Hội thảo quốc gia “Một số vấn đề dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị ở nước ta hiện nay”

Thứ ba, 26/11/2024 - 15:50

Ngày 26/11 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo Dân tộc học Quốc gia thường niên năm 2024 với chủ đề “Một số vấn đề dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị ở nước ta hiện nay”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Phan Chí Hiếu - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng tới công tác dân tộc, chính sách đối với đồng bào dân tộc, coi đây là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa then chốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện nhất quán, xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn và tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước. Nhờ đó, đồng bào các dân tộc ở nước ta ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần tiếp tục được cải thiện.

Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tiến sỹ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Lý luận về dân tộc, nhất là quan hệ giữa các tộc người với cộng đồng quốc gia - dân tộc cũng như thực hiện chính sách dân tộc, chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta dựa trên những nguyên tắc cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn của các tộc người gắn với mục tiêu xây dựng, bảo vệ tổ quốc; đồng thời tiếp thu có chọn lọc những vấn đề lý luận, thực tiễn và bài học kinh nghiệm trên thế giới. Các nội dung cốt lõi được xác định bao gồm: Đoàn kết toàn dân tộc là chiến lược của Cách mạng Việt Nam; các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

Tuy nhiên, do sự đa dạng về thành phần, nguồn gốc lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo..., nên vấn đề dân tộc trên thế giới cũng như ở nước ta luôn vận động, phát triển với những nội dung, nội hàm mới, nhất là về ý thức tộc người, quyền và nghĩa vụ của các tộc người, quan hệ dân tộc trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc, phong phú về tôn giáo, tín ngưỡng; trong đó có những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ phức tạp ở một số tộc người, tại một số địa bàn, có thể tác động tới tình hình an ninh, chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước.

Hội thảo quốc gia “Một số vấn đề dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị ở nước ta hiện nay”- Ảnh 2.

Chính vì vậy, tiếp nối những thành công của các Hội nghị, Hội thảo thường niên trước đây, Hội thảo Dân tộc học Quốc gia năm 2024 do Viện Dân tộc học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam chủ trì tham mưu, đề xuất với chủ đề "Một số vấn đề dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, chính trị ở nước ta hiện nay" rất có ý nghĩa.

Hội thảo với mục tiêu nhằm tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển lý luận và thực tiễn về tộc người, trong xây dựng, thực hiện chính sách dân tộc, chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng cộng đồng quốc gia - dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó góp phần nhận diện thực trạng một số vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, ven biển và hải đảo; đánh giá ảnh hưởng của các vấn đề dân tộc; phân tích làm rõ các yếu tố tác động và dự báo những xu hướng của các vấn đề dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, chính trị ở nước ta.

Hội thảo cũng là dịp để các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, những người hoạt động thực tiễn cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong nghiệm, xây dựng, hoàn thiện chính sách dân tộc.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được gần 130 bài tham luận của đại diện một số cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn, qua đó thể hiện sự quan tâm rất lớn của các diễn giả đối với chủ đề Hội thảo.

PV