia sẻ cho doanh nghiệp nhiều thông tin bổ ích với bài trình bày có với chủ đề "Trọng tài và Hòa giải thương mại - Vì sao Doanh nghiệp nên lựa chọn". Thông qua bài trình bày từ ông Đạt, Doanh nghiệp có thể hiểu thêm nhiều ưu điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải như tính nhanh chóng, tính bí mật, tính thân thiện với các bên tranh chấp và đặc biệt là khả năng thi hành hiệu quả.
Hiện nay, tất cả các thông tin liên quan đến Quy tắc VIAC, Biểu phí Trọng tài VIAC, Danh sách Trọng tài viên VIAC, Quy tắc VMC, Biểu phí Hòa giải VMC, Danh sách Hòa giải viên VMC và các thông tin liên quan được đăng tải trên trang thông tin điện tử: www.viac.vn và ww w .facebook.com/viac.vn/.
PV