TNV - N gày 14/01, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đồng tổ chức Hội thảo tổng kết chương trình “Nâng cao năng lực quản lý sản xuất rượu thủ công” thí điểm tại tỉnh Ninh Bình năm 2020-2021.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, mỗi năm có gần 300 triệu lít rượu thủ công (RTC) được tung ra thị trường với tình trạng không nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không công bố chất lượng. Bất chấp nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp Trung ương tới địa phương, việc quản lý sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng RTC vẫn là một nhiệm vụ bất khả thi, làm thất thu nguồn thuế rất lớn cho Nhà nước, làm tăng chi phí chăm sóc y tế cũng như thiệt hại về mặt tính mạng con người và tăng nguy cơ mất an ninh-trật tự, an toàn xã hội.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục Trưởng Cục Công Nghiệp Bộ Công Thương chia sẻ: Hội thảo là dịp để các chuyên gia, các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương cùng trao đổi, thảo luận về các nội dung được nêu trong các báo cáo, nhất là các kiến nghị đề xuất với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công và nêu cao ý thức Uống có trách nhiệm của người sử dụng.
Cũng tại Hội thảo, ThS. Nguyễn Hương Giang - Chuyên viên Cao cấp Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cũng đã có tham luận về Thực trạng quản lý và sản xuất rượu thủ công tại Việt Nam. Bà Nguyễn Hương Giang cho biết, uống rượu thủ công là thói quan đã tồn tại lâu đời ở Việt Nam, có thể nói đó là một nét văn hóa nhưng có tình trạng người dân uống tràn lan. Rượu thủ công không kiểm soát được về chất lượng và ATTP dẫn đến những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội và thị trường rượu chính thức và hậu quả là Nhà nước thất thu ngân sách.
Bà Giang cũng chỉ ra việc quản lý sản xuất rượu thủ công còn nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân vì thế rất cần sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ của toàn bộ xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp. Đó là: Đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức, pháp luật về ATTP cho các đối tượng sản xuất kinh doanh RTC và người tiêu dùng trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh rượu và đảm bảo ATTP; Tăng cường công tác thanh kiểm tra liên ngành và chuyên ngành và các chuyên đề vè kiểm tra rượu thủ công…, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những cơ sở có hành vi vi phạm quy định của Pháp luật, bà Nguyễn Hương Giang nhấn mạnh thêm.
Nấu rượu bằng phương pháp thủ công không đảm bảo vệ sinh ATTP
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, ông Ludovic Ledru, đồng Chủ tịch Diễn đàn uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) chia sẻ: “Kết quả khảo sát từ Chương trình cho thấy, tại Ninh Bình có hơn 450 hộ sản xuất rượu thủ công (tương đương 11% tổng số hộ) có sản lượng hàng năm từ 1000 lít trở lên kê khai “không nhằm mục đích kinh doanh”. Đây rõ ràng là điểm bất hợp lý bởi mức sản lượng này quá lớn và nằm ngoài khả năng tiêu dùng của hộ gia đình. Nếu số rượu này để bán thì dĩ nhiên, các hộ gia đình này không đóng thuế đúng quy định. Từ một ví dụ đơn giản ở Ninh Bình, ta có thể thấy rõ rằng Nhà nước đang tổn thất rất lớn về mặt thu thuế từ khu vực rượu phi chính thức. Nếu như Nhà nước có các chính sách phù hợp nhằm chuyển đổi các hộ sản xuất RTC vào khu vực chính thức, mỗi năm ngân sách nhà nước sẽ có thể tăng thêm đáng kể”.
Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng việc quản lý tốt rượu thủ công không chỉ giúp tăng nguồn thu thuế cho ngân sách, mà còn giúp tạo ra các sản phẩm rượu có chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, cũng như tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, hấp dẫn cho các nhà sản xuất rượu chính thức ở Việt Nam.
Các hoạt động của Chương trình đã thu được những kết quả ban đầu khá ấn tượng, đặc biệt là số lượng hộ sản xuất RTC đăng ký, kê khai với chính quyền địa phương tăng 68% so với thời điểm trước khi triển khai. Thông tin về quy định pháp luật, kiến thức về RTC, phòng chống lạm dụng rượu bia được chuyển tải tới người dân ở Ninh Bình thông qua chuỗi hoạt động truyền thông, hội thảo tập huấn, tin bài phóng sự, thu hút được sự tham gia của hàng ngàn lượt người tham dự.
Dẫu vậy, kết quả điều tra khảo sát cũng cho thấy nhiều vấn đề bất cập trong công tác quản lý việc sản xuất RTC ở Ninh Bình, chẳng hạn như gần ¾ số hộ gia đình được khảo sát cho biết họ chưa kê khai với chính quyền địa phương về việc sản xuất RTC và trong số đó có tới 85,2% cho biết không nắm được quy định cần phải kê khai việc sản xuất RTC với chính quyền. Bên cạnh đó, nhận thức, hiểu biết của người sản xuất RTC về việc nấu rượu còn rất hạn chế với chỉ 36% hộ gia đình hiểu biết đầy đủ về những quy định pháp lý cần tuân thủ trong việc nấu RTC (về an toàn thực phẩm, nguồn gốc nguyên liệu, đăng ký kê khai).
Thông qua Hội thảo cũng đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với các ban, ngành, các cấp có thẩm quyền: Cần nghiên cứu, xem xét, sửa đổi lại quy định kê khai sản lượng đối với đối tượng sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh vì việc phân định giữa đối tượng này với đối tượng sản xuất nhằm mục đích kinh doanh là rất khó.
Về lâu dài, hướng giải pháp là cần có lộ trình để hạn chế việc sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh, khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi ngành nghề, chỉ cho các cơ sở, hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công thực hiện đúng các quy định của pháp luật được phép sản xuất nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người sản xuất và người tiêu dùng và tạo điều kiện thuận lợi cho các các cấp chính quyền trong công tác quản lý nhà nước.
Theo Luật phòng chống tác hại rượu bia và các văn bản có liên quan, UBND cấp xã là cơ quan có trách nhiệm tổ chức việc thực hiện biện pháp tăng cường quản lý và bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản xuất rượu thủ công trên địa bàn quản lý; vận động, tổ chức cho hộ gia đình, tổ chức, cá nhân đăng ký việc bán rượu cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại; hộ gia đình, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh tự kê khai các thông tin về sản lượng sản xuất rượu, phạm vi sử dụng và cam kết không bán rượu ra thị trường. Vì vậy, cần tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về sản xuất rượu thủ công tại cấp xã cho người dân, hội viên của nhiều tổ chức đoàn thể khác nhau như Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh...thông qua các hội nghị hay hỗ trợ về mặt pháp lý, hỗ trợ vay vốn...
Áp dụng phương pháp quản lý sản xuất tiên tiến, hiện đại đối với sản phẩm rượu thủ công bằng mã QR để tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm rượu thủ công được đưa ra thị trường và xây dựng thương hiệu riêng.
Hoàng Hà