TNV - Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa của Chính phủ và Ngày Quyền Người tiêu dùng Thế giới (15/3) của Tổ chức người tiêu dùng Quốc tế (CI) với chủ đề “Ngăn ngừa ô nhiễm nhựa”, Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam phối hợp với Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức hội thảo “Sản xuất và sử dụng bao bì nhựa thân thiện với môi trường” vào sáng ngày 18/3 tại Hà Nội .
Việc sử dụng nhựa một cách hợp lý và sử dụng nhựa phân hủy sinh học đang là bài toán đối với các quốc gia đang sử dụng nhiều sản phẩm làm từ nhựa. Hội thảo lần này nhằm mục đích nâng cao nhận thức xã hội về sản xuất và tiêu dùng nhựa bền vững góp phần bảo vệ môi trường và cộng đồng.
Tổng cục trưởng Tổng cục Tổng cục Đo lường Chất lượng, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về
Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam - Trần Văn Vinh phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Tổng cục Đo lường Chất lượng, Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam nhấn mạnh:Nhựa và các sản phẩm đồ nhựa hiện nay đang là vật dụng hết sức hữu ích, tiện lợi trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, có một thực tế là việc tiêu thụ, sản xuất đồ nhựa của các nước trên thế giới đặc biệt là việc nhựa sử dụng một lần chưa bền vững và hợp lý dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu.
Tại Việt Nam, ngày 25/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã có thư kêu gọi toàn xã hội chung tay hành động giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa. Ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng nhằm giảm thiểu phát thải nhựa ra môi trường.
Cũng tại Hội thảo, ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Hội Khoa học và Kỹ thuật về Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam cho biết:Mục tiêu bảo vệ môi trường trước những tác động tiêu cực của chất thải nhựa, cần thiết phải có các giải pháp quản lý tổng hợp từ chính sách, quy hoạch phát triển sản phẩm nhựa; giáo dục, tuyên truyền hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, tăng cường tái sử dụng và tái chế chất thải nhựa. Các giải pháp công nghệ - kỹ thuật là rất cần thiết, cần được khuyến khích, đầu tư, tạo điều kiện để có được các kết quả áp dụng vào thực tế.
Bà Trần Thị Hiền Hạnh - Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường chia sẻ về định hướng phát triển nhãn xanh và mua sắm công xanh ở Việt Nam đó là: Nâng cao nhận thức cộng đồng về tiêu dùng xanh và sản xuất bền vững; Tổ chức các chương trình giáo dục, truyền thông, thu hút sự tham gia của cộng đồng trong sản xuất và quảng bá nhãn sinh thái Việt Nam; Tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, bài học thực tiễn về chương trình mua sắm xanh. Ngoài ra còn cần phải Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ kỹ thuật trong phát triển nhãn xanh Việt Nam và mua sắm công xanh; Thúc đẩy hợp tác giữa Chương trình Nhãn sinh thái Việt Nam với các chương trình nhãn sinh thái và tổ chức trong nước/ quốc tế trong hoạt động xây dựng tiêu chí, đánh giá và chứng nhận sản phẩm sinh thái. Xây dựng, thực hiện thỏa thuận công nhận lẫn nhau giữa Chương trình Nhãn sinh thái Việt Nam với các tổ chức nhãn sinh thái quốc tế khác
Hội thảo là cơ hội để các doanh nghiệp nghiệp sản xuất kinh doanh, các tổ chức nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước giới thiệu, trao đổi kinh nghiệm và thảo luận các vấn đề liên quan đến sản xuất, kinh doanh, sử dụng đồ nhựa và quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam; sản xuất, sử dụng bao bì nhựa theo hướng thân thiện môi trường, các giải pháp tiêu chuẩn để quản lý nhựa trong thời gian tới.
Hải Hà