TNV - Nhằm góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc; lần đầu tiên, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Website Lục Bát Việt Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội đồng Thơ Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với Di sản Văn hóa dân tộc”, vào ngày 4/9 (Tức ngày 6/8 AL) năm Kỷ Hợi bằng kinh phí xã hội hóa.
Hội thảo đã thu hút hơn 40 bài viết và ý kiến tham luận của hơn các tác giả là những Nhà nghiên cứu, Nhà thơ có uy tín về thể loại Lục Bát, nhiều người hiện đang làm việc và sinh sống tại nước ngoài.
Lục Bát không chỉ là tên một thể thơ truyền thống của Việt Nam, mà còn là Hồn quê, là Văn hóa cội nguồn và Tâm linh của người Việt. Đó vừa là di sản vô giá, vừa là tài sản độc đáo, từ bao đời cha ông truyền lại cho con cháu hôm nay và mai sau, nên dù có làm ăn sinh sống ở đâu, người Việt cũng yêu thơ Lục Bát. Bởi đã là người Việt Nam, thì không ai là không thuộc một đôi câu dân ca, ca dao bằng Thơ Lục Bát. Và dù sinh sống ở đâu trên thế giới, thì từ sâu thẳm tâm hồn mỗi người Việt Nam đều có những lời ru của mẹ từ thuở ấu thơ, đều có những câu ca dao đằm thắm bay lên từ nắng gió đồng quê; đó là hành trang theo ta đi suốt cuộc đời, vừa gần gũi, vừa thiêng liêng như gia đình và nguồn cội dân tộc.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Thơ Lục Bát -Sáu Tám không chỉ có trong 3254 câu trong kiệt tác “Truyện Kiều”; trong “Tống Trân Cúc Hoa”; trong “Phạm Tải Ngọc Hoa”; trong “Thạch Sanh”; trong “Hoàng Trìu”… Hàng ngàn câu, hàng trăm nhân vật, cảnh ngộ, nỗi niềm… mà chỉ cần “Sáu Tám” là gánh chịu được hết! Có thể nói 14 chữ cộng lại trong 2 câu 6/8 là 14 phép thần thông biến hoá. Có thể thơ nào, có phép vận trù nào huyền ảo, phong phú như thế !
Ấy là chưa kể đến một không gian dường như vô tận mà Thơ “sáu tám” đã dâng tràn lan toả là Dân ca: Hàng trăm làn điệu Chèo và Quan Họ có ca từ đều là“sáu tám”. Rồi Trống Quân, Cò Lả, Ví, Dặm, Nam Ai, Nam Bình, Ả Đào, Chầu Văn, Ca Trù… Các nhạc sỹ dân gian xin cứ “phổ” cho “sáu - tám” là ai cũng thuộc, cũng nhớ, cũng có thể hát được vài câu”.
Tuy những bài viết có trong tập Kỷ yếu và những ý kiến phát biểu trong Hội thảo chỉ là phần tiêu biểu, chưa phản ánh hết những điều Ban Tổ chức Hội thảo muốn chuyển tải về giá trị Di sản và Tài sản của Thơ Lục Bát trong dòng chảy ngàn năm của Thi ca Việt Nam. Có thể nói, mỗi nhà nghiên cứu đã tiếp cận một góc độ khác nhau, bằng nhiều cứ liệu lịch sử, xã hội và dẫn chứng thuyết phục, đều khẳng định giá trị và vị thế của Thơ Lục Bát trong Di sản Văn hóa Dân tộc; khẳng định trên thực tế Lục Bát đã là Quốc Thi của Việt Nam và xứng đáng là “Di sản Văn hóa phi vật thể” của Quốc gia.
Cũng nhân dịp này, trang web Lục Bát Việt Nam đã được đầu tư và đang nâng cấp, cập nhật những công nghệ mới nhất, mang giao diện mới và nhiều tính năng mới. Ví dụ, trang web cho phép đưa bài và ảnh trực tiếp bằng điện thoại thông minh (trước đây, chỉ có thể vào admin qua máy tính). Việc đưa ảnh cũng không khống chế độ phân giải và kích thước. Các tính năng bình luận của người đọc cũng hiển thị nhanh hơn, sự tương tác của tác giả với bạn đọc tiện lợi hơn trước…
Trong khuôn khổ Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019”, Nhà thơ, Kỷ lục gia Đặng Vương Hưng – Người sáng lập Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam và trực tiếp tổ chức Ngày Hội Lục Bát nhiều năm qua – đã cho công bố tập thơ Lục Bát mới mang tên “Phố quê” gồm hơn 200 bài, được sáng tác trong khoảng 12 năm (2006 – 2017). Từ đáy lòng mình, tác giả tâm sự: Tập HQĐN với 46 bài, kèm những lời bình của bạn thơ, độ dày chỉ có 152 trang, nhưng hình như đã “chạm tới trái tim” của Người Yêu Thơ, nên đã được 6 lần tái bản và 5 lần thay bìa mới; với tổng cộng gần 60.000 bản in được phát hành (không kể hàng chục ngàn bản photo và cả chép tay do các Câu lạc bộ Thơ và Người Yêu Thơ tự thực hiện)”.
Đánh giá về tập “Phố Quê”, Nhà thơ Trần Ninh Hồ (nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ – Hội Nhà văn Việt Nam) đã viết:“Với hơn 200 bài thơ Lục Bát mới trình làng, sau gần hai chục năm tưởng chừng Đặng Vương Hưng đã “gác kiếm ở ẩn” thì nay lại “tái xuất giang hồ”. Không biết bao nhiêu việc đời, sự đời trên đường đời này đã hiện ra mà Y không hề tránh né. Nó cứ tuôn chảy như dòng thơ Lục Bát từ nhiều trăm năm qua, khiến Y yêu lục bát đến mức, nếu nối hơn 200 bài thơ lục bát này lại có thể đến hàng ngàn câu mà Y rất ít bị vấp, bị gò…”
Cùng trong sự kiện này Ngày hội Lục Bát Kỷ Hợi – 2019 được tổ chức với dự tham gia của đại diện gần 30 Câu lạc Thơ Lục Bát đến từ khắp mọi miền đất nước: TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Gia Lai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Hòa Bình, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên…không chỉ có các nghi thức đặc trưng được duy trì đã 11 năm liên tục: Sắp đặt các Lục Bát quán, Lễ Rước Thơ, Lễ Phát lộc Thơ Lục Bát… mà còn có nhiều nội dung mới, lần đầu xuất hiện, trước sự chứng kiến của báo giới và công chúng yêu thể thơ truyền thống của dân tộc…
T. H