Đến dự có TS.BS Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế; BS CKII Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TPHCM; GS Christopher Pokorny, Chủ tịch Hội đồng Quỹ học mãi, Trường Đại học New South Wales, Sydney, Úc; BSCKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cùng lãnh đạo các khoa phòng và nhân viên y tế nhiều bệnh ở TPHCM tham dự…

BSCKII Trần Văn Khanh, giám đốc Bv Lê Văn Thịnh.
BSCKII Trần Văn Khanh cho biết: Chủ đề “An toàn người bệnh” là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hệ thống y tế, nhằm giảm thiểu rủi ro, sai sót và tác hại không mong muốn trong quá trình chăm sóc sức khỏe. Đó không chỉ là trách nhiệm của cá nhân bác sĩ, điều dưỡng mà là sự phối hợp của cả hệ thống y tế. Do đó, việc tuân thủ các nguyên tắc an toàn người bệnh trong thực hành lâm sàng là một trong những chủ đề cấp thiết và cần được chú trọng.

TS.BS Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế.
Cũng theo Bác sĩ Trần Văn Khanh, công tác triển khai nghiên cứu và ứng dụng kết quả khoa học công nghệ trong ngành y tế đã được Bộ Y tế thực hiện để các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, tiếp cận và làm chủ các công nghệ, kỹ thuật cao trong chuẩn đoán và điều trị bệnh, tật ở người. Tuy nhiên, mới chỉ tập trung trong một số bệnh viện lớn, chuyên khoa.

BSCKII Trần Văn Khanh hy vọng, thông qua hội nghị Khoa học năm 2025 với chủ đề “An toàn người bệnh trong thực hành lâm sàng” sẽ là diễn đàn quốc tế cởi mở, là cơ hội để các đại biểu cùng thảo luận, trao đổi, cùng cập nhật những kiến thức y khoa tiên tiến mà còn là cơ hội để kết nối, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế từ đó đưa ra những chiến lược, định hướng để phát triển ngành y học cho TP Thủ Đức phát triển đến 2030.

Tại hội nghị, các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, cập nhật các hướng dẫn, kiến thức và kinh nghiệm về An toàn người bệnh, về Nội khoa, về Tâm lý lâm sàng, về cách phòng ngừa sự cố y khoa. Trong đó: GS Paul Haber, Đại học Sydney trình bày các vấn đề về sử dụng chất kích thích trong thực hành lâm sàng; TS Bruce Allen, Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Concord, Sydney giới thiệu cách quản lý bệnh nhân bị kích động; TS Denise Warner, Bệnh viện Nhi khoa Westmead, Sydney báo cáo hình ảnh học về chẩn đoán xâm hại và bạo hành trẻ em; GS Matt Rickard, Đại học Sydney chia sẻ điều trị phẫu thuật bệnh viêm ruột; GS Kim Oates, Bệnh viện Nhi Khoa Westmead, Sydney báo cáo phòng ngừa sự cố y khoa...

Theo TS Bruce Allen, Trung tâm Sức khỏe Tâm thần Concord, Sydney giới thiệu cách quản lý bệnh nhân bị kích động thì đối tượng nguy cơ cao bị tấn công trong ngành y là bác sĩ trẻ, điều dưỡng, nhân viên hành chính tuyến đầu; những nhân viên y tế khoa cấp cứu và tâm thần, hay người công tác tại các bệnh viện nhà nước, bệnh viện tuyến tỉnh.
Đáng chú ý, thủ phạm gây bạo lực, hành hung nhân viên y tế lại thường là người nhà hơn là bệnh nhân. Kích động là yếu tố dự báo bạo lực sắp xảy ra, với 4 dấu hiệu cụ thể, gồm: bồn chồn, đi lại, kích động; nói lớn tiếng, có lời nói đe dọa; giận dữ khi yêu cầu bị từ chối; lời nói khó hiểu. Nếu không may xảy ra tình huống trên, nhân viên y tế cần hành động thế nào? Trả lời cho câu hỏi trên, Giáo sư Bruce Boman cùng cộng sự cho rằng, các y bác sĩ cần tìm cách giảm căng thẳng. Mục đích cuối cùng là để bệnh nhân đang điều trị được đánh giá về mặt y khoa đầy đủ.

Có một số cách để nhân viên y tế lựa chọn giải quyết với đối tượng bị kích động, như gọi bảo vệ theo quy trình của bệnh viện; "giảm leo thang" với đối tượng, nhất là với bệnh nhân bị kích động, mê sảng, ngộ độc. Trong trường hợp bất khả kháng, sử dụng thuốc và "biện pháp vũ lực" là lựa chọn cuối cùng, nhưng bệnh viện cần có quy trình và nhân viên y tế phải được đào tạo kỹ lưỡng.
Phân tích chi tiết về cách giảm căng thẳng, nhóm báo cáo viên đưa ra một số giải pháp, như: Có các biện pháp an toàn, chiến lược rút lui; dùng ngôn ngữ hình thể, giữ khoảng cách an toàn, đàm phán; lắng nghe, đối chiếu, thấu cảm với đối tượng kích động… Các chuyên gia kết luận, nhân viên y tế cần đối xử tôn trọng và lịch sự với bệnh nhân và gia đình, cung cấp thông tin và trả lời câu hỏi của họ rõ ràng. Gắn kết bệnh nhân và người nhà trong quá trình đưa ra quyết định là một phương thức hiệu quả để tránh xung đột và kích động.

Bệnh viện Lê Văn Thịnh luôn chú ý truyền thông về an toàn người bệnh trên các bảng tin của đơn vị. Ngoài ra, nơi này cũng duy trì hoạt động của hội đồng người bệnh, với sự tham gia của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu "chẩn đoán chính xác, điều trị an toàn".
Phát biểu tại hội nghị, TS.BS Nguyễn Ngô Quang, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của Bệnh viện Lê Văn Thịnh, một trong những bệnh viện đa khoa hạng I với đội ngũ chuyên môn có kinh nghiệm dày dặn cùng các bạn trẻ đầy năng động, tự tin và tiên phong trong việc kết nối và hợp tác cùng phát triển đa phương, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, không ngừng đào tạo liên tục chuyên môn trong ngành y tế để nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị.
Quỹ Học Mãi, một tổ chức phi lợi nhuận trực thuộc Trường Đại học Sydney, được sáng lập vào năm 1998, là nơi tập hợp những chuyên gia với mục tiêu liên tục trao dồi kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe từ cả Úc và Việt Nam nhằm cải thiện tình hình sức khỏe người Việt thông qua các hợp tác nghiên cứu và đào tạo với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục y tế tại Việt Nam.
Tấn Tài