TNV - Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh và các cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Hội thảo Thách thức và Triển vọng thị trường Gas” sáng ngày 14 tháng 11 năm tại Hà Nội.
Qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, đến nay ngành công nghiệp khí Việt Nam đã đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội nói chung và ngành dầu khí nói riêng. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công thương về tình hình ngành công nghiệp khai khoáng trong nửa đầu năm 2018, khai thác khí đốt thiên nhiên ước đạt 5,3 tỷ m3, tăng 1% ; khí hóa lỏng ước đạt 437,6 nghìn tấn, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Điều đó cho thấy bức tranh toàn cảnh về ngành công nghiệp khai khoáng nói chung, ngành công nghiệp khí nói riêng đang ngày càng được phát triển cơ bản đáp ứng yêu cầu, không xảy ra thiếu hụt nguồn cung. Tuy nhiên trong năm nay, các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng đang cạnh tranh quyết liệt nhằm giành thị trường bằng nhiều thủ đoạn khác nhau rất khó kiểm soát, dẫn đến có những thời điểm thị trường không ổn định, hiệu ứng dư luận không tốt, cơ quan quản lý nhà nước bị động trong quản lý.
Nhằm mang đến diễn đàn trao đổi thẳng thắn, đa chiều về thách thức và triển vọng thị trường Gas, làm rõ tầm quan trọng của ngành Công nghiệp khí đối với phát triển Kinh tế - Xã hội đất nước, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh và các cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Hội thảo Thách thức và Triển vọng thị trường Gas”.
Chương trình có sự tham gia của gần 250 đại biểu, gồm đại diện các Bộ, ban ngành: TS Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh – chủ trì hội thảo; ông Trần Hữu Linh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương; bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Dầu Khí và Than, Bộ Công Thương; ông Đỗ Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng Phân phối hàng hóa và dịch vụ thương mại, Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương; ông Trần Trọng Hữu – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam; Đồng chí Trần Viết Ngãi – Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; Ông Nguyễn Quyết Thắng – Phụ trách Ban Thị trường, Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PVGas);…
Trong khuôn khổ chương trình, Hội thảo sẽ tập trung thảo luận 3 chủ đề chính:Thực trạng của thị trường Gas tại Việt Nam và tầm quan trọng của ngành công nghiệp khí đối với phát triển kinh tế đất nước;Triển vọng ngành công nghiệp khí trong tương lai và Hướng đi cho các doanh nghiệp để phát triển thị trường khí.
Tại Hội thảo, ông Trần Trọng Hữu – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam đã có những ý kiến về Thực trạng công tác chống gian lận thương mại hiện nay và đề xuất các giải pháp chống GLTM có hiệu quả. Ông cho biết: Vấn đề nổi cộm trong suốt thời gian qua và liên tục kéo dài đến hiện nay là tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau, thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra trên thị trường làm thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhà nước thất thu thuế và đặc biệt đó là những mầm mống gây ra những vụ tai nạn, cháy nổ, gây bất bình trong dư luận, xã hội.
Với các hình thức gian lận thương mại này đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh gas tại thị trường của Việt nam. Điển hình là các thương hiệu nổi tiếng như Shell gas, Total gas, BP gas, Thăng Long gas phải thu gọn lại hoặc phải rút khỏi Việt nam do tình trạng gian lận thương mại. Ông nói thêm.
Thay mặt Hiệp hội Gas Việt Nam, ông cũng đã có một số kiến nghị để thị trường Gas hoạt động lành mạnh, đẩy lùi nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ trên thị trường về mặt hàng Gas.
Ông Đỗ Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng Phân phối hàng hóa và dịch vụ thương mại, Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cũng đã có tham luận về Nâng cao hiệu quả kinh doanh Khí, củng cố vị thế của doanh nghiệp trên thị trường Gas của Việt Nam.
Hội thảo là nơi các chuyên gia về kinh tế chia sẻ về những khó khăn, thách thức của thị trường Gas, đồng thời là cầu nối giúp các doanh nghiệp chia sẻ những rào cản vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Đây cũng là cơ hội quý báu để các lãnh đạo cơ quan, bộ, ban ngành của Đảng và Nhà nước gặp gỡ, thảo luận để từ đó tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, cùng với đó là tăng cường phổ biến pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế tới từng doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, trừng phạt những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gian lận, làm ăn phi pháp, phi văn hoá gây tổn hại tới các doanh nghiệp.
PV