Hội thảo tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với ngành gỗ Việt Nam

Thứ bảy, 22/06/2019 - 07:05

TNV - Sáng ngày 21/6, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Định (FPA Bình Định) và Tổ chức FOREST TRENDS cùng phối hợp tổ chức Hội thảo “ Tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đối với ngành gỗ Việt: Chuyển dịch đầu tư nước ngoài, cơ hội và rủi ro trong xuất nhập khẩu”.

Căng thẳng trong thương mại Mỹ - Trung đang leo thang. Trong bối cảnh này, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng lợi. Tuy nhiên lợi ích cũng đi kèm với những rủi ro mới. Thông qua Hội thảo, sẽ đánh giá một số tác động của cuộc chiến này đối với ngành gỗ Việt Nam trong thời gian gần đây. Hội thảo cũng tập trung vào một số vấn đề như chuyển dịch đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành gỗ, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc; Thay đổi trong cơ cấu và kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng gỗ của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Việt Nam đã trở thành địa điểm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI mới trong ngành gỗ. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ trong năm tháng đầu 2019, quy mô vốn FDI của 5 tháng đầu 2019 lớn hơn 1,2 lần tổng số vốn đầu tư FDI vào ngành gỗ trong cả năm 2018. Trong số quôc sgi addaauf tư , Trung Quốc đứng đầu bảng với 21 dự án tương đương 43% tổng số dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ.

Thuế và các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc xuất vào Mỹ gia tăng làm cho một số doanh nghiệp Trung Quốc từ bỏ đơn hàng. Điều này đã tạo ra khoảng trống về thị trường, và chính điều đó đã trở thành cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Kim ngạch xuất khẩu (XK) các mặt hàng gỗ từ Việt Nam vào Mỹ tăng rất nhanh, đặc biệt từ nửa cuối 2018: Từ 3,1 tỉ USD năm 2017 lên 3,6 tỉ USD 2018. Kim ngạch XK sang thị trường này tăng mạnh, bắt đầu từ nửa sau của năm 2018. Trong 4 tháng đầu năm 2019, kim ngạch XK vào Mỹ đạt gần 1,4 tỉ USD, tăng 1,4 lần so cùng kỳ 2018. Các mặt hàng từ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ lớn nhất gồm gỗ dán, ván ép, ghế ngồi, nội thất nhà bếp.

Tại hội thảo, tổ chức  Forest Trends đưa ra nghiên cứu nhận định căng thẳng thương mại Mỹ - Trung làm phát sinh một số rủi ro mới trong đầu tư và trong cơ cấu các mặt hàng XK. Báo cáo chỉ ra việc mức thuế mới áp lên các sản phẩm gỗ từ Trung Quốc làm giảm tính cạnh tranh và lợi nhuận của các Công ty có các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Nghiên cứu cũng chỉ ra Trung Quốc là quốc gia cung cấp các sản phẩm gỗ lớn nhất cho Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 30 tỷ USD. Trong khi đó Trung Quốc có các lợi thế như nhân công giá rẻ, thuận tiện về giao thông và hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt tiếp cận với các hệ thống cảng nước sâu.

Do vậy, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra xảy ra, Việt Nam sẽ dễ trở thành địa điểm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI mới trong ngành gỗ. Hiện nay, Việt Nam đã và đang đón nhận dòng đầu tư FDI mới vào ngành, đặc biệt từ Trung Quốc. Rủi ro đối với ngành gỗ Việt Nam sẽ xảy ra khi các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam vào Mỹ được hình thành từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam qua sơ chế, sau đó lấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam vào Mỹ.

Nhằm giảm thiểu những rủi ro mới phát sinh trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung là vấn đề cần được nhìn nhận giải quyết với ngành gỗ Việt Nam hiện nay, trong báo cáo của Tổ chức Forest Trends Ông Tô Xuân Phúc đã chỉ ra: Hành vi gian lận thương mại có thể gây ra những tổn hại vô cùng lớn cho ngành gỗ Việt Nam. Xác định và giảm thiểu các rủi ro mới phát sinh là vấn đề cấp bách của ngành gỗ các cơ quan quản lý cần đánh giá tổng thể các loại hình rủi ro trong các dự án đầu tư FDI cũng như các sản phẩm xuất khẩu.

Cũng tại hội thảo bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: việc đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam là cơ hội cho các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp không nắm vững những quy định cần thiết và đáp ứng đủ điều kiện về xuất xứ hàng hóa sẽ là hiểm họa đối với họ. Khi Hoa Kỳ phát hiện doanh nghiệp nào gian lận về xuất xứ hàng hóa thì hàng hóa đó sẽ bị chặn lại và những doanh nghiệp khác có thể sẽ bị ảnh hưởng theo.

Xác định và giảm thiểu rủi ro về gian lần thương mại, lợi dụng xuất xứ hàng hóa của Việt nam trong xuất khẩu cũng là vấn đề cấp bách cần giải quyết của ngành. Các cơ quan quản lý cần phối hợp với các hiệp hội gỗ rà soát toàn bộ các dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ có tính biến động lớn và cả các dòng sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Thông qua Hội thảo lần này, những tham luận của các đại biểu tại hội thảo là những ý kiến quý báu cho các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, chủ động hơn trong những diễn biến, biến động mới từ nền kinh tế thế giới để từ đó có những giải pháp, cơ chế mới giảm thiểu rủi ro cũng như tận dụng những cơ hội phát triển đối với ngành sản xuất gỗ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

T.H