Đồng chủ trì hội thảo có: PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa - Giảng viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; TS. Trịnh Minh Thái - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; PGS.TS Phạm Quốc Thành - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình
Tham dự Hội thảo có các đồng chí: PGS.TS Ngô Đình Xây - Nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thái An - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn; PGS.TS Hoàng Anh - Phó Tổng biên tập Tạp chí Lý luận chính trị; TS. Hoàng Minh Tuấn - Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam; TS. Phạm Thị Ánh Nguyệt - Đảng ủy viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình; TS. Hà Văn Đồng - Đảng ủy viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình cùng các đại biểu là lãnh đạo các đơn vị, các chuyên gia và nhà khoa học.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS Phạm Quốc Thành - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình bày tỏ niềm vui khi được chào đón các đại biểu về tham dự chương trình. Hội thảo lần này được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, bài bản, có sự phối hợp chặt chẽ giữa 02 Nhà trường. Thông qua Hội thảo, kỳ vọng sẽ nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giảng viên, sinh viên của hai đơn vị - PGS.TS Phạm Quốc Thành chia sẻ.
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn, TS. Trịnh Minh Thái - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đã thông tin về cơ cấu, số lượng đoàn viên, thanh niên hiện nay cũng như vai trò, sứ mệnh của lực lượng này trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. TS. Trịnh Minh Thái mong muốn thông qua Hội thảo, qua ý kiến phát biểu, tham luận của các đại biểu sẽ quán triệt, tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hiện nay. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội.
Tại Hội thảo, PGS.TS Ngô Đình Xây – Nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tham luận với chủ đề ''Thanh niên số để đáp ứng phương thức sản xuất số''. Trong đó, nêu ra công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cuộc cách mạng số và đòi hỏi phải có quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số làm xuất hiện phương thức sản xuất số. Thanh niên số là một bộ phận và là nguồn nhân lực cơ bản, quan trọng làm thành lực lượng sản xuất số, cần có các đặc trưng: tư duy số; văn hóa số; kỹ năng số; khát vọng số và thanh niên - sinh viên số phải đi đầu tham gia vào quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam.
Phát biểu về chủ đề ''Giáo dục lý luận Mác - Lênin cho sinh viên - Điều kiện quan trọng góp phần xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam'', PGS.TS Hoàng Anh – Phó Tổng biên tập Tạp chí Lý luận chính trị nêu rõ trong các yếu tố dẫn đến thành công của sự nghiệp đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước luôn chú trọng đến việc phát triển nguồn lực con người, nhất là nguồn lực sinh viên - nguồn nhân lực khoa học trụ cột trong tương lai. Quán triệt tư tưởng lãnh đạo của Đảng, ngành giáo dục đã đề ra những nhiệm vụ trọng yếu, nền tảng của chương trình giáo dục đại học là xây dựng một đội ngũ trí thức tương lai có nhân cách, đạo đức, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, khỏe mạnh về thể chất đáp ứng tốt yêu cầu phát triển đất nước hiện nay. Giáo dục lý luận cho sinh viên góp phần quan trọng quyết định xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện tốt 1 trong 3 đột phá chiến lược được Đảng xác định tại Đại hội XIII là điều kiện đảm bảo, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam – PGS.TS Hoàng Anh chia sẻ.
Ngoài ra, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những vấn đề quan trọng như: Phát huy nguồn lực thanh niên trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Sự phát triển nhận thức của Đảng Cộng sản về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Thanh niên với sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Sinh viên trường Đại học Thái Bình phát huy vai trò thanh niên Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; Thanh niên khối Doanh nghiệp Trung ương với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Nâng cao vai trò, trách nhiệm của sinh viên trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc đường lối đối ngoại của Đảng trên không gian mạng; Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh trong trường phổ thông hiện nay; ''Vũ khí tư tưởng'' và vấn đề phát huy vai trò của sinh viên trong nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trong thời đại số; Thanh niên Thái Bình với sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa hiện nay.
Phát biểu tổng kết tại Hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Nghĩa - Giảng viên cao cấp, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã đưa ra các đánh giá, kết luận: Một là, hội thảo đã phân tích, làm rõ được khái niệm, nội hàm và đặc trưng của chủ nghĩa xã hội và vai trò, sứ mệnh của thanh niên trong con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hai là, làm rõ khái niệm về thanh niên số, kỷ nguyên số, xã hội số và nền quản trị số với quá trình xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc dựa trên phương thức sản xuất số. Ba là, đặc tính của thanh niên trước sự nhạy bén của cái mới, luôn có xu hướng đổi mới sáng tạo nhưng cũng có thể dễ bị tổn thương, dao động về tư tưởng, lập trường trước những thời cơ, thách thức của kỷ nguyên số, xã hội số và toàn cầu hóa. Từ đó, đặt ra yêu cầu về thanh niên trong việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, mô hình phát triển của Việt Nam thông qua không gian mạng. Bốn là, hội thảo đề xuất những kiến nghị và giải pháp mà phần lớn trong số đó đều có giá trị tham khảo, tích lũy và thiết thực cho việc xây dựng, hoàn thiện các quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình hành động liên quan đến thanh niên và công tác giáo dục thanh niên trước yêu cầu thực tiễn ngày càng cao của quá trình phát triển mạnh mẽ bởi lực lượng sản xuất số đã và đang làm thay đổi quan hệ sản xuất, quản trị xã hội. Năm là, đánh giá cao các nhóm giải pháp tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức, phẩm chất chính trị, tăng cường hợp tác giữa các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương cũng như hợp tác quốc tế để nâng cao trình độ, kỹ năng cho đội ngũ thanh niên Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình ra thế giới, kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo.
Trong khuôn khổ chương trình, Ban tổ chức Hội thảo đã gửi đến các đại biểu tham dự cuốn Tạp chí Thanh niên Nghiên cứu khoa học, số chuyên đề phục vụ Hội thảo. Trong đó, tổng hợp các bài viết, ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo cũng như các chuyên gia, nhà khoa học đến từ nhiều lĩnh vực, đơn vị khác nhau.
Quang Chính