Hội thảo “Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 - Doanh nghiệp cần làm gì?”

Chủ nhật, 20/12/2020 - 19:38

TNV - Vừa qua, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức hội thảo “Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 - Doanh nghiệp cần làm gì?”. Sự kiện có sự tham gia và bàn luận sôi nổi của hơn 200 đại biểu là các doanh nghiệp, luật gia, nhà quản lý.

Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2020 sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2021, điều này đặt ra nhiều bỡ ngỡ cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do đó, mục đích của hội thảo là nơi các luật gia, các trọng tài viên uy tín trình bày và giải thích những điểm mới, những điểm thay đổi trong Luật so với Luật các năm trước đó. Từ đó giúp các doanh nghiệp không bị bỡ ngỡ trong việc áp dụng luật vào thực tiễn tại công ty.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phát biểu tại Hội thảo

Trình bày những điểm mới cơ bản của Luật Đầu tư năm 2020, TS.LS. Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Trọng tài viên VIAC cho biết: Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021, thay thế Luật Đầu tư 2014. Việc ban hành Luật Đầu tư 2020 nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.

Lấy thí dụ về nhóm các quy định về các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, LS Vinh cho biết Luật Đầu tư 2020 tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi nguyên tắc bảo đảm quyền tự do đầu tư kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc những ngành nghề mà pháp luật quy định phải có điều kiện. Tạo lập hành lang pháp lý thông thoáng cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, đảm bảo môi trường đầu tư an toàn cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội. Luật đã bổ sung các quy định về hình thức áp dụng, nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như các nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư. Bổ sung ngành nghề “Kinh doanh pháo nổ” và “Kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào Danh mục các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; bổ sung nội dung cấm mua bán “bào thai người” vào quy định cấm ngành, nghề “Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người”.

Bãi bỏ các Phụ lục I, II, III của Luật Đầu tư liên quan đến các quy định cấm đầu tư kinh doanh các chất ma túy và tiền chất, các hóa chất, khoáng vật và động vật, thực vật hoang dã bị cấm theo các công ước quốc tế và giao Chính phủ quy định chi tiết các Phụ lục này để phù hợp với thực tiễn thay đổi nhanh chóng của các sản phẩm nói trên cũng như yêu cầu quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bãi bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời sửa đổi 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề này và bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan (Phụ lục IV). Về nhóm các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhằm đảm bảo mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, đồng thời tạo điều kiện để thu hút hoạt động đầu tư theo các mô hình, phương thức kinh doanh mới đã và đang xuất hiện trong xã hội hiện đại, Luật Đầu tư 2020 đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Về nhóm các quy định về đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, Luật Đầu tư 2020 bổ sung một số quy định nhằm nâng cao tính minh bạch trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài, thúc đẩy hoạt động đầu tư ra nước ngoài phát triển trong bối cảnh đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động này.

Trình bày những điểm mới cơ bản của Luật Doanh nghiệp năm 2020, Ls. Trương Thanh Đức - Trọng tài viên VIAC, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật BASICO thí dụ, về người đại diện pháp luật, nếu có 1 đại diện: Chủ tịch hoặc Giám đốc; nếu có 2 đại diện với Công ty TNHH: Chủ tịch & Giám đốc, với Công ty Cổ phần: Chủ tịch hoặc Giám đốc. Luật năm 2020 vẫn giống năm 2015 ở điểm, phải có ít nhất 1 người phải cư trú ở Việt Nam, ngoài ra là về điều lệ quy định cụ thể: Số lượng, Chức danh quản lý, Quyền, nghĩa vụ của mỗi người. Bên cạnh đó, Luật năm 2020, có thay đổi là: Nếu phân chia quyền, nghĩa vụ không rõ: Mỗi người đều là đại diện đủ thẩm quyền và tất cả phải chịu trách nhiệm liên đới.

Ngoài ra Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã Bỏ: Tóm tắt thủ tục chuyển nhượng trong cổ phiếu (Điều 120.1.đ); Bỏ: Có thể yêu cầu đăng báo việc mất cổ phiếu > 10 triệu (Điều 121); Thêm: Chào bán chứng khoán riêng lẻ (Điều 125.1,128.1); Thêm: Phải ĐK thay đổi cổ đông < 24h khi được yêu cầu (Điều 127.7); Sửa: Ủy ban Kiểm toán thay cho Ban Kiểm toán (Điều 137.1, 161); Thêm: 4 nội dung thuộc quyền của ĐHĐCĐ (Điều 138.2, 167.3.b); Sửa: HĐQT gia hạn họp ĐHĐCĐ (Điều 139.2); Sửa: Lập danh sách cổ đông dự họp trước gửi < 10 ngày (cũ 5) (Điều 141.1); Sửa: Thông báo mời họp ĐHĐCĐ gửi > 21 ngày (cũ 10) (Điều 143.1); Bỏ: Ủy quyền họp ĐHĐCĐ cho 1 người & theo mẫu (Điều 144.2); Sửa: Thành viên độc lập HĐQT < 2 nhiệm kỳ (Điều 154.2); Thêm: Cấm Chủ tịch HĐQT Cty đại chúng kiêm GĐ (Điều 156.2); Sửa: Thành lập thư ký công ty thay vì thư ký HĐQT (Điều 156.5); Thêm: DN tư nhân chuyển thành hợp danh & cổ phần (Điều 202 - 205); Sửa: Thông báo tạm ngừng kinh doanh trước trên 3 ngày làm việc (Luật cũ là 15 ngày) (Điều 206);

Kết lại bài trình bày, Luật sư Trương Thanh Đức đã hướng dẫn các doanh nghiệp cách ứng xử với Luật, nên làm thế nào khi luật cấm, hoặc cho hoặc Luật còn bỏ ngỏ?

Ngay sau phiên trình bày của Luật sư Lê Đình Vinh và Luật sư Trương Thanh Đức, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam đã tổ chức tọa đàm, trả lời câu hỏi của các doanh nhân và các phóng viên tham gia tham gia tọa đàm.

T.H