TNV - “Sở hữu trí tuệ là một công cụ quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội và đã trở thành một trụ cột trong các quan hệ kinh tế – thương mại quốc tế. Trong hoạt động nghiên cứu – phát triển, sở hữu trí tuệ tạo ra một hệ thống giúp cho các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học thu được lợi ích từ chính những sáng tạo của mình…”
Trên đây là lời khẳng định của Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ tại Hội thảo “Thương mại hóa tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp” được tổ chức vào ngày 26/11/2018 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Chương trình được thực hiện do sự phối hợp giữa Cục Sở hữu trí tuệ với Cơ quan Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO), Hiệp hội Xúc tiến Sáng chế Hàn Quốc (KIPA), Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ (VIPRI) và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC).
Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo diễn đàn để các cơ quan quản lý, Viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp cùng các chuyên gia quốc tế trao đổi, thảo luận nhằm đẩy mạnh thương mại hóa tài sản trí tuệ trong môi trường hiện nay.
Qúa trình hội nhập với nền kinh tế thế giới đang đòi hỏi Việt Nam phải có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư trong và ngoài nước. Đẩy mạnh việc đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong nước cũng như ngoài nước được coi là một trong những bước tiến mũi nhọn. Do đó, trong những năm qua, hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã không ngừng được hoàn thiện với mục tiêu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thu hút đầu tư.
Toàn cảnh hội thảo “Thương mại hóa tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp”
Đăng ký quyền sở hữu trí tuệ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu. Tuy nhiên, giải pháp ở Việt Nam hiện nay nhận thấy nhiều nhà sáng chế vẫn chưa thật sự quan tâm đến vấn đề đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho chính những đứa con tinh thần của mình. Số lượng đơn và văn bằng sáng chế của tổ chức, cá nhân Việt Nam còn khá khiêm tốn và chiếm tỷ lệ rất thấp so với các nước trên thế giới. Điều này đã gây ra những tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí làm mất quyền thương hiệu và nhiều hệ lụy đáng tiếc. Đây được coi là một trong những nguy hiểm rực tiếp tác động đến sự hội nhập của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Cục trưởng Đinh Hữu Phí phát biểu tại lễ khai mạc hội thảo
Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định sở hữu trí tuệ là một công cụ quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội và đã trở thành một trụ cột trong các quan hệ kinh tế – thương mại quốc tế. Trong hoạt động nghiên cứu – phát triển, sở hữu trí tuệ tạo ra một hệ thống giúp cho các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học thu được lợi ích từ chính những sáng tạo của mình. Bên cạnh đó, ông cho biết: Hàn Quốc là một quốc gia có nền kinh tế phát triển. Những bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc trong lĩnh vực này rất cần thiết cho các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.
Tại Hội thảo, các chuyên gia của Hàn Quốc đã giới thiệu về lịch sử phát triển của KIPO, KIPA, trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm trong sự hình thành và phát triển thành công mạng lưới sở hữu trí tuệ tại Hàn Quốc. Các chuyên gia Việt Nam trình bày về hệ thống pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, nâng cao nhận thức của công chúng trong việc thúc đẩy các hoạt động sở hữu trí tuệ, những kinh nghiệm trong việc khai thác thông tin sáng chế và thương mại hóa tài sản trí tuệ và đặc biệt là chia sẻ thông tin về các trường hợp cụ thể đã thành công trong việc thương mại hóa tài sản trí tuệ.
Hội thảo tạo cơ hội để các cơ quan quản lý, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp của Việt Nam và Hàn Quốc cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau trong các vấn đề có liên quan đến hoạt động thương mại hóa sáng chế, công nghệ nhằm góp phần nâng cao năng lực của các chủ thể liên quan ở hai nước.
Huy Hoàng- Bích Ngọc